Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhờ đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư và thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế.
Quản lý thị trường vàng: Cần xem lại tính độc quyền của Nhà nước
- Cập nhật : 29/12/2017
Vừa qua, NHNN đã đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, việc quy định Nhà nước độc quyền huy động vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản trong Dự thảo này chưa nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp ngành vàng.
Nếu quy định NHNN độc quyền kinh doanh vàng tài khoản để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được phép kinh doanh hoạt động này, thì sẽ không phù hợp với Luật đầu tư.
Nghị định 24 của Chính phủ được ban hành từ năm 2012 rất phù hợp với bối cảnh nền kinh tế và thị trường vàng có nhiều bất ổn. Nay thị trường vàng đã ổn định, các Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật dân sự đã được sửa đổi, thì việc ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 24 là rất cần thiết.
“Rạch ròi” chức năng quản lý Nhà nước và kinh doanh
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), việc trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh vàng của NHNN, như kinh doanh vàng tài khoản, sản xuất vàng miếng, huy động vàng trong dân cần phải được xem xét lại. Bởi vì, NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện nhiệm vụ này theo điều chỉnh của Nghị định về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, chứ không thuộc điều chỉnh của Nghị định 24.
Nếu quy định NHNN độc quyền kinh doanh vàng tài khoản để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được phép kinh doanh hoạt động này, thì sẽ không phù hợp với Luật đầu tư. “Nhà nước chỉ quản lý mà không tham gia kinh doanh, hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước khác với doanh nghiệp là không vì mục đích lợi nhuận”, VGTA nhấn mạnh.
Dự thảo quy định Nhà nước độc quyền huy động vàng từ các tổ chức, cá nhân đang được hiểu là doanh nghiệp vay mượn vàng của người dân cũng là hình thức huy động vàng. Tuy nhiên trên thực tế hai hoạt động này hoàn toàn khác nhau, đối tượng huy động vàng mà Dự thảo Nghị định quy định là NHNN. Còn việc doanh nghiệp vay mượn vàng của người dân là quan hệ dân sự mà Luật doanh nghiệp và Luật Dân sự cho phép.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo cần phân hoạt động huy động vàng thành 2 loại hình: Huy động vàng từ tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế sẽ thuộc chức năng của Nhà nước; còn doanh nghiệp kinh doanh vàng vay vàng của tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn vốn kinh doanh được sẽ điều chỉnh theo quy định tại Điều 463 Luật Dân sự 2015 ( Hợp đồng vay tài sản) và Điều 7 quyền của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014.
Ngoài ra, trên thế giới không có NHTW nào đứng ra sản xuất vàng miếng. Nếu xử lý theo đặc thù của Việt Nam thì sẽ được điều chỉnh tại Nghị định của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Do đó, tại Nghị định sửa đổi Nghị định 24 chỉ quy định việc sản xuất vàng miếng của doanh nghiệp. “NHNN cần cân nhắc thêm để có thể quy định về lộ trình tự do hóa sản xuất vàng miếng của doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, khi Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới”, VGTA nhấn mạnh
Khó khăn vì “bí” đầu vào
Từ nhiều năm nay, chưa có một doanh nghiệp nào được NHNN cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, buộc các doanh nghiệp phải thu mua vàng cũ hỏng tái chế và các loại vàng trôi nổi trên thị trường làm nguyên liệu cho sản xuất. Điều này đã vô tình tiếp tay cho các hoạt động nhập lậu vàng, gây chảy máu ngoại tệ, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, càng không thể dùng vàng miếng chuyển đổi thành vàng trang sức do sẽ không cạnh tranh được về giá. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp kinh doanh vàng gần như bị đình trệ suốt những năm qua, không bù đắp nổi chi phí đầu tư xưởng, máy móc thiết bị, đồng thời không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, nhập lậu.
Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Nếu NHNN cấp phép cho tất cả các đối tượng này, thì cũng sẽ tiêu tốn nhiều ngoại tệ và gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý. Do đó, VGTA kiến nghị NHNN xem xét trình Chính phủ quy định điều kiện hợp lý (Số lao động trực tiếp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tối thiểu là 50 người; Nộp thuế VAT về vàng trang sức, mỹ nghệ tối thiểu 500 triệu đồng/ năm; Doanh nghiệp có xưởng sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, có thiết bị công nghệ để sản xuất vàng trang sức đáp ứng yêu cầu của thị trường) để giúp doanh nghiệp có đủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Theo VGTA, khi giá vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế từ 500 nghìn/lượng trở lên thì đã xảy ra tình trạng xuất lậu vàng miếng SJC qua biên giới, khiến Nhà nước bị thất thu ngoại tệ và thuế. Bởi vậy, việc đưa vào Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 quy định cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vàng miếng vào Dự thảo là phù hợp, góp phần huy động nguồn lực vàng trong dân, tái tạo ngoại tệ và ngăn chặn được tình trạng xuất lậu vàng miếng.
Ngoài ra, VGTA cũng kiến nghị NHNN xem xét bỏ việc cấp giấy phép khi đơn vị đã được NHNN cấp phép mua bán vàng miếng, mở thêm các điểm mua bán vàng miếng mới. Đồng thời để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng (ở các tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh) được xem xét cấp giấy phép mua bán vàng miếng, chỉ nên quy định điều kiện có vốn đăng ký 20 tỷ đồng và mức thuế đã nộp trước năm liền kề là 200 triệu đồng.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp