Chịu tác động từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT), thị trường tài chính Việt Nam đã biến động mạnh trong ngày 12-8. Đồng NDT mất giá có tác động hai chiều đến VN.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói về điều chỉnh biên độ tỷ giá
- Cập nhật : 13/08/2015
(Tai chinh)
Điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá là để tạo sự chủ động và linh hoạt cho tỷ giá trước tác động bất lợi của diễn biến tài chính quốc tế.
Trước những diễn biến mới của thị trường tiền tệ thế giới và khu vực, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ra quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá. Theo đó, bắt đầu từ hôm nay, 12/8, biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ được điều chỉnh tăng từ mức +/-1% lên +/-2%.
Để hiểu rõ tại sao có sự điều chỉnh này, phóng viên đã phỏng vấn Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
PV: Thưa Phó Thống đốc, xin bà cho biết vì sao Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá lên +/-2% vào thời điểm này?
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá là để tạo sự chủ động và linh hoạt cho tỷ giá trước tác động bất lợi của diễn biến tài chính quốc tế. Từ đầu năm đến nay, trên thị trường tài chính quốc tế xuất hiện một số những yếu tố diễn biến ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế lớn.
Chẳng hạn như giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và sự cộng hưởng của dự kiến tăng lãi suất của Fed cùng với khủng hoảng kinh tế của Châu Âu và cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đã khiến đồng USD tăng giá nhiều hơn so với dự kiến của Fed. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã dự báo được những diễn biến của thị trường tài chính quốc tế, đến tỷ giá cũng như hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 2 lần. Tổng cộng mức điều chỉnh là 2%. Vì vậy thị trường ngoại hối và tỷ giá về cơ bản là ổn định trong hơn 7 tháng qua.
Tuy nhiên, trong ngày 11/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ 1,9%, đây là một cú sốc mới kéo theo sự giảm giá của một loạt các đồng tiền chủ chốt trong khu vực Châu Á. Xét thấy Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực Châu Á lại là nhóm đối tác thương mại lớn của Việt Nam và việc Việt Nam lại có nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, nên việc giảm giá của các đồng tiền trong khu vực này sẽ có diễn biến tác động bất lợi đối với tỷ giá cũng như là hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta.
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% áp dụng từ 12/8 để tạo sự chủ động và linh hoạt hơn cho tỷ giá trước các tác động này.
PV: Vâng, có ý kiến băn khoăn "vì sao Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá Liên ngân hàng mà lại điều chỉnh biên độ tỷ giá"?
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Như tôi đã đề cập ở trên, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá là để tạo sự chủ động và linh hoạt cho tỷ giá. Điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá sẽ giúp cho tỷ giá linh hoạt hơn và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô cũng như là đối phó tốt hơn với những rủi ro và bất ổn trên thị trường tài chính quốc tế.
PV: Thưa bà, theo các chuyên gia, tỷ giá còn đang chịu nhiều áp lực, vậy từ nay đến cuối năm, chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ như thế nào?
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục phối kết hợp đồng bộ các chính sách và các công cụ để điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối theo biên độ đã đề ra và Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục theo dõi sát những diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có những giải pháp điều hành phù hợp.
PV: Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!./.