Chính phủ thành lập VAMC để mua lại nợ xấu của các TCTD. Nói mua nhưng hạch toán hết chứ không có tiền để mua. Tức là giảm nợ xấu của NH nhưng cuối cùng phần giảm đó đem về để ở VAMC và còn chưa bán được. Bây giờ giao cho VAMC đi đấu giá là không bảo đảm tính minh bạch, không rõ ràng.
Kiệt quệ vì vay nặng lãi
- Cập nhật : 12/09/2016
(Tai chinh)
Cuộc sống khốn khó khiến nhiều gia đình quay cuồng trong sự bòn rút của những kẻ cho vay nặng lãi, thậm chí còn phải đối mặt với dao búa.
Vay 35 triệu để làm nhà, nhưng vợ chồng chị R.Nh phải chịu hơn 70 triệu đồng tiền lãi Ảnh: HOÀNG THANH
Tỉnh Đồng Nai tập trung rất nhiều công nhân nên là nơi để giới cho vay nặng lãi tung hoành. Nhiều năm qua, công an tỉnh này đã vào cuộc truy xét nhiều đường dây, ngõ ngách hoạt động tín dụng đen nhưng không triệt được hoàn toàn.
Quay cuồng trong nợ
Chị Nguyễn Thị Lan (quê tỉnh Thanh Hóa) vào Đồng Nai làm công nhân đã 7 năm, có 2 con nhỏ. Hằng ngày, với đồng lương eo hẹp, gia đình ăn tiêu tằn tiện. Ngoài việc chi tiêu sinh hoạt gia đình, vợ chồng chị còn phải gửi tiền về giúp hai bên nội ngoại ở quê. Làm lụng bao nhiêu năm trời, tiền thuê trọ, tiền học cho các con đã khiến anh chị không dành dụm được đồng nào, ăn bữa hôm, lo bữa mai.
Tháng trước, chồng chị Lan bị bệnh nhập viện, tốn vài chục triệu đồng. Hết chồng đến con, đứa lớn phải đi mổ ruột thừa. Không còn biết xoay xở vào đâu, chị đành theo lời giới thiệu của những người xung quanh “giật tạm” 10 triệu đồng của một đường dây cho vay nóng để mong qua cơn nguy khốn. Mừng như bắt được vàng lúc đó nhưng gần một năm sau ngày chồng, con đã khỏe lại, gia đình vẫn quay cuồng trong đống nợ vì lãi mẹ đẻ lãi con.
Tại khu vực Bến xe Đồng Nai, gần vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa, bà T.T.K.C bán nước bên đường, 6 người con của bà thì 4 làm công nhân, 2 chạy xe ôm kiếm sống qua ngày. Chồng bị tai nạn giao thông, không còn cách nào khác, bà C. phải thế chấp căn nhà trong hẻm cho giới tín dụng đen, vay nhiều lần tổng cộng 165 triệu đồng để lo chạy chữa, lãi suất từ 10%-18%/tháng, trả theo ngày. Sau một thời gian không trả được lãi, số nợ nhân lên, gia đình bà C. có nguy cơ mất nhà. “Phân xử theo pháp luật thì tôi cũng có khả năng thua vì bên cho vay nặng lãi ranh ma, có nhiều chiêu thức” - bà C. khóc.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết do e ngại thủ tục rườm rà và cũng không thể đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn ở các tổ chức tín dụng, giới công nhân, lao động nghèo phải tìm đến các “mối quan hệ” để vay mượn trong những lúc cần kíp. Theo chân một công nhân tạm trú tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, chúng tôi gặp một chủ cho vay nặng lãi là bà T., vốn cũng là công nhân, nhờ làm một “mắt xích” cho vay nặng lãi mà khá lên. Bà T. xởi lởi: “Lại đến vay trả tiền trọ hay đóng học phí cho con hả? Trả lãi hằng tháng hay cả lãi lẫn gốc theo kỳ? Bữa nay, lãi hằng tháng là 10%, nếu theo kỳ thì cứ tính 1 triệu đồng trả 4 kỳ (mỗi kỳ là 1 tháng), mỗi tháng 300.000 đồng” - bà T. nói.
Vay tiền, trả đất
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 15-4, toàn huyện có hơn 670 hộ dân đã vay tiền nhưng chưa trả cho các con buôn với số tiền gốc hơn 18 tỉ đồng, tiền lãi gần 58,5 tỉ đồng. Trong đó, một số xã như Chư Mố, số tiền gốc người dân vay chỉ là 2,6 tỉ đồng nhưng tiền lãi tới hơn 29,5 tỉ đồng; xã Ia Kdăm, người dân vay số tiền gốc hơn 4,3 tỉ đồng, tiền lãi tới hơn 15 tỉ đồng…
Năm 2012, chị R.Nh (SN 1990; ngụ buôn Tông Ố, xã Ia Broăi) lấy chồng. Theo phong tục, chồng chị sẽ phải về ở rể. Tuy nhiên, do nhà đông người, cha mẹ không có đất nên vợ chồng chị phải đi vay của các con buôn nhiều lần với tổng số tiền 43 triệu đồng, lãi suất 30.000 đồng/triệu/tháng để mua đất ở. Sau đó, vay tiếp 35 triệu đồng với lãi suất 50.000 đồng/triệu/tháng để mua đất rẫy.
Từ ngày vay nợ, vợ chồng chị làm rẫy, làm thuê quần quật nhưng số tiền mỗi tháng chỉ đủ trả lãi, tiền gốc thì chưa biết khi nào mới có để trả. Vì vậy, đến mùa thu hoạch nông sản thì chủ nợ buộc gia đình chị phải bán cho chúng với giá thấp hơn thị trường từ 5-7 lần. “Vay nợ từ đầu năm 2013 đến nay, vợ chồng mình đã phải trả khoảng 180 triệu đồng tiền lãi, còn tiền gốc thì không biết khi nào mới trả được” - chị Nh. buồn bã. Trong căn nhà sàn nhỏ tuềnh toàng của vợ chồng chị Nh. chỉ treo vài bộ áo quần ố màu, sờn cũ, giá trị nhất là con bò được nhà nước hỗ trợ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại xã Ia Tul có 89 người vay nóng của các con buôn. Bà Rơlan H’Ja (ngụ buôn Tơ Khế, xã Ia Tul) cho biết ở trong buôn có rất nhiều nhà đi vay nợ với lãi suất cao. “Nếu là người quen thì họ tính lãi 30.000 đồng/triệu/tháng, còn không quen thì 40.000-60.000 đồng/triệu/tháng. Ai cũng biết lãi cao nhưng vẫn phải cắn răng đi vay, đến mùa thu hoạch mì thì họ lại đến tận rẫy để mua với giá thấp để trừ nợ” - bà H’Ja nói.
Len lỏi khắp nơi
Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết tình trạng cho vay nặng lãi đang len lỏi khắp các khu dân cư, nhà trọ công nhân. Có những trường hợp chỉ vay vài chục triệu đồng nhưng chủ nợ yêu cầu phải sang tên đổi chủ, cầm cố nhà đất hoặc ghi số tiền vay lên cao mới được cho vay.
Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), việc giới công nhân và người lao động nghèo rơi vào “vòi bạch tuộc” tín dụng đen do cuộc sống của họ phần nhiều khó khăn, phần khác không đủ khả năng tiếp cận vay vốn ở các tổ chức tín dụng. Trên thực tế, nhiều kẻ cho vay nặng lãi cũng ranh ma, khi bị pháp luật “sờ gáy” đã tìm cách thoát thân. “Công nhân thường khó tiếp cận vốn ngân hàng, khi tìm đến tín dụng đen thì trong cơn túng quẫn nên chấp nhận mọi điều kiện mà những kẻ cho vay nặng lãi đưa ra. Do đó, khi tài sản cầm cố bị “cướp” mất cũng không dễ làm gì được” - luật sư Quân nhận định.
Ông Tô Văn Hữu - Chủ tịch UBND xã Ia Broăi, huyện Ia Pa - cho biết người dân chủ yếu vay tiền để mua phân bón, mua xe, do đau ốm... Đối với những trường hợp vay tiền mà không trả được thì các con buôn sẽ mua nông sản của họ với giá thấp hơn thị trường. Đặc biệt, nhiều hộ dân phải bán đất cho chính các con buôn với giá rẻ để trả nợ. “Nếu tình trạng này còn diễn ra, người dân vừa mất đất sản xuất vừa thiệt hại lớn về thu nhập khi phải bán nông sản cho con buôn với giá thấp, như vậy thì sẽ không bao giờ thoát được cái nghèo”- ông Hữu lo lắng.
Trong khi đó, ông Siu Sứ - Chủ tịch UBND xã Ia Tul, huyện Ia Pa - thừa nhận tình trạng cho vay nặng lãi đã diễn ra từ lâu và là bài toán chưa có lời giải đối với chính quyền xã. Nhiều hộ dân không có tiền trả nên phải bán đất rẻ cho con buôn để cấn nợ. “Tình trạng này mà kéo dài, dân không còn đất sản xuất thì sẽ kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, trộm cắp, nhậu nhẹt, đánh nhau rồi dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo vào các mục đích chính trị” - ông Sứ nhận định.
Cũng theo ông Sứ, UBND xã Ia Tul đã làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai để cho nông dân vay vốn theo nhóm với lãi suất thấp. Các khoản vay sẽ không tính bằng tiền mà bằng các hiện vật như cây, con giống, phân bón… Tuy nhiên, khi triển khai thì chỉ có 20 hộ dân tham gia vay vốn. “Các hộ dân khác bị con buôn đe dọa nên không dám vay của ngân hàng. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên huyện, lên tỉnh nhưng hiện tại vẫn chưa có giải pháp triệt để cho vấn đề này” - ông Sứ thông tin.
Ông Hoàng Văn Tư, Chánh văn phòng UBND huyện Ia Pa, cho biết ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch UBND huyện, đã chỉ đạo Công an huyện xác minh việc người dân vay nóng của các đối tượng.
Chỉ cần cho biết nơi ở, nơi làm việc
Tại KCN Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi được một công nhân giới thiệu bà L. để khi cần có thể “giật tạm”. Bà L. hơn 40 tuổi, phải có người quen bảo lãnh thì mới có thể vay tiền. “Vay 20 triệu hả, lãi suất 12%/tháng nhé, khỏi giấy tờ gì, cứ đóng tiền lãi hằng tháng là được, lúc nào có tiền thì trả gốc…” - mặt bà L. lạnh như tiền.
Theo các công nhân, vay tiền bà L. bao nhiêu cũng được, giờ nào cũng có, không cần viết biên nhận. “Bà L. có nhiều vốn, chứ còn người khác cũng cho vay nhưng chỉ như “vệ tinh” thôi” - một công nhân nói.
Khu vực giáp ranh KCN Biên Hòa 1 và KCN Biên Hòa 2 (TP Biên Hòa) có các đường dây của T. “cò”, A. và P. chuyên cho công nhân vay với lãi suất 10%/tháng. Ai muốn vay bao nhiêu cũng được, chỉ cần cho những đối tượng này biết nơi ở, nơi làm việc hoặc nhờ người quen bảo lãnh.
Bà H. (ngụ phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa)- có biệt danh H. “kẹo”, H. “móc túi”- là một trong những trùm cho vay nặng lãi ở TP Biên Hòa. Để qua mặt cơ quan chức năng, bà H. vẫn viết giấy vay tiền cho các con nợ với lãi suất đúng quy định của pháp luật nhưng thực tế mức lãi giao ước cao gấp 10-30 lần. Khi con nợ không có khả năng trả, bà H. buộc viết lại giấy nợ, chuyển nhượng nhà đất và tài sản.
Mới đây, Công an huyện Vĩnh Cửu đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi do L.H (39 tuổi) cầm đầu. Ông trùm này làm ăn theo kiểu tùy hứng, tùy trường hợp mà cho vay với lãi suất từ 10-15%/tháng, lúc thì “hét” 18-20%/tháng.