Nếu chủ động và linh hoạt trong điều hành chính sách, thì những sự kiện lớn của kinh tế thế giới như sự thay đổi chính sách tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) vừa qua của Trung Quốc không những không gây biến động cho Việt Nam, mà ngược lại có thể giúp nền kinh tế.
Kẻ cười, người khóc vì tỷ giá
- Cập nhật : 23/08/2015
(Tin kinh te)
Việc đồng nhân dân tệ mất giá, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải quyết định nới tỷ giá 2 lần trong vòng 1 tuần qua đang làm đảo lộn tính toán của nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước.
Diễn biến này có tác động hai chiều, các DN xuất khẩu sẽ có lợi khi hàng hoá xuất xứ Việt Nam trở nên rẻ hơn. Nhưng ngược lại, các DN nhập khẩu sẽ gặp áp lực, cộng với nỗi lo sự “đổ bộ“ lớn hơn của hàng hoá Trung Quốc, khi Việt Nam vốn đã nhập siêu rất lớn từ nước này.
Là một trong những ngành hàng đã nhiều lần có kiến nghị về việc điều chỉnh tỷ giá để tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: VASEP đánh gía cao sự điều chỉnh này vì rất kịp thời.
Mức điều chỉnh này được cho là có sự hỗ trợ nhất định với hàng xuất khẩu, nhưng vẫn còn thấp, chưa đủ để tạo sự tác động rõ rệt với ngành Thuỷ sản vốn đã suy giảm mạnh về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, nhất là khi các nước đối thủ như Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang giảm lãi suất vay ngắn hạn hay điều chỉnh tỷ giá ngân hàng để thúc đẩy xuất khẩu.
Với những ngành sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu lấy ngoại tệ như thuỷ sản, việc tăng biên độ tỷ giá là một tín hiệu mừng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc điều hành Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), việc điều chỉnh tỷ giá này có lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của DN này sang các khu vực thị trường truyền thống như Nga, Belarus và các nước Trung Đông, đồng thời tìm kiếm các cơ hội thương mại tại các khu vực thị trường mới như châu Phi, Mỹ Latinh, Tây Nam Á...
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp nhập khẩu các các mặt hàng tiêu dùng để tiêu thụ trong nước tại các hệ thống siêu thị sẽ không có lợi. Dù vậy, những mặt hàng bán trong hệ thống siêu thị hiện nay đa phần là hàng Việt Nam nên cũng không bị ảnh hưởng từ việc USD tăng giá.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngành này hiện chủ yếu sản xuất gia công để phục vụ xuất khẩu nên việc tăng tỷ giá sẽ có lợi. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu cho ngành may như bông, hóa chất... sẽ bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào nguồn gốc của các nguyên vật liệu này. Được biết hiện đa phần nguyên phụ liệu dệt may, giày da nhập khẩu từ Trung Quốc, nên cũng không lo lắng việc điều chỉnh tỷ giá hiện nay ảnh hưởng đến giá đầu vào.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi với những DN xuất khẩu, một số ngành nhập khẩu lại tỏ ra khá lo lắng. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, việc nâng tỷ giá vừa qua là hành động kịp thời để ứng phó với việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Về mặt tích cực, việc này có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, nhưng ở chiều nhập khẩu thì DN sẽ gặp khó khăn hơn. Riêng với ngành Thép, hiện nay mỗi năm kim ngạch nhập khẩu khoảng hơn 9 tỷ USD và vẫn đang là nhập siêu. Tính 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng thép nhập khẩu đạt hơn 6,9 triệu tấn, với kim ngạch hơn 3,82 tỷ USD.
Trong khi đó, chiều xuất khẩu chỉ đạt hơn 1,2 triệu tấn với kim ngạch đạt hơn 873 nghìn USD. Như vậy, trong bối cảnh nhập nhiều hơn xuất thì việc điều chỉnh tỷ giá là không thuận lợi lắm cho ngành...
Nhìn ở góc độ vĩ mô, câu chuyện điều chỉnh tỷ giá này phức tạp hơn với mối lo ngại nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. Điều này sẽ bất lợi về lâu dài, khi Việt Nam đang trong nỗ lực nội địa hoá nhiều nguyên liệu đầu vào, đa dạng hoá thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Một quan chức Bộ Công thương cho rằng đương nhiên xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu nhiều máy móc, trang thiết bị, thép, ôtô tải, nguyên liệu vải, da giày từ Trung Quốc.
Cơn biến động tỷ giá vừa qua sẽ có tác động dài hạn. Nhiều hợp đồng xuất nhập khẩu đã ký trước đây, sẽ phải vài tháng nữa mới thấy hệ quả. Theo vị này, hiện nay tác động là đan xen, rất khó đánh giá. Ngay cả các hiệp hội ngành hàng, nơi gần nhất với hoạt động thực tiễn của các DN cũng đang nghe ngóng, chưa thể đánh giá gì cụ thể.
Tuy nhiên, việc tăng nhập khẩu từ Trung Quốc là điều khó tránh khỏi và không mong muốn. Năm 2014, Việt Nam đưa ra con số thống kê nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 29 tỷ USD (phía Trung Quốc đưa con số cao hơn đến hàng chục tỷ USD). Trong 7 tháng đầu năm nay, thống kê của Việt Nam cũng cho thấy nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 31% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập siêu đã ở mức 19,5 tỷ USD, tăng 30,7%, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 207,7%. Nhiều chuyên gia đang lo ngại con số nhập siêu sẽ còn tăng với diễn biến tỷ giá mới này.