tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đổ xô đặt cược vào vàng, rủi ro không?

  • Cập nhật : 17/08/2015

(Tin kinh te)

Liên tục ba ngày qua, Trung Quốc ba lần phá giá nhân dân tệ. Giá vàng Việt Nam chỉ trong hai ngày tăng chóng mặt. Nhiều người đổ xô đi mua vàng. Rủi ro không?

Theo TS Vũ Đình Ánh, việc Trung Quốc thay đổi tỉ giá sẽ tác động gián tiếp đến giá vàng bởi vàng được đo bằng đồng USD, không đo bằng nhân dân tệ (NDT).

giao dich tai mot cua hang vang o quan binh thanh, tp.hcm - anh: quang dinh

Giao dịch tại một cửa hàng vàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH



Lưu ý đặc điểm của giá vàng Việt Nam

Tiến sĩ (TS) Ngô Trí Long nhận định những nguyên nhân làm giá vàng trong nước tăng những ngày qua, đó là: giá vàng thế giới tăng, tỉ giá, nhân dân tệ phá giá và yếu tố tâm lý.

“Nhân dân tệ chỉ là một nguyên nhân rất nhỏ tác động đến việc giá vàng tăng. Nếu cứ đầu tư theo tâm lý hốt hoảng, theo phong trào mà không nắm được các thông tin về xu hướng biến chuyển giá trong ngắn hạn, trung hạn của vàng là rất nguy hiểm”, TS Ngô Trí Long nói.

TS Ngô Trí Long cho biết, theo dự báo trong ngắn và trung hạn giá vàng thế giới sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, đồng USD đang có xu hướng tăng. Cùng với đó là sự ổn định trở lại của nền kinh tế châu Âu.

“Với tất cả những yếu tố đó thì vàng không phải là nơi trú ẩn hay tìm cách sinh lời của nhiều người nữa. Do đó, nếu đầu tư vào vàng với tâm lý hốt hoảng trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ rủi ro với người có tiền”, TS Ngô Trí Long kết luận.

TS Vũ Đình Ánh chỉ ra những điểm cần lưu ý với giá vàng tại Việt Nam khi quyết định mua hay bán vàng trong thời điểm này.

Thứ nhất, vàng có thể không lên hay xuống giá nhưng giá trị đồng USD thay đổi kéo theo sự biến động của giá vàng.

Thứ hai là Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng lớn, kể cả với tư cách người dân hay ngân hàng trung ương. Vì thế, mỗi động thái tài chính của họ có thể đụng đến giá vàng và qua đó đụng đến giá vàng thế giới.

Cuối cùng, cần lưu ý về khoảng cách rất lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Cuộc chiến tiền tệ?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng kinh tế Trung Quốc có tác động đến các nền kinh tế lớn và những nước có quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam với mức nhập siêu rất cao.

Việc Trung Quốc phá giá NDT của mình đến lần thứ 3 được ông Long đánh giá là tạo ra một cuộc “chiến tranh tiền tệ”.

Nếu chính sách tiền tệ của Việt Nam không được lưu ý kĩ càng thì việc phá giá của Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng khả năng cạnh tranh hàng hóa của nước ta, ảnh hưởng tới xuất khẩu và sản xuất trong nước.

Những ngành chịu tác động nhiều nhất từ việc phá giá này, theo ông Long chính là hoạt động xuất - nhập khẩu nông sản và ngành hàng dệt may, nguyên phụ liệu.

Những ngành này cần có những biện pháp kịp thời để đáp ứng khả năng cạnh tranh, đồng thời tiền tệ Việt Nam cũng phải có sự điều chỉnh hợp lý, được căn cứ trên những dự báo trước sự thay đổi của tiền tệ Trung Quốc.

TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá Trung Quốc là nước có truyền thống sử dụng công cụ tỉ giá cùng với dịch vụ bắt buộc của ngân hàng để điều chỉnh chính sách nhân dân tệ thay vì dùng lãi suất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Chính sách này có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc .

Tuy nhiên ông Phong cũng cho biết, các nền kinh tế khác đang e ngại trước động thái này của Trung Quốc, vì các quốc gia mà Trung Quốc đang gây áp lực cạnh tranh như Mỹ đều là những nước nhập siêu, nên họ cũng phải hạ tỉ giá tiền tệ nước mình để giảm bớt tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc.

Nếu sự việc này vẫn tiếp tục kéo dài sẽ làm cho cuộc chiến tiền tệ leo thang, tạo ra các làn sóng điều chỉnh tỉ giá của các nước và lạm phát sẽ ngày càng gia tăng.

Ai được, ai mất khi NDT bị phá giá?

Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thế Du cho rằng đối với sức tác động của việc Trung Quốc phá giá thị trường thì trong thời điểm ngắn hạn, người dân có thể mua các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, đồng quan điểm với ông Ngô Trí Long, TS Huỳnh Thế Du nhìn nhận về lâu dài, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam sẽ giảm, kéo theo đó là hàng loạt hệ quả khác không tốt cho đời sống của người Việt như cơ hội việc làm, thu nhập sẽ bị sụt giảm.


Trong khi đó, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá việc Trung Quốc phá giá NDT sẽ tác động mạnh và tác động về nhiều mặt của kinh tế Việt Nam. Theo đó, để ứng phó cần sử dụng hệ thống các công cụ, không thể chỉ sử dụng một công cụ hay biện pháp đơn nhất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất Việt Nam nên hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó ngân hàng nhà nước phải xem xét các biên độ tỉ giá sao cho mềm dẻo và linh hoạt hơn nữa.

Cũng theo ông Phong, thông tin phải được công bố rõ ràng, chính thống để tránh tình trạng xảy ra “tâm lý bầy đàn” cũng như những nhũng nhiễu mang tính đầu cơ phá hoại nền kinh tế.
 

Lực mua lớn từ doanh nghiệp vàng

Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), nói mấy ngày gần đây xuất hiện lực mua đón sóng rất lớn từ các doanh nghiệp vàng.

Theo ông Hải, vàng được cộng hưởng từ sóng tỉ giá, giá vàng thế giới tăng và tâm lý khiến giá tăng vọt.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 
Trở về

Bài cùng chuyên mục