tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khi các NHTW thích gây sốc

  • Cập nhật : 29/12/2015

(Tai chinh)

Trong suốt năm 2015, dường như các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới có sở thích gây bất ngờ cho thị trường.

Phía sau những biến động lớn nhất trên thị trường tài chính quốc tế trong năm 2015 là một thủ phạm khá “nổi tiếng”: các NHTW. Và, trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nhà đầu tư dự cảm 2016 sẽ là một năm không kém phần sóng gió.

Từ quyết định gây sốc của NHTW Thụy Sĩ (SNB) hồi tháng 1 cho đến gói kích thích gây thất vọng của NHTW châu Âu (ECB) trong tháng 12, một loạt quyết định của các NHTW đã gây ra những phản ứng cực đoan trên thị trường. Giữa năm, quyết định bất ngờ phá giá nhân dân tệ của NHTW Trung Quốc khiến chứng khoán bị bán tháo trên toàn cầu.

Sự bấp bênh càng nhấn mạnh hơn nữa sự phụ thuộc của thị trường vào những lời nói và hành động của các NHTW trong những năm hậu khủng hoảng tài chính. Lãi suất gần 0 và những chương trình mua tài sản với khối lượng khổng lồ được thiết kế để vực dậy những nền kinh tế đang trì trệ để thúc giục nhà đầu tư đổ tiền vào những tài sản rủi ro hòng tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều thị trường trở nên mong manh trước các cú sốc.

Theo Paul Lambert, chiến lược gia tiền tệ đến từ quỹ đầu tư Insight, 2015 chính là một năm báo hiệu những điều sẽ xảy ra trong tương lai. “Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi tươi đẹp trở lại. Chính sách của các NHTW đã khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy không thoải mái”.

Trong năm 2016, thách thức lớn nhất đối với thế giới cũng chính là thách thức mà Fed – NHTW có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới – gặp phải. Các quan chức Fed đã cố gắng trấn an thị trường rằng lãi suất sẽ được tăng lên từ từ.

Trong khi đó, ECB và NHTW Nhật Bản tiếp tục phải chiến đấu với sự ảm đạm của nền kinh tế và mức lạm phát thấp – những điều buộc họ phải đẩy mạnh kích thích. NHTW Nhật Bản cũng đã khiến thị trường thất vọng khi chỉ mở rộng chương trình nới lỏng định lượng một cách khiêm tốn sau cuộc họp hôm 18/12 vừa qua. Đáp lại, chứng khoán Nhật Bản chỉ tăng nhẹ và sau đó là giảm điểm.

Stephen Jen – người từng là một nhà kinh tế học công tác tại IMF – ví von các NHTW giống như đang lái một chiếc xe 18 bánh nhưng không chắc chắn nên bẻ lái vào thời điểm nào và ở đâu. Tuy vậy, người lái xe vẫn đang quả quyết với thế giới rằng họ sẽ bật xi nhan đúng thời điểm.

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi luật lệ bị thắt chặt và khiến các ngân hàng đầu tư bị hạn chế khả năng giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ với số lượng lớn. Còn đối với nhà đầu tư, điều này có nghĩa là thanh khoản của thị trường giảm xuống, đồng thời thị trường sẽ biến động mạnh bất cứ khi nào các NHTW gây bất ngờ.

Ngày 15/1, đồng franc của Thụy Sĩ đã tăng giá hơn 40% so với euro sau khi SNB bất ngờ dỡ bỏ trần tỷ giá. Đây là mức tăng lớn nhất trong 1 ngày đối với một đồng tiền lớn như franc Thụy Sĩ trong hơn 40 năm dưới chế độ tỷ giá thả nổi. Trước đó SNB đã cố gắng can thiệp vào thị trường để ngăn đồng tiền này tăng quá nhanh và gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, cuối cùng thì họ đã phải bỏ cuộc sau khi áp lực từ số euro mua vào ngày càng lớn. Quyết định của SNB đã khiến nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng franc sẽ giảm giá lỗ nặng.

Đến tháng 12, các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ lại phải đón một bất ngờ khác. Đồng euro tăng giá hơn 4% so với USD sau khi gói kích thích của ECB có quy mô nhỏ hơn kỳ vọng. Trước đó, vì Fed và ECB đi ngược chiều, mọi người dự đoán rằng euro sẽ giảm giá mạnh so với USD.

Năm 2015 còn cho thấy một rắc rối khác mà NHTW các nước gặp phải: làm thế nào để dẫn dắt kỳ vọng của thị trường trong giai đoạn sóng gió bất ổn?

Ở Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách đã vài lần khiến thị trường phải xoay chuyển trong khi các nhà đầu tư bị nhiễu loạn trước các tín hiệu mà NHTW nước này đưa ra.

Đầu năm, PBOC - cùng với giới chức Trung Quốc – đã góp sức giúp chứng khoán Trung Quốc tăng vọt. Tuy nhiên, chính họ lại khiến cú sụt giảm hồi mùa hè trở nên nghiêm trọng hơn bằng những thông điệp trái ngược. Chỉ trong 2 tháng 6 và 7, hơn 5.000 tỷ USD vốn hóa đã bị thổi bay khỏi thị trường.

PBOC đã tung ra những biện pháp chưa từng có tiền lệ để trấn an, cam kết sẽ cung cấp thanh khoản không giới hạn để hỗ trợ các tập đoàn nhà nước mua cổ phiếu. Tuy nhiên, trong khi các nhà đầu tư đang dần hồi phục, PBOC lại khiến cả thế giới bàng hoàng khi phá giá nhân dân tệ vào giữa tháng 8. Dù cho mục đích của động thái này là mang nhân dân tệ về gần hơn với kỳ vọng của thị trường, yếu tố bất ngờ khiến nhân dân tệ và một số đồng tiền khác bị bán tháo ồ ạt. Nhiều người coi đây là tín hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang lao dốc nhanh hơn so với dự tính ban đầu.

“Nếu Trung Quốc thực sự nghiêm túc về việc đẩy mạnh mở cửa thị trường tài chính và quốc tế hóa nhân dân tệ, tăng cường khả năng giao tiếp với nhà đầu tư là điều rất quan trọng”, Puay Yeong Goh, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Neuberger Berman, nói.

Có lẽ sau một năm đầy biến động, nhiều nhà đầu tư đã nhận thức được những rủi ro khi đặt quá nhiều niềm tin vào các NHTW.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục