Tròn 1 tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại OceanBank với giá 0 đồng, hôm qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình “nói chuyện thẳng thắn” với báo chí rằng: “Bản chất là ngân hàng bị mua lại đã phá sản”.
ANZ: NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá 5-7% trong 12 tháng tới
- Cập nhật : 05/11/2015
(Tai chinh)
Trong 12 tháng tới, Việt Nam sẽ có thêm 2 lần điều chỉnh tỷ giá đối với đồng VND, tùy theo quyết định vào thời điểm nào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), và đồng VND cũng sẽ được cho phép giao dịch với biên độ tối đa.
Đó là nhận định của ông Glenn B. Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ trong buổi họp báo công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ngày 4/11.
“Điều đó có nghĩa là đồng VND có thể mất giá 5-7% trong 12 tháng tới và điều này sẽ giúp Việt Nam ổn định được dự trữ ngoại hối,” ông Glenn nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng lượng dữ trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay khả năng không đạt chỉ tiêu 12 tuần nhập khẩu, và theo các đánh giá của chuyên gia kinh tế thì con số đó là hơi thấp đối với Việt Nam.
Trong một động thái gần đây nhất, NHNN đã nới biên độ giao dịch USD/VND lên 3% vào ngày 19/8 đồng thời tăng tỷ giá tham chiếu USD/VND thêm 1% lên 21.890 - đợt điều chỉnh thứ ba trong năm 2015. Theo ANZ, điều này cho phép Việt Nam tăng tỷ giá USD/VND mà không gây áp lực cho NHNN phải can thiệp và làm giảm dự trữ ngoại hối.
Ông Glenn cho rằng việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá vài lần trong năm 2015 là để cân bằng lại ví trí của đồng VND trong bối cảnh Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ. Đây cũng là "chút vận động" trong bối các đồng tiền Châu Á khác đều giảm thời gian qua.
Vị chuyên gia của ANZ nhấn mạnh rằng kinh tế Việt Nam thời gian qua đã tránh được tác động tiêu cực của bất kỳ sự chấn động nào, dù là thay đổi tỷ giá hay kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Điều đó được thể hiện qua việc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn dương, vẫn theo chiều hướng tích cực trong khi các nền kinh tế Châu Á khác lại ghi nhận thương mại tăng trưởng âm.
“Có nghĩa là độ nhạy cảm của thương mại Việt Nam trước sự phá giá của đồng Nhân dân tệ không lớn nên chúng tôi không quan ngại gì lắm về vấn đề này,” ông Glenn nói.
Tuy nhiên, khi nhìn vào cán cân thương mại và cán cân vãng lai đều thâm hụt, Việt Nam sẽ khó giữ tỷ giá ổn định. Ông Glenn cho rằng Việt Nam có thể phải điều chỉnh một số chỉ tiêu đề ra, như tỷ lệ dự trữ ngoại hối trên số tuần nhập khẩu, hay cho phép phá giá đồng VND thêm nữa.
Chuyện thâm hụt cán cân vãng lai là khó tránh khỏi khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau giai đoạn giúp Việt Nam đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, thì giờ là lúc họ hút nhập khẩu vào. Chính vì vậy, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh và cán cân thương mại của Việt Nam chuyển sang thâm hụt.
“ANZ là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên dự báo trong năm 2016-2017 cán cân vãng lai của Việt Nam sẽ bị thâm hụt,” ông Glenn nói.
Trong báo cáo của mình, ANZ dự báo thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam sẽ ở mức 0,5% GDP năm 2015 và 1% năm 2016, sau khi đạt thặng dư 3,8% năm 2014. Mức thâm hụt trên được cho là không đáng lo ngại.