tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đi thuyền trên sông Ngô Đồng

  • Cập nhật : 05/07/2015
Sông Ngô Đồng chảy vòng vèo, uốn lượn giữa đồng lúa chín vàng.

Để vào Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch có nhiều hang động và di tích lịch sử liên quan đến triều đại nhà Trần, chủ yếu thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, chúng tôi đã có hai tiếng đồng hồ đi thuyền trên sông Ngô Đồng, vòng vèo giữa cánh đồng lúa đang vào mùa gặt nhuộm vàng cả con sông.

Chúng tôi mua vé ngay cửa ra vào với giá 50.000 đồng; gồm 30 ngàn đồng vé tham quan và 20 ngàn đồng phí đi thuyền. Mỗi chiếc thuyền chở một lượt được bốn người, người chèo thuyền nhận được 70.000 đồng. Người chèo thuyền đưa chúng tôi đi hôm ấy là anh Chu Anh Khanh, cho biết là anh phải đợi đúng 10 ngày để đến lượt thuyền của mình được đưa khách.

Tam Cốc là một điểm du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình (cách Hà Nội 100km). Con sông Ngô Đồng uốn lượn xuyên qua các dãy núi đá vôi, len qua tới ba hang đá  - gọi là hang Cả, hang Hai và hang Ba - khiến cho du khách có cảm giác như mình đang dạo chơi trong một vịnh Hạ Long nhấp nhô sóng lúa mênh mông vây quanh con sông nhỏ này.

Những chiếc thuyền ốp bằng tôn nhỏ bé trông giống như những chiếc lá đậu san sát nhau dọc bến thuyền Vũng Trắm. Mỗi chiếc, ngoài hai chiếc chèo được buộc vào mạn thuyền cho người chèo thuyền còn có mấy mái chèo khác để khách cùng chèo như một thú vui. Khi tôi hỏi, tại sao không dùng thuyền máy cho nhanh, một người lái thuyền cho biết là việc đi thuyền máy sẽ gây tiếng động, ô nhiễm dòng sông. Chính cái chầm chậm của con thuyền nhỏ, mái chèo khua đều vào vùng di tích ấy mới đủ thời gian lắng đọng cho du khách nhấm nháp cái cảm xúc khi đi trên dòng sông trữ tình này.

Du khách có khoảng hai giờ đi thuyền để ngắm cảnh non sông vùng di tích Hoa Lư, được ví như một "Hạ Long" trên cạn. Ảnh: KVT

Sông Ngô Đồng, cái tên đẹp lạ lùng kia khiến cho tôi tò mò, bởi quanh núi kia đâu có thấy một cây ngô đồng nào đâu? Thì ra đây là con sống xuất phát từ đá vôi rồi đổ nước vào hệ thống sông Vạc tại gần cầu Vũng Trắm. Tôi may mắn đi trên con sông Ngô Đồng đang vào mùa gặt lúa. Phải chăng, cái màu vàng của các ruộng lúa ngập trong nước ven hai bờ sông, những nông dân chèo thuyền thu hoạch trong cái vàng óng ả ấy đã khiến người ta gọi tên sông là Ngô Đồng?!

Sự lạ kỳ về sự tận dụng lợi thế  khi con nước của sông rút, để hai bên bờ là khoảng đất đầy phù sa, người nông dân gieo hạt, rồi cây lúa cứ vươn lên theo con nước cho đến khi chín trĩu hạt chẳng khác nào cách trồng lúa ở các tỉnh phía Nam ở đây thật là khó ngờ. Ngồi trên thuyền, cạnh tôi là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Anh cứ đứng lên con thuyền nhỏ mà hăng say ghi lại vẻ đẹp của mùa thu hoạch lúa ấy. Lãng mạn hơn là đôi khi những người trên thuyền hò dối đáp với những người đang thu hoạch lúa ở hai bên bờ sông.

Những đôi chân thoăn thoắt đạp mái chèo đưa con thuyền lướt nhẹ trên dòng sông. Ảnh: KVT

Hải là một trong những cô gái trẻ chèo thuyền trên sông Ngô Đồng. Hải trùm kín mặt bằng một chiếc áo, dùng đôi chân đạp hai mái chèo để con thuyền nhỏ cứ lướt trong ánh vàng vụ mùa.  Ở đây còn có cụ Lộc, đã 75 tuổi, vẫn chèo thuyền đưa khách du ngoạn trên sông. Cụ Lộc có bộ râu dài, mái tóc bạc trắng nên nhiều du khách thích chụp ảnh cụ như một người mẫu nghiệp dư.

Để cho bà con trong xã Ninh Hải ai cũng được chèo thuyền đưa khách dạo chơi sông Ngô Đồng, Ban Quản lý khu du lịch Tam Cốc chỉ đưa ra yêu cầu bắt buộc các hộ dân có thuyền phải thực hiện kiểm định, bảo đảm điều kiện an toàn giao thông khi đăng ký tham gia dịch vụ. Con số thuyền đăng ký chở khách lên đến 1.300 chiếc. Tất cả đều được đánh số thứ tự, tới lượt thì xếp hàng trên bến sông chở khách. Một điều hay là nếu khách có muốn thuê bao riêng để dạo chơi theo ý mình cũng phải qua Ban quản lý để bảo đảm giá cả được tuân thủ theo quy định chung, tránh việc cạnh tranh về giá dịch vụ và cũng là bảo đảm quyền lợi của du khách.

Những người chèo thuyền chưa đến phiên chở khách chuyển sang bán hàng, quà vặt cho khách du lịch. Ảnh: KVT

Vậy đợi bao lâu tới lượt mình? Bài toán đơn giản là ngày đông khách có khoảng 300 lượt thuyền rời bến, như vậy cứ 4 - 5 ngày mới tới lượt một chiếc thuyền. Thời gian vắng khách thì mỗi ngày có khoảng 100 lượt thuyền rời bến, vậy phải 13 ngày mới tới vòng thuyền. Người chèo thuyền chưa tới lượt lại đi gặt lúa, gieo mạ, làm cỏ lúa hay chở hàng hóa bán cho khách du lịch. Thuyền bán hàng không được chở khách, đó là quy định nghiêm ngặt và cũng được bà con chấp hành rất tốt.

Anh Khanh cho biết gần như bất cứ ai ở xã Ninh Hải cũng có thể chèo thuyền. Với số tiền 70.000 ngàn một chuyến đò, chèo trong ba giờ đồng hồ sẽ rã rời đôi tay, cho nên ở đây mọi người học cách chèo thuyền bằng chân. Và vì thế, sau khi rời bến Thánh, đi vượt qua đền Thái Vy là bắt đầu dùng đôi chân để chèo thuyền. Đền Thái Vy là nơi thờ vua Trần Thái Tông, xây dựng vào thế kỷ 13. Trước đền có giếng Ngọc xây bằng đá xanh, sau đền là dãy núi đá Cấm Sơn.

Cứ thế, các người chèo thuyền bắt đầu nhịp nhàng điều khiển con thuyền lướt sóng nhẹ nhàng trên sông Ngô Đồng bằng đôi chân đạp đều nhịp. An bảo: “Chèo thuyền bằng chân, ngó vậy chứ không dễ dàng. Ai không biết chèo sẽ làm cho con thuyền bị lật úp”. Thật vậy, có một con thuyền do điều khiển không khéo đã lệch vào trong ruộng lúa, một người lái khác phải tới thay người chèo thuyền để đưa con thuyền ra khỏi nơi mắc cạn.

Trước cửa hang Ba. Ảnh: KVT

Thuyền len vào hang Cả dài 127 mét rồi tiếp theo là hang Hai, hang Ba. Đá gần như sát trên đầu, nước trên đá nhỏ xuống từng giọt, không khí mát lạnh. Du khách ngồi thuyền dạo sông thỏa thuê nhìn ngắm những triền núi đá vôi, có người ngạc nhiên khi nhìn thấy những đàn dê lông màu trắng leo trên vách núi kiếm ăn. Một người chèo thuyền cho biết tất cả dê trên núi ấy đều là dê nuôi. Khi có người mua, chủ của bầy dê phải lên tận nơi để lùa chúng xuống núi. Món thịt dê núi Ninh Bình cũng chính là đặc sản nổi tiếng vùng đất này.

Theo nhịp chậm của những đôi chân nhẹ nhàng điều khiển hai mái chèo đưa khách lướt qua đồng lúa vàng vây quanh con sông có cái tên Ngô Đồng trữ tình ấy, tôi có cảm giác như đang bước vào những câu chuyện cổ tích. Hình ảnh dòng sông hiền hòa len qua ba ngọn núi, hai bên bờ sông là ruộng lúa ngát thơm hương nồng thiên nhiên tạo nên những phút giây thư thái hiếm có và cả cảm giác về sự thân thiện, hài ý trước vẻ ân cần, gần gũi của những người chèo thuyền chân quê, chở du khách lấy tiền bằng cái tình của người tiếp khách phương xa đến thăm quê mình, không  nóng lòng kết thúc hành trình ngao du như những hướng dẫn viên của các hãng lữ hành.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Năm ngày trên đất nước Chùa Tháp1

    Năm ngày trên đất nước Chùa Tháp

    Mong muốn thực hiện một chuyến "đi bụi" sang Campuchia được manh mún từ lâu lắm, khi tôi còn là thư ký cho một văn phòng tư vấn xây dựng và bất động sản.

  • Thung lũng Tình Yêu2

    Thung lũng Tình Yêu

    Trong các điểm du lịch ở Đà Lạt, thung lũng Tình Yêu là điểm đến đông khách nhất, điều này dễ hiểu vì đây là nơi phong cảnh lãng mạn, trữ tình. Cách Đà Lạt 5 cây số,  đi  hết con đường Phù Đổng, rẽ qua đường Mai Anh Đào là tới điểm hẹn của tình yêu này.

  • Về thăm chợ nổi Long Xuyên3

    Về thăm chợ nổi Long Xuyên

    Lớn, nhỏ khác nhau tùy vị trí giao thông và quy mô mua bán hàng hóa nhưng lề lối giao tiếp và hình ảnh sinh hoạt ở các chợ nổi miền Tây đều giống nhau.

  • Cõi tình thơ của Hàn Mặc Tử4

    Cõi tình thơ của Hàn Mặc Tử

    Có dịp đến thành phố biển Quy Nhơn, thủ phủ của tỉnh Bình Định, hầu như ai cũng muốn tìm đến Ghềnh Ráng - Tiên Sa để thưởng ngoạn vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho dải đất ven biển nầy. Danh thắng Ghềnh Ráng ở phía đông nam Quy Nhơn. Từ đầu đường Hàn Mặc Tử chạy dọc theo biển, đi khoảng 2,5 cây số về phía nam, ta sẽ đến Ghềnh Ráng.

  • Chơi rừng Trà Sư5

    Chơi rừng Trà Sư

    Hàng năm, cứ hễ vào mùa nước nổi là rừng tràm Trà Sư cũng bắt đầu vào mùa du lịch. Đến đây lúc này khách sẽ bị choáng ngợp bởi nét hoang sơ hiếm có của cánh rừng tràm nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia chừng 10 cây số về phía tây bắc.

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới6

    Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới

    Tạp chí Travel + Leisure vừa công bố danh sách 10 khách sạn tốt nhất thế giới trong năm 2013, theo bình chọn của độc giả.

  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan7

    Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan

    Mỗi năm, hàng nghìn du khách từ khắp nơi đổ về ngôi làng Hầu Động, Đài Loan để chiêm ngưỡng thiên đường dành cho mèo. 150 con mèo hoang đang sống tại đây và được người dân chăm sóc rất chu đáo.

  • Mùa thu Sydney8

    Mùa thu Sydney

    Sau chuyến bay dài 8 tiếng đồng hồ từ TPHCM, tôi đặt chân đến Sydney (Úc), một thành phố nổi tiếng với nhà hát con sò, cầu cảng Sydney mà mỗi dịp năm mới tôi được chiêm ngưỡng màn pháo hoa độc đáo trên... truyền hình. Vào mùa này, Sydney có vẻ đẹp lãng mạn của tiết trời thu với những hàng phong đang chuẩn bị thay lá, rất phù hợp cho việc đi bộ thong dong để ngắm nhìn thành phố hiện đại mà rất an bình này.

  • Gió biển Tuy Hòa9

    Gió biển Tuy Hòa

    Nhân tham dự một cuộc hội thảo kiến trúc của khu vực miền Trung - Tây nguyên được tổ chức tại Tuy Hòa, thành phố lần đầu tiên tôi đến và lưu lại nhiều ngày. Ấn tượng đầu tiên là gió. Gió Tuy Hòa mát, phóng khoáng, dễ chịu và đặc biệt dù sát biển nhưng không có độ “rịn, rít” của muối mặn như các thành phố biển khác.

  • Khu di tích Ma Thiên Lãnh - Ô Tà Sóc10

    Khu di tích Ma Thiên Lãnh - Ô Tà Sóc

    Dọc con đường nhựa nhỏ từ thị trấn Tri Tôn đi về phía Ma Thiên Lãnh - Ô Tà Sóc, hai bên là những rừng trúc hoang sơ, hàng hàng lớp lớp; lác đác có những tảng đá khổng lồ đứng chơ vơ. Loáng thoáng, ẩn hiện vài bóng nhà của bà con người Khmer trong vườn cây sum suê. Thỉnh thoảng du khách gặp vài chiếc xe bò đủng đỉnh, lăn bánh cọc cạch…