tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chơi rừng Trà Sư

  • Cập nhật : 06/07/2015
Đi xuồng vào ruột rừng tràm hoang dã. Ảnh: Cát Lộc

 Hàng năm, cứ hễ vào mùa nước nổi là rừng tràm Trà Sư cũng bắt đầu vào mùa du lịch. Đến đây lúc này khách sẽ bị choáng ngợp bởi nét hoang sơ hiếm có của cánh rừng tràm nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia chừng 10 cây số về phía tây bắc.

Sáu anh em chúng tôi sau khi dong ruổi khắp huyện Tri Tôn, mãi tới xế chiều mới rong xe đến rừng tràm Trà Sư. Khu rừng nổi tiếng về cảnh quan du lịch này nằm trên địa bàn hai xã Văn Giáo và Vĩnh Trung của huyện Tịnh Biên; trong đó, một phần giáp Ô Long Vĩ của huyện Châu Phú, cũng đều thuộc tỉnh An Giang.

Khu rừng này được Chi cục Kiểm lâm An Giang quản lý từ năm 1991 và được UBND tỉnh An Giang quy hoạch thành khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm này, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã đưa rừng vào hoạt động du lịch thử nghiệm từ năm 1999 và hoạt động du lịch chính thức từ năm 2005, do trạm Kiểm lâm Trà Sư chịu trách nhiệm.

Từ tỉnh lộ 948 đi vào cổng trạm Kiểm lâm Trà Sư 3 cây số là con đường đất cao vượt trên hai bên cánh đồng nước ngập lé đé. May, mấy ngày qua không mưa nên xe gắn máy chạy vào khá an toàn. Đoạn đường lòng vòng đi sâu vào ruột rừng được trải đá dăm lổn nhổn do anh Trần Ngọc Rạng, Trưởng trạm Kiểm lâm Trà Sư, dẫn đường. Đến nơi, nhìn dãy nhà dành cho nhân viên quản lý ngụ, nhà khách nằm im lìm trong bóng râm của mấy bụi tre điền trúc, nhìn cái nhà thủy tạ xinh xắn nằm bên bờ con kinh Nhơn Thới đang chìm vào bóng tối.

Đêm trong ruột rừng

Bữa ăn tối diễn ra trong không khí tĩnh mịch giữa ruột rừng. Trong ánh sáng huỳnh quang dùng nguồn điện từ máy nổ, chúng tôi quây quần bên nhau trên chiếc chiếu trải trên sàn lán căn nhà thủy tạ. Anh Rạng cho biết, con kinh Nhơn Thới chạy ngang đây ngăn chia khu rừng này thành hai phần. Ba mặt khác của con kinh này tạo thành hình vuông, rộng đến 845 hecta, là khu vực khai thác du lịch. Phần còn lại là vùng đệm rộng 645 hecta, nằm phía sau lưng con kinh này.

Khu vực hoạt động du lịch, trước mắt xây dựng khu nuôi động vật hoang dã rộng từ 10 đến 15 hecta tại trung tâm rừng thuộc khoảnh 5a tiểu khu 7a. Về sau sẽ mở rộng và phát triển khu này thành vườn sưu tập động vật và thực vật của hệ sinh thái ngập nước. Hiện nay, tại khu dịch vụ hành chánh, Trà Sư đã tổ chức nuôi thả một số loài cá để phục vụ khách tham quan du lịch thư giãn với chiếc cần câu rồi sau đó pha chế cá câu được theo yêu cầu.

Khách tham quan thưởng thức đặc sản thời khẩn hoang và nghỉ ngơi bên cánh võng. Ảnh: Cát Lộc

Chẳng mấy chốc, anh Thái Văn Đậu (chiến sĩ biên phòng, nhân viên kiểm lâm, cùng vợ là chị Ngọc Vận đều kiêm thêm “chức” đưa khách tham quan khu rừng bằng vỏ lãi và tác ráng cũng như làm “chuyên gia ẩm thực”) dọn lên chiếu trải giữa căn nhà thủy tạ rộng “mênh mông” mấy món ăn tỏa hơi nóng, bốc mùi thơm đến nôn nao bụng dạ. Giữa rừng tràm hoang vắng, ngồi trong ngôi nhà thủy tạ, thưởng thức món ăn ngon, uống rượu đế, tâm hồn chúng tôi như phóng khoáng cùng với đất trời.

Nào cá lóc vừa mới bắt ở kinh lên nướng trui. Món ăn thời khẩn hoang “mở hàng” cho vài món ăn thời hiện đại. Tô măng điền trúc hầm gà tre ngọt giòn, không đắng. Ngon hơn nữa là dĩa cá mại, cá linh kho mẳn rục xương như cá mòi hộp chấm bông điển điển đầu mùa, rau muống bóp giấm giòn khướu. Thêm món gà chiên nước mắm mới ngon làm sao!

Biết là được ăn gà tre, “gà đi bộ thứ thiệt” nhưng tôi giả bộ khen “gà rừng” ngon ác liệt. Anh Đậu phản đối ngay: “Ở đây tuyệt đối cấm chiến sĩ săn bắt động vật hoang dã. Gà này là gà nuôi. Hoang sơ và hoang sơ là tiêu chí của Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư”. Tôi cười nói trên đường vào đây đã thấy mấy đàn gà ta, gà tre chạy lung tung qua mấy gốc tràm, mấy lùm tre kiếm ăn. Được nuôi thả trong rừng, kêu "gà rừng" không trúng sao?! Anh em cười xòa, cụng ly lốp cốp.

Nửa khuya, cuộc vui tàn, chúng tôi ngủ ngay trên sàn nhà thủy tạ. Trong mùng, nhìn bầu trời chớp lóe liên hồi lòng lo âu chuyến trở ra lộ lầy lội vào sáng mai vì cơn mưa rừng. Nhưng những cơn gió mát liên hồi tạt vào, cùng tiếng chim đêm kêu khắc khoải khiến chúng tôi chìm vào giấc ngủ, không dễ gì có ở chốn thị thành, hồi nào không biết.

Sáng dậy, anh Rạng mời chúng tôi leo lên đài quan sát được kết cấu bằng sắt. Đứng trên đài cao 14 mét, nhìn cảnh hằng hà sa số những cánh chim bay đi kiếm ăn như những về mây trắng, mây đen lượn lờ tới cuối chân trời. Nhìn về tỉnh lộ 948 thấy núi Cấm hùng vĩ ở bên trái mây giăng kín ngọn; bên phải, núi Sam chơ vơ trong điệp trùng tràm là tràm.

Phong phú thủy sinh vật

Môi trường ngập nước với những thủy sinh vật đẹp mê hồn. Ảnh: Cát Lộc

Theo chân anh Rạng và vợ chồng anh Đậu, chúng tôi lần từng bước qua chiếc cầu khỉ bắc ngang con kinh Nhơn Thới dài chừng 30 mét. Cầu có hai tay vịn nhưng “xa” quá nên dân thành thị phải cẩn trọng như vậy để đến bến tàu. Chiếc vỏ lãi 6 chỗ ngồi nổ máy, vẹt thảm bèo xanh biếc, lướt như bay ra khỏi cánh rừng dày bịt, lướt ào ào trên lung bào rộng đến 20 hecta, đưa chúng tôi tham quan sân dơi.

Trong màu nước vàng đất lung bào, lung lay những chòm lá tròn nhỏ hình nón quai thao. Đó là lá củ co - loại cho củ màu đen dùng để dân quê ăn chơi thời xa xưa. Trong làn nước màu hổ phách ấy, biết bao ngọn tràm vài ba năm tuổi chìm nổi dập dềnh, đung đưa cành lá và những cái bông trắng lúc lắc như vẫy chào. Nào là rong đuôi chồn màu sét rỉ nối nhau nở vươn trên mặt nước những đóa hoa bí xíu màu vàng anh. Rồi, hàng hà sa số những “chồi” năn lướt qua trước mắt như rừng chông xanh thẫm. Màu nước vàng đất bất ngờ biến mất, nhường chỗ cho màu nước trắng bạc. Bên dưới làn nước sâu khoảng 2 mét ấy là thế giới của 70 loài cỏ và 13 loài thủy sinh. Là vùng đất rừng ngập nước, Trà Sư có đến 20 loài bò sát, 5 loài ếch nhái, 23 loài cá. Trong đó nhóm cá cư trú quanh năm, gọi là cá đen, có 10 loài. Sống trong nước phèn khắc nghiệt, vậy mà giống cá này vẫn sinh sôi nảy nở bình thường. Ngoài ra còn có 13 loại cá trắng chỉ xuất hiện trong mùa lũ vì khả năng chịu phèn kém.

Lạc vào thế giới động vật có cánh

Trà Sư có hệ sinh thái rừng khá tốt, là cái nôi tạo nguồn thức ăn, là nơi giúp nhiều động vật, nhất là chim sinh sống. Nhiều năm qua, Trà Sư đã kiểm soát, bảo vệ chặt chẽ các loài động vật có cánh đang cư trú và sinh sản. Đó là dơi và cò.

Dơi quạ bay rợp trời mỗi khi chiều về. Ảnh: Cát Lộc

Sân dơi nằm trong cánh rừng tràm giữa lung bào bao la. Chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi gần đến bìa rừng thì anh Đậu tắt máy. Anh hướng về cánh rừng xanh um trước mặt, vỗ tay thật lớn cùng với tiếng thét chói tai. Ào một cái, từng đàn dơi quạ sập sận vỗ cánh bay lên. Sau những phút giây sửng sốt, há hốc mồm nhìn cảnh “hồng hoang” của đất trời, chúng tôi vui sướng cùng anh Đậu vừa vỗ tay vừa là hét. Hết bầy dơi này tới bầy dơi khác, của một đàn dơi quạ hàng ngàn con cư ngụ tại đây hàng chục năm qua, xúm nhau bay liệng khắp một góc trời.

Anh Đậu khoe, không chỉ dơi quạ, Trà Sư có tới 70 loài chim (31 họ, 3 bộ). Trong đó là cò lạo và cổ rắn (điên điển), được ghi trong sách Đỏ Việt Nam.

Vậy là chúng tôi chuyển qua hai chiếc xuồng composite, vì mỗi chiếc chỉ chở được 3 người. Anh Đậu lái một chiếc. Chiếc kia vợ anh phụ trách. Xuồng rẽ mặt nước phẳng lặng, bèo cám xanh mượt một màu đẹp như thảm nhung, tiến vào sân cò. Sân cò là cánh rừng tràm 20 năm tuổi, ốm yếu, cong queo như được tạo dáng một cách thẩm mỹ. Trên tàn tràm, trên lưng lửng thân tràm cao khoảng 5 mét, cơ man nào cò, còng cọc cùng những chiếc tổ sạm màu mưa nắng. Cảnh tượng vô cùng kỳ thú liên tiếp bày ra trước mắt, hút hồn chúng tôi. Cho đến khi rời khỏi nơi này, chúng tôi vẫn còn mê mẩn đến lịm người.

Gần trưa, chúng tôi giã từ “vợ chồng thằng Đậu” - theo cách gọi đùa của anh Đậu - cùng anh Rạng phóng xe trên con đường ven rừng ra trạm Kiểm lâm Trà Sư. Chúng tôi bịn rịn chia tay anh trưởng trạm hiền từ, ít nói với nhiều lưu luyến, hẹn gặp lại vào mùa nước nổi năm sau. Bởi, mùa khô, rừng không mở cửa, nhằm bảo vệ môi sinh, nhất là phòng chống cháy. Anh Rạng nhấn mạnh: So với vùng đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng - lá phổi xanh còn sót lại của đồng bằng sông Cửu Long ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) - thì rừng tràm Trà Sư thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

Trở về

Bài cùng chuyên mục