Một Tầm nhìn năng lượng đã được Liên đoàn doanh nghiệp Bỉ đưa ra trong mục tiêu hướng tới một nền năng lượng xanh, hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn.
Tiết kiệm điện: Sự chuyển đổi từ chiếc bóng đèn ở Mỹ
- Cập nhật : 21/05/2019
Nếu không có gì thay đổi, nước Mỹ sẽ ngưng sử dụng loại bóng đèn dây tóc thông thường và bóng halogens kể từ ngày 1/1/2020 bởi những loại này tiêu hao nhiều điện năng.
Việc chuyển đổi sang các loại bóng đèn tiết kiệm điện là một phần trong kế hoạch thực hiện những tiêu chuẩn mới nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả do Bộ Năng lượng Mỹ đưa ra theo lộ trình đã được nghị viện phê chuẩn từ đầu năm 2017, sau hơn 2 năm nghiên cứu và xây dựng luật từ thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, bóng đèn là thứ bất cứ gia đình hay doanh nghiệp nào cũng phải sử dụng rất nhiều mà mức tiêu hao điện năng của bóng đèn tóc thì gần như không có thay đổi gì sau hơn 125 năm kể từ khi nhà bác học Thomas Edison phát minh ra bóng điện.
Những loại bóng đèn siêu tiết kiệm, có thể sử dụng lâu bền cũng mới chỉ xuất hiện. Ảnh: American Energy Services
Mặc dù không ai có thể phủ nhận việc sáng chế ra bóng đèn điện là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhà bác học người Mỹ, thì tất cả cũng vẫn phải công nhận một thực tế rằng bóng đèn gây lãng phí điện năng khá nhiều bởi có tới gần 90% điện năng dùng cho bóng điện là để tạo nhiệt chứ không phải thắp sáng.
Ở Mỹ, nơi có nguồn năng lượng dồi dào, đa dạng và có thể nói tình trạng thiếu điện hầu như chưa bao giờ xảy ra, nhưng các cơ quan và tổ chức liên quan tới sử dụng năng lượng luôn cập nhật các tiêu chuẩn, yêu cầu hiệu quả đối với các sản phẩm sử dụng điện nhằm tiết kiệm điện tối đa và giảm thiểu tác động tới môi trường.
Theo ước tính, nếu nước Mỹ chuyển đổi hoàn toàn sang dùng các loại bóng đèn tiết kiệm điện năng thì người tiêu dùng Mỹ sẽ tiết kiệm được khoảng 12 tỷ USD hóa đơn tiền điện mỗi năm hay nói cách khác, mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ tiết kiệm được 100 USD từ hóa đơn tiền điện của nhà mình.
Đồng thời, nước Mỹ sẽ không cần lượng điện nhiều đến mức phải có tới 30 nhà máy điện công suất lớn (500-megawatt) cùng hoạt động để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện.
Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên Mỹ cũng cảnh báo rằng việc sản xuất điện từ nhiều nhà máy điện công suất lớn, sử dụng công nghệ đốt than như vậy có thể gây ra mức ô nhiễm tương đương mức xả thải của khoảng 7 triệu chiếc ô tô mỗi năm.
Sở dĩ số tiền ước tính tiết kiệm được từ việc chuyển sang dùng bóng đèn tiết kiệm điện năng lớn đến như vậy bởi trung bình mỗi hộ gia đình ở Mỹ dùng khoảng 40 bóng đèn thắp sáng và tính tới thời điểm hiện tại thì nước này vẫn còn đang sử dụng khoảng hơn 2 tỷ bóng đèn thông thường (hay còn gọi là bóng đèn tóc, bóng halogens là những loại tiêu tốn nhiều điện năng).
Những loại bóng đèn siêu tiết kiệm, có thể sử dụng lâu bền cũng mới chỉ xuất hiện và được nhiều người biết đến hơn khoảng 20 năm nay trên thế giới và Mỹ cũng không phải là nước đi đầu trong việc tiến tới chỉ sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện năng.
Liên minh châu Âu (EU) hiện đã ngưng sử dụng các loại bóng tiêu tốn điện năng như bóng đèn tóc và bóng halogen. Nhiều nước khác, kể cả một số nước đang phát triển, cũng bắt đầu triển khai dần việc ngừng sử dụng bóng đèn tóc.
Hiện một số nhà hoạt động môi trường ở Mỹ cũng đã hối thúc Chính phủ Mỹ phải có những biện pháp đẩy nhanh lộ trình này, khuyến khích ứng dụng các công nghệ mới trong tiết kiệm năng lượng nếu không muốn nước Mỹ trở thành nơi sử dụng tràn lan các loại bóng đèn rẻ tiền nhưng hao phí nhiều điện năng.
Họ cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề khi mà những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng rõ rệt và gia tăng.
Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên Mỹ cũng tính toán rằng chỉ cần mỗi hộ gia đình ở Mỹ thay 1 chiếc bóng đèn thường bằng 1 bóng đèn LED thì hóa đơn tiền điện của cả nước Mỹ sẽ giảm được hơn 5 tỷ USD trong thời gian 10 năm và bớt được 2 triệu tấn chất thải carbon dioxide.
Tuy nhiên, kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng hoàn toàn bóng đèn tiết kiệm điện của nước Mỹ cũng vấp phải những rào cản khi những công ty sản xuất bóng đèn đương nhiên không muốn phải đóng cửa các nhà máy đang sản xuất bóng đèn thường của mình.
Đây sẽ là vấn đề cần được chính quyền Mỹ quan tâm giải quyết nếu muốn thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyển đổi đầy tham vọng là ngừng sử dụng những loại bóng đèn hao phí nhiều điện năng để quay sang những thiết bị chiếu sáng vừa tiết kiệm "túi tiền" cho người dân vừa bảo vệ môi trường.
HẢI VÂN - Phóng viên TTXVN tại Mỹ
Nguồn: BNEWS/TTXVN