Chỉ với riêng thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản, TPP sẽ mang thêm gần 15 tỉ USD xuất khẩu hàng dệt may cho tới năm 2025. Hơn thế nữa, với xu thế, tốc độ đầu tư hiện nay, chỉ cần khoảng 10 năm là ngành dệt có thể đáp ứng được đến 60% nhu cầu của ngành may xuất khẩu.
Ngành dược Việt Nam “đi khập khiễng với một chân chống nạng!"
- Cập nhật : 19/11/2015
(Kinh te)
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đã nói như vậy quanh những tồn tại của ngành dược VN và chính sách cần phải đưa vào dự thảo Luật dược sửa đổi lần này.
Trả lời PV Tuổi Trẻ về những hạn chế của Luật dược 2005 và liệu việc sửa đổi Luật dược lần này có giải quyết được hết những bất cập của ngành dược VN, bà Phong Lan nói:
Luật dược 2005 tuy đã quy định các chính sách tạo cơ chế cho việc phát triển ngành dược nhưng các chính sách này chưa cụ thể, thiếu đột phá, thiếu sự đầu tư về vốn của Nhà nước, chưa quy định chính sách tạo động lực cho công nghiệp dược phát triển như bảo đảm đầu ra cho thuốc sản xuất trong nước, phát triển thuốc từ dược liệu, nghiên cứu, sản xuất các loại dược chất, tá dược từ nguồn nguyên liệu dược liệu sẵn có tại Việt Nam, sản xuất thuốc generic, văcxin, sinh phẩm...
Dù đã đi vào đời sống mười năm nhưng Luật Dược 2005 chưa được thực thi hiệu quả do Bộ Y tế chưa ban hành được đầy đủ các văn bản dưới luật, không cụ thể hóa được các chính sách vĩ mô.
Việc đánh giá kết quả thực tiễn không được thực hiện nghiêm túc làm cho những chủ trương, chính sách đúng đắn về phát triển công nghiệp dược trong nước chưa đi vào cuộc sống.
* Bà có thể phác thảo “chân dung” ngành dược VN hiện nay và vì sao “chân dung” ấy vẫn chưa tạo được dấu ấn?
Đến nay ngành dược vẫn chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn dù rất dư thừa nhà máy (180 nhà máy sản xuất thuốc trong đó có 130 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, công suất mới đạt 50%), dư thừa công ty phân phối (hơn 2.000 công ty), tầng nấc trung gian; giá thuốc chưa thật sự được kiểm soát, khâu tiền kiểm thuốc - đặc biệt là thuốc nhập khẩu còn nhiều lỗ hổng, nhất là đăng ký thuốc và kiểm nghiệm chất lượng; hệ thống kiểm nghiệm thuốc thiếu năng lực và “có một không hai” trên thế giới vì cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có trung tâm kiểm nghiệm thuốc.
Dù có nhiều nhà máy sản xuất thuốc nhưng số nhà máy đầu tư cho công nghệ cao, đạt thêm các tiêu chuẩn quốc tế (EMA GMP, PIC/S GMP) chỉ lác đác, sản phẩm trùng lắp, lại phải cạnh tranh với thuốc ngoại nhập cùng loại và cạnh tranh trong nước với nhau. Sản xuất thuốc trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng thuốc và chủ yếu là các thuốc generic, nhóm thông thường.
Riêng nguyên liệu, bao bì sử dụng để sản xuất thuốc vẫn phải nhập tới 90% từ nước ngoài. Do vậy giá trị thuốc sản xuất trong nước tính đến năm 2014 mới chiếm 0,72% GDP của Việt Nam.
* Vì sao ngành dược VN lại “ốm yếu” như thế, thưa bà?
Có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là phát triển tự phát thiếu chính sách định hướng và hỗ trợ. Sự lạm phát số lượng nhà máy cũng như công ty phân phối, trùng lắp về sản phẩm đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, chủ yếu cạnh tranh về giá, tiêu cực chứ khó cạnh tranh bằng chất lượng.
Ngoài ra, nhà nước không có chủ trương hỗ trợ về vốn và đầu ra của sản phẩm, trong khi các cơ sở sản xuất thuốc trong nước lại hạn chế về nguồn lực nên chủ yếu đầu tư các dây chuyền sản xuất các dạng bào chế đơn giản, chạy theo số đông mà ít đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ để sản xuất thuốc mới, các dạng bào chế hiện đại.
Ngoài ra, Luật dược 2005 không quy định phát triển thuốc generic nên không có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc thúc đẩy sản xuất và sử dụng các thuốc này. Cụ thể như ưu tiên trong đăng ký thuốc, trong mua và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh...
Trong khi việc sản xuất thuốc generic, đặc biệt thuốc sắp hết hạn bảo hộ độc quyền, vừa bảo đảm được chất lượng thuốc, vừa bảo đảm hiệu quả điều trị, đồng thời giảm chi phí cho người sử dụng thuốc do giá rẻ hơn biệt dược gốc nhiều lần.
Mặt khác, đã không có chính sách hỗ trợ sản xuất, nhưng lại mở cửa cho nhập khẩu ồ ạt thuốc generic từ rất nhiều quốc gia, với chất lượng đôi khi hết sức đáng ngờ.
* Theo bà nên có định hướng qui hoạch phát triển để ngành dược có thể “bứt phá” trong thời gian tới thế nào?
Tình trạng đầu tư sản phẩm trùng lắp, thị trường manh mún, cạnh tranh không lành mạnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhập khẩu tràn lan, cắt lô, độc quyền, nâng giá... chỉ có thể giải quyết được khi xác định được các mũi nhọn trong công nghiệp dược để ưu tiên và phát triển bền vững theo chiều sâu trong giai đoạn 5 năm đầu sau khi áp dụng Luật Dược mới. Đầu tư sản xuất không thể trải rộng và dàn đều tất cả các lĩnh vực vì sẽ làm phân tán nguồn lực và kém hiệu quả như mười năm qua.
Để làm được việc này cần có chính sách hỗ trợ xuất khẩu, khuyến khích đầu tư công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, công nghiệp phụ trợ (bao bì, trang thiết bị), sản xuất các thuốc đặc trị, phát triển nguyên liệu dược liệu. Chính sách này phải đi đôi với các hàng rào kỹ thuật để hạn chế thuốc nhập khẩu cùng loại mà trong nước đã sản xuất được với chất lượng tốt…
* Bà nghĩ sao khi mạng lưới phân phối thuốc tại VN vẫn còn rất lộn xộn, nhiều tầng nấc khiến giá thuốc bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị thực?
Đúng là mạng lưới phân phối thuốc còn rất manh mún, nhiều tầng nấc trung gian, như công ty phân phối độc quyền nước ngoài, công ty nhập khẩu ủy thác, công ty phân phối trong nước… Qui định hiện nay chưa cho phép công ty nước ngoài phân phối dược phẩm, nhưng thực tế họ đã tiến hành phân phối trực tiếp dưới các hình thức “núp bóng” các công ty dược trong nước.
Các công ty Việt Nam chỉ đăng ký hoạt động trên hình thức và nhận chi phí trung gian, còn toàn bộ nguồn hàng, chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm, giá nhập khẩu (CIF), chi phí cho tiếp thị…đều do các công ty nước ngoài quyết định.
Tuy nhiên, rất tiếc là dự thảo Luật dược sửa đổi lần này lại không đề cập đến định hướng chiến lược về quy hoạch lại mạng lưới lưu thông phân phối.
Theo tôi, nên có một chương riêng biệt điều chỉnh lĩnh vực này để ngành dược có thể phát triển bền vững trên cả hai chân: sản xuất và lưu thông phân phối. Nếu không ngành dược Việt Nam vẫn hoàn toàn bất ổn do chỉ đi “khập khiễng” một chân sản xuất, còn chân lưu thông phân phối thì phải chống nạng.
* Giá thuốc luôn là vấn đề nhức nhối khiến người dân bức xúc nhưng việc kiểm soát giá thuốc bằng việc để doanh nghiệp tự kê khai giá không phải là giải pháp hiệu quả. Dự thảo Luật dược sửa đổi có qui định nào mới để kiểm soát giá thuốc hay không?
Dự thảo không có gì mới, chưa có cơ sở để xác định giá kê khai như thế nào là hợp lý. Hiện Bộ Y tế mới chỉ quản chặt sản phẩm trong nước trong khi thuốc nhập khẩu không quản được công đoạn xây dựng giá CIF trước khi vào Việt Nam.
Thực tế thị trường giá thuốc bất ổn tập trung chủ yếu ở các thuốc nhập khẩu. Nguyên nhân bất ổn giá thuốc trên một thị trường quá phức tạp, với hơn 30.000 mặt hàng thuốc, nhiều người đua nhau mở công ty, nhập khẩu, sản xuất, tạo thế cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền và câu kết nâng giá của một số thuốc nhập khẩu, mua bán lòng vòng, tầng nấc trung gian đẩy giá lên, kể cả mua chuộc bác sĩ kê đơn bằng việc chi hoa hồng, chiết khấu, tiêu cực trong đấu thầu...
Tôi cho rằng phải giải quyết tận gốc các nguyên nhân nói trên để lành mạnh hóa thị trường. Cần có quy định hạn chế số lượng các tầng nấc trung gian, thặng số tối đa, trên cơ sở giá kê khai được kiểm soát để chống kê khống, và in giá thuốc đăng ký lên bao bì cũng là một giải pháp - nhưng phải khắc phục được tình trạng kê khống đối phó đã từng xảy ra.
Tuy nhiên cần lưu ý kiểm soát giá thuốc không thể cực đoan về giá thật rẻ sẽ ảnh hưởng chất lượng thuốc, hiệu quả điều trị cũng như việc phát triển bền vững công nghiệp dược.