Trong 10 năm tới, robot và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế 50% toàn bộ việc làm đang được con người đảm nhiệm. Đây là nhận định của ông Kai-Fu Lee, nhà sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Sinovation Ventures.
Sẽ 'buộc' Facebook, Google tuân thủ pháp luật Việt Nam
- Cập nhật : 18/04/2017
Các nhà cung cấp thông tin xuyên biên giới ở quy mô toàn cầu được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam, nhưng phải chấp hành pháp luật của Việt Nam. Hiện nay Bộ TT&TT đã áp dụng những cơ chế riêng để yêu cầu Google (doanh nghiệp quản lý Youtube) gỡ bỏ các nội dung xấu độc.
Hơn 1.500 video độc hại và một lượng lớn những bài viết có nội dung xuyên tạc đã bị gỡ bỏ sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TT&TT.
Đó là khẳng định của Bộ TT&TT khi ban hành Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Google đã phối hợp với Việt Nam gỡ bỏ hơn 1.500 video độc hại và một lượng lớn những bài viết có nội dung xuyên tạc.
Sẽ yêu cầu các nhà cung cấp thông tin có đại diện tại Việt Nam
Cũng theo thông tin từ Bộ TT&TT, Bộ sẽ yêu cầu các nhà cung cấp thông tin như Google, Facebook sẽ phải có đại diện tại Việt Nam, đồng thời, phải lắp đặt phần mềm để loại bỏ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt trước khi cung cấp vào Việt Nam. Nếu vi phạm, các đơn vị này không những bị buộc phải gỡ bỏ mà còn phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Được biết, thông tư 38 được ban hành và triển khai trong bối cảnh thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên MXH ngày càng gia tăng cả về số lượng, tính chất, mức độ phức tạp, mặc dù hành lang pháp lý, như quy định về quản lý, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng internet đều đã đầy đủ.
Theo nguồn tin riêng của VietTimes, vào cuối tháng 4 này, đại diện cấp cao của Facebook sẽ sang làm việc với Bộ TT&TT để trao đổi về một số điều khoản làm trong sạch môi trường Facebook tại Việt Nam.
Đại tá Trần Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, Việt Nam có quyền yêu cầu dỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn chặn những thông tin xuyên tạc, độc hại được quy định theo pháp luật.
Đại tá Trần Văn Doanh cho biết thêm, trước khi có thông tư 38, việc truy tìm thủ phạm tung thông tin xấu độc, thông tin xuyên tạc gặp rất nhiều khó khăn vì các máy chủ đặt tại nước ngoài. Địa chỉ IP truy cập ẩn danh, nên khó khăn trong công tác điều tra. Đồng thời, sự hợp tác, quan hệ phối hợp của các nhà cung cấp dịch vụ chi phối lớn kết quả truy tìm thủ phạm.
Công cụ hữu hiệu quản chặt các nội dung xấu, độc trên Internet
Theo lãnh đạo Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), trên thực tế, hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đã diễn ra từ rất lâu. Tuy nhiên, lý do Thông tư 38 ra đời vào thời điểm này bởi đây là vấn đề phức tạp, khi ban hành phải mang tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và các điều ước Việt Nam đã tuân thủ, đặc biệt là đối với lĩnh vực Internet.
Các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư 38 gồm các trang web, mạng xã hội, ứng dụng trên mạng ở nước ngoài cung cấp nội dung vào Việt Nam, có người Việt truy cập, sử dụng dịch vụ; doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ đặt máy chủ ở trong nước.
Thông tư 38 khẳng định hai việc: Một là Việt Nam có quyền yêu cầu dỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn chặn những thông tin xấu độc được quy định theo pháp luật; Hai là với những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.
Cụ thể hơn, đối với những trang web, mạng xã hội có lượng truy cập lớn từ 1 triệu lượt sử dụng mỗi tháng trở lên hoặc những trang web đặt máy chủ tại Việt Nam phải cung cấp đầu mối liên hệ cho Bộ TT&TT và thực hiện việc phối hợp ngăn chặn xử lý thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xấu độc khi có yêu cầu.
Trước khi có thông tư 38 ra đời, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã xây dựng mối liên hệ công tác, cơ chế phối hợp với các nhà cung cấp, trang mạng xã hội lớn như Youtube, Google, Facebook.
"Tuy các đơn vị này chưa có văn phòng đại diện ở Việt Nam nhưng vẫn có đầu mối tư vấn pháp lý. Chúng tôi đã thông qua đại diện đó để làm việc với các tổ chức này và hợp tác trong nhiều trường hợp", đại diện Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử cho biết.
Thông tư 38 là văn bản quy phạm pháp luật nên những yêu cầu, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới được quy định rõ ràng, minh bạch và điều này cũng phù hợp với mong muốn của các tổ chức trên.
Anh Lê
Theo Viettimes.vn