tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

5 khoảnh khắc 'ngàn cân treo sợi tóc' trong lịch sử du hành vũ trụ

  • Cập nhật : 16/11/2015

(The gioi)

Mất quyền kiểm soát tàu vũ trụ, suýt chết đuối ngoài không gian, bị tàu khác đâm,… là một vài trong số tai nạn nguy hiểm nhất mà các phi hành gia phải đương đầu khi thực hiện nhiệm vụ.

Mất kiểm soát trong quỹ đạo Trái Đất

Theo IFL Science, Neil Armstrong thực hiện chuyến bay đầu tiên vào không gian cùng với David Scott trên tàu vũ trụ Gemini 8 vào ngày 16/3/1966. Đây là nhiệm vụ có người lái thứ 6 của chương trình Gemini - tiền thân chương trình Apollo. Nhiệm vụ này nhằm mục đích luyện tập các kỹ thuật tiếp nối trong quỹ đạo Trái Đất, giữa tàu Gemini 8 với thiết bị không người lái Agena.

thiet bi khong nguoi lai agena khi nhin tu tau vu tru gemini 8. anh: nasa.

Thiết bị không người lái Agena khi nhìn từ tàu vũ trụ Gemini 8. Ảnh: NASA.

Vài giờ sau khi rời khỏi bệ phóng, Gemini 8 đã kết nối thành công với Agena. Tuy nhiên, nửa giờ sau, cả hai phương tiện bắt đầu quay vòng mất kiểm soát. Armstrong nỗ lực tách tàu Gemini 8 và Agena nhưng chúng càng quay nhanh hơn ở tốc độ mỗi phút một vòng.

Cuối cùng, Armstrong lấy lại quyền kiểm soát Gemini 8 bằng cách sử dụng động cơ đẩy quay về Trái Đất. Cả quá trình này kéo dài khoảng 30 giây. Nhiệm vụ Gemini 8 buộc phải chấm dứt sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch. Chưa đầy 11 tiếng sau khi khởi hành, Scott và Armstrong đáp xuống Thái Bình Dương và được vớt lên an toàn trong chiếc túi bảo vệ.

Sau rắc rối trong lần thử nghiệm, Armstrong trở thành người đàn ông đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng vào tháng 7/1969. Scott cũng tới Mặt Trăng khi thực hiện nhiệm vụ Apollo 15.

7 phút kinh hoàng của robot tự hành Curiosity

Trước năm 2012, các phương tiện đổ bộ thường hạ cánh xuống sao Hỏa bằng cách sử dụng túi khí lớn bơm phồng. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi đối với robot tự hành Curiosity.

Curiosity có kích thước quá lớn và nặng nên không thể sử dụng phương pháp túi khí. Vì vậy, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát minh ra hệ thống mang tên "Sky Crane" nhằm giúp Curiosity hạ cánh trên sao Hỏa.

hinh mo phong qua trinh ha canh cua robot tu hanh curiosity. anh: nasa.

Hình mô phỏng quá trình hạ cánh của robot tự hành Curiosity. Ảnh: NASA.

 

Ngày 5/8/2012, sau khi thâm nhập vào bầu khí quyển sao Hỏa, thiết bị gồm 4 động cơ được kích hoạt và từ từ đẩy Curiosity tiếp đất từ độ cao 20 m bằng dây cáp.

Thời gian từ lúc Curiosity tiếp cận bầu khí quyển sao Hỏa tới khi nó hạ cánh là 7 phút. Do sự chậm trễ về thời gian truyền thông tin liên lạc giữa Trái Đất và sao Hỏa, các kỹ sư trên Trái Đất để toàn bộ hệ thống chạy tự động và hy vọng mọi thứ tiến triển theo kế hoạch. NASA gọi khoảng thời gian này là "bảy phút kinh hoàng".

May mắn là hệ thống vận hành ổn định và Curiosity hạ cánh an toàn. Hiện nay, robot tự hành Curiosity vẫn hoạt động tốt. Nó đang tiếp tục cuộc hành trình khám phá của mình tại khu vực núi lửa Gale Crater. Nhờ Curiosity, chúng ta biết được Hỏa tinh từng có nhiều hồ nước, và có thể tồn tại sự sống.

Nhiệm vụ Apollo 13 nổi tiếng

Theo dự kiến, nhiệm vụ Apollo 13 sẽ là cuộc đổ bộ lần thứ ba của con người lên Mặt Trăng. Ngoại trừ một lỗi nhỏ khi cất cánh vào ngày 11/4/1970, nhiệm vụ diễn ra suôn với phi hành đoàn gồm John Swigert, Fred Haise và James Lovell.

khoang ho tro service module bi hu hong. anh: nasa.

Khoang hỗ trợ Service Module bị hư hỏng. Ảnh: NASA.

 

Tuy nhiên, sau 55 giờ rời bệ phóng và ở khoảng cách 320.000 km tính từ Trái Đất, một trong những bình chứa oxy của tàu vũ trụ phát nổ. Phi hành đoàn phải đối mặt với tình huống rất nghiêm trọng ngoài không gian.

Mất một lượng lớn oxy và nguồn điện cạn kiệt, phi hành đoàn phải ẩn náu trong khoang Mặt Trăng (bộ phận được dùng để hạ cánh). Với việc mất khả năng hạ cánh, họ chia nhau nước uống và thực phẩm, đồng thời chờ cơ hội quay về Trái Đất trong tuyệt vọng.

Sau cùng, nhờ sự nỗ lực giải cứu của NASA, phi hành đoàn hạ cánh an toàn xuống Thái Bình Dương vào ngày 17/4/1970.

Phi hành gia suýt chết đuối ngoài vũ trụ

Ngày 16/6/2013, Luca Parmitano, phi hành gia người Italy thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thực hiện chuyến đi bộ định kỳ ngoài không gian trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cùng với phi hành gia Chris Cassidy của NASA. Họ tiến hành công tác chuẩn bị cho sự có mặt của khoang thí nghiệm đa mục đích mới của Nga tên là Nauka.

mu bao hiem cua parmitano ngap day nuoc. anh: nasa.

Mũ bảo hiểm của Parmitano ngập đầy nước. Ảnh: NASA.

 

Sau hơn 1 giờ đi bộ, Parmitano phát hiện mũ bảo hiểm của mình ngập đầy nước. Nước bắt đầu tràn vào mũi gây khó thở. Sau này Parmitano kể lại, ông đã rất sợ hãi khi không thể biết nước có tràn vào phổi ở lần thở kế tiếp hay không.

Do nước che khuất tầm nhìn, Parmitano sử dụng dây cáp an toàn để quay trở về khoang. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của Cassidy, Parmitano đã vào trong khoang an toàn và gỡ bỏ bộ đồ với đôi tai chứa đầy nước. Cassidy mô tả đây là một tình huống đáng sợ.

Nguyên nhân gây ra sự việc được xác định là do bộ lọc bị tắc, có khả năng nước từ hệ thống làm mát chảy vào mũ của Parmitano thông qua đường rãnh thông hơi ở cổ.

Trạm vũ trụ Mir suýt bị bỏ hoang

Mir (Trạm Vũ trụ Hòa bình) từng tồn tại trước Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đây là trạm không gian khổng lồ do Nga xây dựng với kích thước lớn hơn nhiều những trạm không gian trước đó, bao gồm Salyut của Liên Xô và Skylab của Mỹ. Mir vẫn hoạt động tốt trên quỹ đạo trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến 2001. Tuy nhiên, nó có nguy cơ bị bỏ hoang khi gặp phải một vụ tai nạn vào năm 1997.

vu va cham voi tau van tai progress khien cac tam pin nang luong mat troi cua mir bi hu hong nang. anh: nasa.

Vụ va chạm với tàu vận tải Progress khiến các tấm pin năng lượng Mặt Trời của Mir bị hư hỏng nặng. Ảnh: NASA.

 

Ngày 25/6/1997, tàu vũ trụ Progress mang hàng hóa lên trạm Mir đã đâm phải các tấm pin năng lượng Mặt Trời trong quá trình ngắt và tái kết nối với trạm. Vụ tai nạn khiến Mir không giữ được thăng bằng, quay một cách mất kiểm soát và không thể lưu trữ năng lượng. Điều này có nghĩa khi pin dự trữ cạn kiệt năng lượng, toàn bộ phi hành đoàn phải sống không có điện mỗi khi trạm ở trong vùng tối của Trái Đất.

Sau nhiều nỗ lực, các phi hành gia đã khắc phục sự cố, giành lại quyền kiểm soát Mir và đưa nó trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường bằng cách sử dụng động cơ đẩy của tàu vũ trụ Soyuz nối liền. Tuy nhiên, Mir tồn tại thêm 4 năm nữa trước khi được đưa trở về Trái Đất. Năm 2001, trạm bị phá hủy khi va chạm với bầu khí quyển, còn các mảnh vụn rơi xuống Thái Bình Dương.

(Theo Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục