“Dự kiến, chậm nhất là tuần sau, Thông tư hướng dẫn về chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu sẽ được Bộ Tài chính ban hành”, ông Trương Lê Quốc Công, Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết.
Kinh tế trưởng Dragon Capital: Tiềm năng TTCK Việt Nam còn rất lớn
- Cập nhật : 10/08/2015
(Chung khoan)
Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, việc hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa có báo cáo tài chính bằng tiếng Anh là một rào cản và không công bằng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Chiều 7/8, Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức Toạ đàm trực tuyến với nội dung "Nới room: Đón nhận cơ hội và thách thức từ dòng vốn nước ngoài”. Tại buổi Tọa đàm, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Phó Tổng giám đốc đầu tư quỹ Đầu tư Dragon Capital đã trao đổi về tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam và những rào cản với nhà đầu tư nước ngoài.
Tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam là rất lớn
PV: Ông đánh giá thế nào về mức độ cởi mở của thị trường và tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam?
Ông Lê Anh Tuấn: Về vấn đề tiềm năng, tôi đánh giá trên 2 khía cạnh. Xét về khía cạnh định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, xét về góc cạnh thị giá/lợi nhuận, PE của TTCK Việt Nam đang ở mức 13 lần. Tổ chức của chúng tôi đánh giá năm 2016 lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng 20%, có nghĩa là mức tăng trưởng cũng như mức định giá của Việt Nam đang chiết khấu so với khu vực khoảng 25-30%, rất thấp.
Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn các nước trong khu vực. Do đó về khía cạnh định giá là hấp dẫn.
Thứ hai, xét về Quy mô, vai trò trong của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế: Trong 15 năm kể từ khi thành lập, TTCK Việt Nam từ 3 công ty đến nay đã có gần 680 công ty niêm yết, vốn hoá từ rất thấp tới 60 tỷ USD hiện tại, chúng ta không thể phủ nhận thành tựu của thị trường chứng khoán.
Xét về mức độ tiềm năng, cá nhân tôi đánh giá tiềm năng thị trường là rất lớn. Vốn hóa/GDP của Việt Nam hiện nay chưa tới 30% trong khi Thái Lan 110%, Indonesia khoảng hơn 50%, Singapore 130%, Philippines gần 70%. Việc nới room làm định giá Việt Nam tiệm cận hơn so với khu vực.
Tuy nhiên, xét về góc độ tổng thể vai trò thị trường chứng khoán trong nền kinh tế, chúng ta thường nhìn thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn cho DN, nhưng chúng ta thường không nhắc tới một góc cạnh rất quan trọng hơn, là kênh tiết kiệm, đầu tư của dân chúng. Hiện tại người dân Việt Nam có thể gửi tiết kiệm, hoặc mua vàng, USD hay bất động sản. 2 kênh đầu tư vàng và USD chúng ta không khuyến khích, kênh đầu tư bất động sản ai cũng làm được có nghĩa là điều người dân Việt Nam có thể đầu tư trung và dài hạn chỉ có tiết kiệm mà thôi.
Vai trò của thị trường chứng khoán chưa làm được kênh đầu tư tiết kiệm đó. Nhìn 500 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất cho Việt Nam, số doanh nghiệp niêm yết rất thấp. Điều đó có nghĩa tiềm năng của thị trường chứng khoán đối với Việt Nam còn rất nhiều.
Cần báo cáo tài chính tiếng Anh cho nhà đầu tư nước ngoài
PV: Theo ông, những rào cản tiếp theo sẽ phải tháo gỡ như thế nào để nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư tại Việt Nam?
Ông Lê Anh Tuấn: Cách đây 4 tuần, tôi có thực hiện một chuyến đi quảng bá doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ và Hồng Kông, tôi lựa chọn 2-3 công ty chúng tôi rất thích ở Việt Nam. Khi đó, nhà đầu tư yêu cầu chúng tôi cung cấp báo cáo tài chính tiếng Anh, nhưng chúng tôi truy cập website doanh nghiệp thì chỉ chỉ có báo cáo năm 2013 tiếng Anh.
Câu hỏi đặt ra là quyền bình đẳng của NĐT nước ngoài đang chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn các thông tin liên quan đến công ty rất ít bằng tiếng Anh. Các BCTC đã có những bước tiến rất lớn trong vòng 7-8 năm qua về mặt tiêu chuẩn báo cáo tài chính cũng như đã có những công ty có tiếng Anh, nhưng phần lớn các công ty chưa có tiếng Anh.
Điều này khiến NĐT nước ngoài muốn đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam chưa cảm nhận được sự an toàn.
Thứ hai, là phải tăng cường quản trị doanh nghiệp. Tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp rất cao, sự bảo vệ lợi ích cổ đông nhỏ chưa đúng mức, các DN có thể làm tốt hơn trong tương lai để thu hút vốn.
Thứ ba là chế độ kế toán kiểm toán. VN ban hành Nghị định 200 là rất tốt, nhưng chúng ta vẫn đang sử dụng chuẩn kế toán Việt Nam, trong khi các nước trong khu vực tiến về chuẩn kế toán quốc tế. Sự chênh lệch chế độ kế toán kiểm toán làm nhà đầu tư nước ngoài phân vân, không biết khác biệt thế nào để đầu tư.