Trong những năm qua, thị trường vốn (trọng tâm là thị trường chứng khoán) đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để thị trường vốn nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng, phát triển mạnh mẽ và bền vững, phục vụ tốt cho việc tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới, cần thiết thực hiện một số giải pháp đồng bộ.
Kiếm lời ở Việt Nam
- Cập nhật : 03/11/2015
(Kinh doanh)
Được thúc đẩy mạnh mẽ từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường chứng khoán Việt Nam đang hoạt động tốt thứ 3 châu Á.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ xô vào Việt Nam trong năm qua để tận dụng các lợi thế khi nền kinh tế đang thu hút đầu tư sản xuất bởi chi phí ở Trung Quốc đang tăng lên. Bên cạnh đó, việc Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định TPP cũng là một yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Những yếu tố trên giúp cho chứng khoán Việt Nam tăng 10% kể từ đầu năm nay, đem lại khoảng 5% lợi nhuận cho các nhà đầu tư nước ngoài và cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường hoạt động tốt thứ 3 châu Á, sau thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.
Điển hình là quỹ Vietnam Enterprise Investments trị giá 519 triệu USD của Dragon Capital đã kiếm lời được 9% từ đầu năm tính đến thời điểm này.
Kể từ ngày 25/8, sau khi các nhà đầu tư được khuyến cáo nên bắt đầu bắt đáy, giá trị của thị trường Việt Nam đã tăng 15% tính theo đồng USD, chủ yếu nhờ sức tăng của cổ phiếu các ngân hàng lớn và công ty Vinamilk. Tại châu Á, tăng trưởng của Việt Nam chỉ đứng sau Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia. Quỹ DB X-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF niêm yết tại Hồng Kông đã hồi phục 11% trong cùng giai đoạn này.
Nhưng với hệ số P/E ở mức gần 15 lần, cổ phiếu tại Việt Nam có vẻ không còn rẻ như trước nữa. Điều này có nghĩa là các thị trường phát triển có thể sẽ rẻ hơn.
Nhưng Việt Nam lại là một thị trường sơ khai – nơi các nhà đầu tư cần có sự bảo đảm chắc chắn hơn để bù đắp cho những rủi ro có thể gặp phải khi luật pháp chưa thực sự hoàn chỉnh.
Nguồn tài nguyên phong phú của Việt Nam vẫn đang là điểm thu hút. Chi phí tại Trung Quốc tăng đẩy ngành sản xuất các mặt hàng giá rẻ sang các nước như Việt Nam bởi giá nhân công thấp hơn. Kết quả, xuất khẩu của Việt Nam đang bùng nổ trong khi nhu cầu toàn cầu suy giảm. Trong quý III/2015, xuất khẩu Việt Nam tăng gần 11% trong khi xuất khẩu của Trung Quốc giảm gần 6%.
Những tín hiệu tích cực trên khiến Việt Nam trở thành điểm sáng tại một khu vực đang tăng trưởng chậm lại hiện nay. Xuất khẩu và nhu cầu nội địa cao giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,8% trong quý III/2015, tăng so với mức 6,5% trong quý II/2015. Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế tăng trưởng vẫn được cải thiện ở châu Á. Ngân hàng HSBC dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2015 sẽ tăng trưởng 6,6% - cao hơn mức 6% của năm 2014.
Tuy xuất khẩu sang Trung Quốc chứa đựng rủi ro tiềm tàng, nhưng Việt Nam không dễ bị ảnh hưởng bởi sự tháo chạy đột ngột của giới đầu tư toàn cầu giống các quốc gia láng giềng là Indonesia hay Malaysia. Không chỉ có nợ nước ngoài thấp hơn, Việt Nam đang có thặng dự tài khoản vãng lai để giúp đồng VND không bị ảnh hưởng từ các bất ổn của thị trường mới nổi trong năm nay.
Triển vọng của Việt Nam sẽ còn sáng sủa hơn khi hiệp định TPP được phê duyệt và thực hiện. Cùng lúc tham gia hiệp định này, Việt Nam cũng đã bắt đầu thực hiện một loạt cải cách, bao gồm việc nâng giới hạn sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp cũng như ngân hàng.
Theo các nhà kinh tế của Natixis, có một ưu điểm nữa là Việt Nam đang bắt đầu từ con số 0. Không giống như Trung Quốc, Việt Nam không có lĩnh vực sản xuất nào cần được cải tổ để theo kịp sự phát triển nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Moody’s cho rằng hiệp định TPP có thể giúp tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam một khoảng bằng 19% GDP. Đặc biệt, mặt hàng quần áo và giày dép của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ mức thuế thấp khi xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản.
Các nhà phân tích nhận định ngành ngân hàng của Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ sự phát triển của đất nước. Theo BBVA, mới có 31% người Việt Nam có tài khoản ngân hàng.
Dragon Capital cho rằng các ngân hàng Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của quả trình xử lý nợ xấu và đang sẵn sàng để thực hiện những khoản cho vay mới.