Sau 16 năm hoạt động, hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) vẫn chưa thực sự phong phú về chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Hấp dẫn cổ phiếu bột giặt
- Cập nhật : 19/07/2016
NET, LIX và DGC đều đạt mức tăng trưởng doanh thu liên tục qua nhiều năm.
Không hẹn mà 3 cổ phiếu ngành bột giặt gồm NET (Bột giặt NET), LIX (Bột giặt LIX) và DGC (Hóa chất và Bột giặt Đức Giang) đều dự tính chốt quyền trả cổ tức, thưởng cổ phiếu cho nhà đầu tư trong tháng 7 này. Nếu như LIX thưởng cổ phiếu theo tỉ lệ 2:1 thì DGC lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu gần 19%, còn NET ước sẽ chia 3.000 đồng cho mỗi cổ phiếu.
Trước đó, những ai nắm giữ cổ phiếu ngành bột giặt đều nhận được cổ tức khá hấp dẫn. Chẳng hạn, trong tháng 1 và tháng 4.2016, DGC đã tạm ứng 2 đợt cổ tức bằng tiền hơn 22%. Tính chung, cả năm 2015, tỉ lệ cổ tức thông qua của DGC là 40,57%. Đối với LIX, mức cổ tức trọn năm đã chia là 50%, đều bằng tiền mặt. Riêng NET dự trù tỉ lệ cổ tức cả năm 2015 bằng với con số sắp chia.
So với các công ty chia cổ tức “khủng” như Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS), Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT), Gilimex (GIL)... thì cổ phiếu bột giặt không thể bì kịp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt bằng cổ tức chung của toàn thị trường, cổ tức nhóm bột giặt không hề thấp. Đây là một trong nhiều lý do khiến giới đầu tư có thiện cảm với cổ phiếu ngành này.
LIX, chẳng hạn, đã lọt vào nhóm cổ phiếu có thị giá dẫn đầu thị trường. Đây cũng là cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 1 năm, LIX đã tăng hơn 3,2 lần, từ mức 35.000 đồng/cổ phiếu (6.7.2015) lên tới 113.000 đồng/cổ phiếu (6.7.2016). Hiện tại, tuy giá cổ phiếu LIX đã điều chỉnh giảm theo tỉ lệ thưởng, nhưng cổ phiếu này vẫn đang ở mức cao. Đối với NET và DGC, đà tăng cổ phiếu cũng rất ấn tượng, lần lượt tăng 2,2 lần và 1,8 lần trong suốt năm vừa qua.
Sở dĩ LIX, NET, DGC có thể giữ được mức giá ổn định cũng như duy trì được kế hoạch chi trả cổ tức đều đặn và tăng dần qua các năm là vì cả 3 công ty đều đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Mặc dù bị cạnh tranh gay gắt bởi hai gã khổng lồ Unilever và P&G (nắm 88% thị phần), nhưng các công ty bột giặt nói trên đều đạt mức tăng trưởng doanh thu liên tục. 10 năm qua, doanh thu của LIX không hề suy giảm và đạt trên 1.780 tỉ đồng năm 2015. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt đến 181 tỉ đồng từ mức xấp xỉ 12 tỉ đồng vào năm 2006.
Có được kết quả này là nhờ LIX thực hiện chiến lược 2 chân, vừa sản xuất sản phẩm riêng vừa gia công. Không chỉ gia công cho Unilever mà LIX còn gia công nhãn hàng riêng cho các siêu thị như Co.op Mart, Lotte, Big C, VinMart... Nhờ vậy, LIX có thể khai thác, tận dụng tối đa công suất các nhà máy cũng như đa dạng được nguồn thu. Theo thông tin từ Công ty, gia công góp khoảng 7-8% doanh thu và lợi nhuận gộp trong nhiều năm.
Ngoài ra, LIX cũng xuất khẩu sang các nước như Campuchia, Nhật, Philippines... Đến nay, xuất khẩu góp 18% doanh thu cho LIX. Đáng chú ý, Công ty không chỉ xuất khẩu theo hình thức gia công mà còn dưới thương hiệu riêng. Năm 2015, xuất khẩu nhãn hàng LIX sang Philippines tăng đến 50%.
Công ty cũng đã đưa được sản phẩm vào các siêu thị lớn cũng như gầy dựng được hệ thống 118 nhà phân phối độc quyền trên khắp cả nước. Cách thức này kết hợp với việc mở thêm kênh bán hàng trực tuyến đã giúp gia tăng doanh số bán hàng của Công ty. Năm 2015, LIX đạt tăng trưởng bán hàng ở cả hai kênh truyền thống lẫn hiện đại, với kênh truyền thống tăng cao gấp đôi kênh hiện đại. Riêng thị trường miền Bắc tăng tới 46%. Sắp tới đây, khi đưa vào vận hành nhà máy ở Bắc Ninh, LIX còn có thể giảm chi phí vận chuyển và gia tăng cạnh tranh cho sản phẩm tại khu vực này.
NET cũng có những lợi thế và chiến lược khá tương đồng với LIX khi vừa tự sản xuất vừa gia công, vừa bán hàng trong nước lẫn xuất khẩu. Giống như LIX, mảng gia công đóng góp khá khiêm tốn, khoảng 4-5% doanh thu của NET. NET cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, so về quy mô doanh thu, lợi nhuận, NET đạt chưa tới một nửa của LIX. Có lẽ vì vậy mà giá cổ phiếu NET hiện cũng chỉ bằng 55% giá cổ phiếu LIX.
Trường hợp DGC có khác hơn so với LIX và NET. Cùng tham gia ngành bột giặt, chất tẩy rửa, nhưng cơ cấu doanh thu của DGC lại có phần đóng góp quan trọng của mảng hóa chất, phân bón. Theo báo cáo thường niên, mảng bột giặt tẩy rửa của DGC năm 2015 suy giảm khoảng 10% về sản lượng và 3% về doanh thu. Nhà máy bột giặt của DGC cũng đã nghỉ khoảng 3 tháng trong năm do hàng không tiêu thụ được. Nhờ nguồn thu từ các mảng như Axit Phosphoris, dịch vụ vận chuyển, chất tạo bọt LAS, hóa chất tinh khiết... mà doanh thu, lợi nhuận của DGC vẫn tăng trưởng.
Trong tương lai, nếu như LIX, NET đẩy mạnh tiêu thụ nội địa nhằm tránh đòn tấn công của hàng Trung Quốc ở thị trường xuất khẩu cũng như đầu tư mở thêm nhà máy bột giặt, chất tẩy rửa để gia tăng năng lực cạnh tranh với Unilever, P&G hay Mỹ Hảo thì DGC lại có xu hướng tập trung đầu tư vào nhà máy Axit Phosphoric. DGC cũng đã hoàn thành công tác thăm dò quặng Apatit và dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2016.
Tuy khác biệt là thế nhưng năm 2015, cả ba công ty đều cùng hưởng lợi từ giá dầu giảm mạnh. Xét chỉ số tài chính, LIX, NET, DGC đều có khả năng tự chủ tài chính khi vẫn dùng chủ yếu nguồn vốn chủ sở hữu để tài trợ các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hệ số thanh toán ngắn hạn đều nằm ở mức tốt. Đặc biệt, năng lực hoạt động của NET còn vượt trội hơn LIX khi vòng quay hàng tồn kho của NET ngày càng cải thiện. Riêng các chỉ số như biên lợi nhuận ròng, ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của DGC, LIX và NET đều ấn tượng.
Viết Nguyên
(Theo Nhịp cầu đầu tư)