Tháng Bảy năm nay cả thế giới được chứng kiến một cơn lốc bất ngờ tràn qua thị trường chứng khoán Trung Quốc, "cuốn theo chiều gió" hơn 3.000 tỷ USD.
Các quỹ đầu cơ lớn trên thế giới quay lưng lại với Trung Quốc
- Cập nhật : 04/08/2015
(Tai chinh)
Raymond Dalio, nhà tỷ phú sáng lập ra quỹ Bridgewater, quản lý 169 tỷ USD tài sản, cho rằng Trung Quốc không còn cung cấp "những nơi an toàn để đầu tư.
Nhật báo Les Echos số ra mới đây đã đề cập đến xu hướng các nhà đầu tư không còn mặn mà với Trung Quốc.
Raymond Dalio, nhà tỷ phú sáng lập ra quỹ Bridgewater, quản lý 169 tỷ USD tài sản, cho rằng Trung Quốc không còn cung cấp "những nơi an toàn để đầu tư."
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc không làm các tập đoàn lớn của châu Âu lo ngại bằng việc quỹ Bridgewater hiện đang khuyến cáo nhà đầu tư chạy khỏi Trung Quốc.
Bridgewater là quỹ đầu cơ lớn nhất trên thế giới với 169 tỷ USD tài sản và từng ủng hộ mạnh mẽ đầu tư vào Trung Quốc.
Quỹ này được các trung tâm tài chính công nhận có sự sáng suốt về xu hướng trong nền kinh tế toàn cầu - quỹ đã thành công tạo ra lợi nhuận trong năm 2008, trong khi hầu hết các đối thủ cạnh tranh thua lỗ nặng.
Ông Raymond Dalio cho rằng quan điểm của Bridgewater về Trung Quốc đã thay đổi, hiện ở Trung Quốc không có nơi an toàn để đầu tư.
Nhà sáng lập quỹ Bridgewater cũng lo ngại về những tác động tâm lý trước sự "đóng băng" trên các thị trường của Trung Quốc bởi ngay cả những người không bị mất tiền trong thị trường cũng vẫn bị ảnh hưởng tâm lý bởi các sự kiện, và những hiệu ứng này sẽ tác động vào hoạt động kinh tế.
Đây là một sự thay đổi đột ngột của quỹ Bridgewater bởi cho đến nay, Raymond Dalio vẫn thực sự tự hào về tiềm năng của nền kinh tế Trung Quốc.
Thậm chí, trong một lưu ý gửi cho các khách hàng trong tháng Sáu, Raymond Dalio còn tin rằng Trung Quốc đại diện cho "cơ hội" vì họ khuyến khích cải cách.
Sau khi đặt cược vào sự tăng trưởng và phát triển của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, Raymond Dalio từng cho rằng phải đẩy mạnh đầu tư nhanh chóng, nhưng hiện tại nghi ngờ về khả năng của Trung Quốc có thể duy trì sự tăng trưởng cao trong thời gian dài trong khi Chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát rất chặt chẽ thị trường nội địa.
Cùng với quỹ Bridgewater, quỹ đầu tư Kingdon Capital Management tại New York quản lý 3 tỷ USD vốn cũng đã thông báo cho khách hàng rằng quỹ đã bán toàn bộ cổ phiếu trong các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong.
Quỹ Elliott Management, quỹ Perry Capital, và Pershing Square Capital Management cũng đã công khai bày tỏ quan ngại trước việc đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Thậm chí, trong cuộc hội thảo về đầu tư tại New York vừa qua, giới đầu tư còn cho rằng tình hình tại Trung Quốc hiện nay còn xấu hơn tại Mỹ năm 2007.
Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu cắt giảm các hoạt động tại Trung Quốc. Ngày 8/7, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải tuột dốc làm bốc hơi hơn 3.000 tỷ USD của các nhà đầu tư.
Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc như xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng cho thấy nhiều điểm yếu kém, bất chấp việc cắt giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu, nhưng bài toán hiện đặt ra cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hề đơn giản.
Việc các quỹ đầu tư lớn rút khỏi thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra một làn sóng các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường này.
Để rút vốn, các nhà đầu tư phải bán cổ phiếu, mua USD, gây áp lực đổ vỡ cho thị trường chứng khoán Trung Quốc và khiến đồng USD tăng giá trên thị trường thế giới.
Số vốn rút ra khỏi Trung Quốc một phần sẽ được chuyển về "quê mẹ" của các quỹ nhưng một phần khác cũng sẽ được đa dạng đầu tư vào các thị trường khác trong đó có các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Vấn đề là các thị trường mới nổi làm sao để có thể thu hút, hấp thụ đầu tư và giảm thiểu các hoạt động thao túng cũng như các tác động tiêu cực của các quỹ đầu tư quốc tế khi vào hoạt động tại thị trường của mình./.