Khi "cơn sốt" sau kết quả đàm phán thành công dần hạ nhiệt, nhà đầu tư bắt đầu nhận ra cần chờ đợi lâu hơn những tác động từ TPP lan tỏa vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chứng khoán Đông Nam Á: Càng cứu càng giảm
- Cập nhật : 08/10/2015
(Chung khoan)
Bất chấp những kế hoạch kích thích kinh tế trị giá hàng tỷ USD, các nhà đầu tư vẫn ồ ạt rút tiền ra khỏi Đông Nam Á.
Vài tuần gần đây, Chính phủ các nước Đông Nam Á đã đẩy mạnh kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ cho thị trường chứng khoán giữa những hiệu ứng tiêu cực lan tỏa từ kinh tế Trung Quốc.Tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn không cảm thấy thuyết phục. Trong tháng 8 và tháng 9, dòng vốn chảy khỏi các thị trường Malaysia, Indonesia và Thái Lan với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu từ EPFR Global.
Chỉ trong tháng 9, các nước Đông Nam Á đã tung ra nhiều biện pháp từ bơm tiền mặt vào một quỹ chuyên mua cổ phiếu đến can thiệp mạnh tay hơn vào thị trường tiền tệ. Hôm nay (5/10), Indonesia cũng vừa tung ra một gói kích thích kinh tế mới. Thế nhưng thay vì trấn an các nhà đầu tư, những biện pháp của các NHTW lại khiến thị trường hoài nghi về hiệu quả của các gói kích thích.
Vấn đề nằm ở chỗ dường như các nước đang lặp lại những biện pháp cũ vốn không hề hiệu quả ở lần sử dụng đầu tiên.
Ví dụ, tháng trước Malaysia đã thông báo sẽ bơm 20 tỷ ringgit (tương đương 4,6 tỷ USD) cho một quỹ đầu tư nhà nước có tên ValueCap. Quỹ này sẽ mua các cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất trên TTCK Malaysia. Thủ tướng Najib Razak cũng hối thúc các tập đoàn nhà nước quay về đầu tư ở Malaysia.
Quay trở lại năm 2008, ông Najib cũng đã triển khai biện pháp tương tự. Dù đã giúp TTCK Malaysia hồi phục tạm thời sau 7 tháng lao dốc, khoản đầu tư 1 tỷ USD vẫn không thể tạo ra sự phục hồi trong dài hạn.
Nền kinh tế Malaysia vẫn đang yếu ớt với tốc độ tăng trưởng 5% trong quý II, thấp nhất kể từ năm 2013. TTCK nước này đã giảm khoảng 7,5% kể từ đầu năm đến nay, trong khi đồng ringgit giảm giá gần 30% so với USD.
Đồng thời các nhà đầu tư lo ngại rằng Chính phủ các nước châu Á sẽ không đi theo lộ trình cải cách kinh tế đã đề ra.
Cũng trong ngày hôm nay, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Bambang Brojonegoro vừa thông báo kế hoạch cung cấp các khoản vay giá rẻ cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, Indonesia đang là “nạn nhân của những lời hứa bị lãng quên”. Trong 6 tháng đầu năm 2015, vốn FDI rót vào nước này đã giảm 2% so với 1 năm trước. Tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức thấp nhất 6 năm. TTCK Indonesia giảm gần 20% kể từ đầu năm đến nay và đồng rupiah đã giảm 18% so với USD.
Để hỗ trợ đồng rupiah, tuần trước NHTW Indonesia đã thông báo sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối kỳ hạn. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư dự đoán đồng rupiah sẽ tiếp tục yếu đi.
Ở Thái Lan – quốc gia có tốc độ tăng trưởng quý II ở mức 2,8% và TTCK đã giảm gần 10% kể từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tung ra gói kích thích trị giá gần 4 tỷ USD nhắm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các biện pháp gồm cung cấp những khoản vay không tính lãi và bơm tiền mặt trực tiếp.
Mặc dù Chính phủ đương nhiệm đang háo hức đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan cảnh báo hồi đầu tháng 9 rằng ngân sách của nước này sẽ thâm hụt trầm trọng trong năm 2015.
Chắc chắn là các nước Đông Nam Á có thể tìm ra những giải pháp thay thế. Tuy nhiên, với đồng nội tệ yếu ớt và trong bối cảnh có nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong năm nay và khiến dòng vốn bị rút ra nhiều hơn, lựa chọn của các Chính phủ đã bị thu hẹp đi rất nhiều. Họ chỉ còn có thể dựa vào các công cụ có khả năng vực dậy nền kinh tế yếu ớt. Vấn đề nằm ở chỗ các chương trình kích thích khiến giá tài sản tăng lên một cách giả tạo và khiến các Chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn. Do đó chúng chỉ giúp trì hoãn những bi kịch mà thôi.
Trên thực tế, một số nhà đầu tư cho rằng họ thà chịu lỗ trong ngắn hạn còn hơn là chứng kiến các nước cố gắng kéo dài thời gian như hiện nay. Andy Seaman, CIO của quỹ Stratton Street Capital, cho rằng những cú sốc ngắn hạn thường dẫn đến cải cách hiệu quả và những cơ hội đầu tư tốt hơn.