tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thăng trầm “đất vàng” dự án 89 Láng Hạ

  • Cập nhật : 26/08/2015

(Tin kinh te)

Sau nhiều năm bất động, dự án “đất vàng” 89 Láng Hạ đã tái khởi động và hoàn tất xây thô đến tầng 24 trong tổng số 29 tầng cao.

Nằm ở vị trí đắc địa vào loại bậc nhất Hà Nội (ngã tư Thái Hà - Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng), tòa tháp cao ốc văn phòng của FPT dự kiến có chiều cao tối đa 108 m, 27 tầng nổi, 5 tầng hầm và một tầng kỹ thuật, trên diện tích khu đất hơn 2,700 m2. Tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD, khởi công năm 2009 và kế hoạch hoàn thành vào năm 2012 và trở thành trụ sở mới của CTCP Tập đoàn FPT (HOSE: FPT).

thang tram “dat vang” du an 89 lang ha

Thăng trầm “đất vàng” dự án 89 Láng Hạ


Gắn liền cùng FPT nhưng số phận dự án này rất ít được đề cập trong các báo cáo của HĐQT cũng như ban Tổng giám đốc của FPT, cùng với đó thì dự án cũng bất động trong nhiều năm liền.

Đó là câu chuyện cũ của “đất vàng” 89 Láng Hạ. Nay dự án đã tái khởi động với tiến độ nhanh hơn nhiều và hoàn tất xây thô đến tầng 24. Điểm đặc biệt, chủ dự án vẫn “cũ” nhưng phối cảnh và thiết kế tòa nhà được thay mới hoàn toàn.

FPT Land và Tháp Láng Hạ lặng lẽ “biến mất” khỏi FPT như thế nào?

Khu đất rộng 2,700 m2 tại địa chỉ 89 Láng Hạ được FPT thuê trong thời hạn 50 năm với mục đích ban đầu là xây dựng trụ sở mới của FPT.

Trụ sở tại Hà Nội của FPT hiện nay là Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là công trình được FPT xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2007.



Cuối năm 2009, FPT phát tín hiệu khởi động dự án tòa tháp thông qua việc Công ty TNHH Bất động sản FPT (FPT Land) - Công ty con của FPT và Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Meinhardt (MVN) ký kết hợp đồng tư vấn quản lý dự án phát triển Tòa nhà văn phòng FPT tại 89 Láng Hạ, Hà Nội. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án không được “xuôi chèo mát mái” như dự tính.

Đến năm 2011, HĐQT thực hiện “tái cơ cấu dự án 89 Láng Hạ” và dự án này đã được FPT chuyển nhượng cho công ty con mới thành lập trong năm là Công ty TNHH Tháp Láng Hạ. Tháp Láng Hạ do FPT nắm giữ 99.8% vốn và được HĐQT thông qua phương án góp 133.7 tỷ đồng trong năm 2011. Trong khi đó, FPT Land thì “lặng lẽ” biến mất khỏi danh sách những công ty con của FPT. Trước đó, những thông tin về hoạt động của FPT Land được công bố không khả quan, FPT đã ghi nhận khoản lỗ tới gần 20 tỷ trong năm 2008 liên quan đến lĩnh vực BĐS, những năm sau đó thông tin chi tiết về hoạt động của công ty này cũng không được công bố cụ thể.

Năm 2013, Tháp Láng Hạ tiếp tục rơi vào trường hợp của FPT Land trước đây khi không còn là công ty con của FPT trong danh sách được công bố. Điểm đặc biệt, chi phí xây dựng cơ bản dở dang trong năm 2013 ghi nhận mục giảm khác tới hơn 123 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ các năm chỉ loanh quanh hơn 30 tỷ đồng.

Cả 2 lần “biến mất” của FPT Land và Tháp Láng Hạ đều có chung đặc điểm là không hề có một thông tin nào được đưa ra về thương vụ chuyển nhượng cổ phần từ FPT. Việc “biến mất” được thực hiện hoàn toàn lặng lẽ mà ít nhà đầu tư có thể biết nếu không để ý kỹ BCTC hợp nhất hàng năm.

“Đất vàng” đang âm thầm tái khởi động

Cùng với sự rút lui của FPT, nhiều đồn đoán xuất hiện liên quan đến dự án 89 Láng Hạ, nằm ở vị trí đắc địa vào loại bậc nhất Hà Nội (ngã tư Thái Hà - Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng) đã đổi chủ.

Chủ trương này cũng đã được hé lộ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2011. Khi đó, ông Trương Đình Anh - Tổng Giám đốc FPT cho biết, FPT đã quyết định không tiếp tục đầu tư vào dự án nêu trên, thay vào đó sẽ hợp tác kinh doanh với một đơn vị khác và nhận lợi ích từ việc đầu tư. Tuy vậy, mọi chuyển động tiếp theo sau đó đều diễn ra rất lặng lẽ và đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức được công bố.

Giữa năm 2014, Tháp Láng Hạ “bất ngờ” tái xuất hiện trên thị trường với việc mua vào 9.8 triệu cp KDC của Tập đoàn Kinh Đô, tương đương 4.58% trong đợt phát hành riêng lẻ 40 triệu cp cho nhà đầu tư chiến lược. Với giá mua 44,000 đồng/cp, dự tính thời điểm bấy giờ, Tháp Láng Hạ đã bỏ ra hơn 431 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin của công ty này vẫn là một “ẩn số” với nhà đầu tư .


Khi được tái khởi động lại kể từ cuối năm 2014, báo chí khi đó bán tín bán nghi cho rằng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là đơn vị đứng sau thương vụ này. Đây là một ngân hàng khá nổi trong những năm gần đây. Trong bối cảnh tái cơ cấu và lợi nhuận đi xuống chung của ngành thì VPBank ghi nhận tăng trưởng mạnh bắt đầu từ năm 2013. Lãi ròng năm này bắt đầu cán mốc 1,000 tỷ đồng, tăng lên 1,254 tỷ đồng trong năm 2014 và tiếp tục kế hoạch vọt lên 2,500 tỷ đồng trong năm 2015.

Giữa VPBank và và Tháp Láng Hạ cũng không phải là 2 đơn vị xa lạ. Cuối năm 2014, VPBank là ngân hàng bảo trợ tài chính cho dự án Điểm thông quan nội địa Thành phố tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội (ICD Cổ Bi) với quy mô 19.2 ha được ký kết giữa Hanel và Tháp Láng Hạ.

Điểm đặc biệt, phần giới thiệu về các dự án đang triển khai của Công ty Đầu tư phát triển Công trình Du lịch (DETOURPRO) - Đơn vị có vai trò Tư vấn Thẩm tra tại dự án 89 Láng Hạ, khu đất trên được ghi rõ: “Tòa nhà Văn phòng Ngân hàng VPB cao 31 tầng, 3 tầng hầm tại 89 Làng Hạ tổng mức đầu tư 1,000 tỷ đồng”.

Cùng với đó là sơ đồ thiết kế của dự án từ năm 2012 với logo của VPBank góp phần củng cố cho những thông tin bán tín bán nghi trước đó về sự góp mặt của ngân hàng này tại “đất vàng”. Cũng theo thiết kế, ngân hàng sẽ sử dụng phần lớn diện tích của tòa nhà, riêng từ tầng 11 đến tầng 24 sẽ là khu văn phòng cho thuê.
 

Một số hình ảnh của dự án năm 2014

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục