Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong quy định cho vay bất động sản.
Sẽ siết tín dụng bất động sản
- Cập nhật : 19/02/2016
(Tin kinh te)
Nếu được thông qua, dự thảo Thông tư 36 sửa đổi đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến, sẽ hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 36 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 của thống đốc NHNN quy định về giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài.
Hạn chế cho vay kinh doanh
Theo Phòng Phân tích Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBS), dự thảo Thông tư 36 sửa đổi có những thay đổi chính ảnh hưởng đến bất động sản (BĐS), như giảm tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; tăng hệ số rủi ro của cho vay BĐS từ 150% lên 250%; tăng tỉ lệ tối đa dư nợ trên tổng huy động cho NH thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% lên 90%... VPBS nhận định những sửa đổi này sẽ siết chặt cho vay kinh doanh BĐS, chứ không ảnh hưởng đến các chương trình, chính sách cho vay mua nhà của Chính phủ.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành, cho rằng Thông tư 36 sửa đổi nếu được thông qua, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS bởi các NH sẽ hạn chế ít nhất 1/3 nguồn vốn cho vay BĐS, ảnh hưởng đến cả dự án BĐS lẫn người vay mua nhà. “Thời gian qua, do dòng vốn tín dụng tương đối rẻ đã được các NH thương mại tung ra khá nhiều, cho doanh nghiệp vay thực hiện dự án BĐS cũng như hỗ trợ tích cực cho người tiêu dùng vay mua nhà. Nếu Thông tư 36 sửa đổi được thông qua, “van” tín dụng này bị bóp lại, chắc chắn sẽ không có nhiều dự án được tung ra” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Có thể giảm sút trong ngắn hạn
Phòng Phân tích VPBS cũng cho rằng dự thảo Thông tư 36 sửa đổi nhìn chung sẽ hạn chế dòng tiền cho vay vào BĐS. Trong ngắn hạn có thể làm giảm cả cung và cầu, kiềm chế đà tăng của thị trường BĐS như thời gian qua. Tuy nhiên, động thái này là phù hợp với tình hình hiện tại. Thông tư 36 sửa đổi sẽ giúp thị trường BĐS tăng trưởng bền vững hơn, giảm thiểu rủi ro “bong bóng”.
Ông Lê Hữu Nghĩa cho biết 1-2 năm gần đây, lượng căn hộ tung ra thị trường quá nhiều, như năm 2015 lên đến 50.000-60.000 căn, trong đó phần lớn là loại cao cấp, tổng nguồn vốn cho phân khúc này rất lớn. “Nếu người dân dùng tiền của mình mua nhà để ở thì rất tốt cho thị trường BĐS. Còn nếu từ hệ thống NH cho vay, tôi cho rằng là cực kỳ rủi ro và bất ổn cho thị trường cũng như hệ thống NH” - ông Nghĩa nhận định và cho rằng thông tư này chỉ mới đưa góp ý để có thể áp dụng vào năm tới. Đây là quãng thời gian đủ để các NH điều chỉnh, cân đối nguồn vốn.
Tổng giám đốc một công ty BĐS khác cũng nhìn nhận: “Nếu áp dụng đúng thời điểm, thông tư này sẽ góp phần làm lạnh mạnh, ổn định thị trường BĐS trong dài hạn, dù trong thời gian tới, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao dịch của thị trường”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, nhận định dự thảo Thông tư 36 sửa đổi nhìn chung có một số điểm siết tín dụng BĐS, nhất là giảm tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn từ 60% xuống còn 40%. Hiệp hội sẽ sớm có những góp ý cụ thể cho thông tư. Tuy vậy, theo quan điểm của ông Châu, thị trường BĐS, nhất là tại TP HCM, trong ngắn hạn khó xảy ra “bong bóng” như những năm trước nên chưa cần siết tín dụng trong lĩnh vực này.
Tốt trong dài hạn
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho rằng tín dụng BĐS 2 năm qua tăng trưởng theo hướng tích cực và không quá nóng. Năm 2015, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng BĐS chỉ 13%-14%, chứ không phải đến 36%-37% như giai đoạn 2006-2007. Nguyên nhân là do các NH thương mại đã rút ra được bài học, quản trị tốt hơn hoạt động cho vay, cũng như thẩm định kỹ các dự án và năng lực chủ đầu tư nên khó xuất hiện “bong bóng” trở lại. Tuy nhiên, ông Minh nhận định dù chưa xảy ra “bong bóng” nhưng nếu kiểm soát tốt dòng vốn cùng nhiều hình thức quản lý khác thì chắc chắn thị trường tài chính cũng như BĐS sẽ lành mạnh và bền vững hơn trong dài hạn.
Theo Người Lao Động