Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, theo Luật Nhà ở và các quy định hiện hành, thời hạn thị thực (visa) không ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà của người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam.
Nhiều sai phạm về đất đai, đầu tư ngân sách tại Quảng Ngãi
- Cập nhật : 07/09/2015
(Tin kinh te)
Từ tháng 1/2007 đến tháng 6/2013, tỉnh Quảng Ngãi để xảy ra nhiều sai phạm liên quan công tác quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng, gây thất thoát hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước.
Trong ngày 4/9, Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra số 332/KL-TTCP về việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Quản lý đất lỏng lẽo, tiền mất tật mang
Trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; điển hình như UBND tỉnh ra Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 29/9/2003 ban hành Quy chế đầu tư xây dựng khu dân cư không phù hợp với Luật đất đai năm 2013 nhưng không hủy bỏ mà kéo dài hiệu lực thực hiện đến tháng 3/2009. Do đó, các địa phương trong tỉnh không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian dài, đặc biệt tại 12 dự án kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ .
Ngoài ra, UBND tỉnh cho cơ chế đặc cách trong việc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các hộ thuộc gia đình quân đội tại thị trấn Đức Phổ (huyện Đức Phổ) và phường Quảng Phú (TP Quảng Ngãi) là không đúng quy định, gây thất thu ngân sách hơn 10,6 tỷ đồng. Tại dự án xây dựng Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, UBND TP Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi 172.828m2 đất của 10 hộ dân, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng, thế nhưng dự án đã dừng triển khai mà các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng đất cho đến nay.
Tại Khu Công nghiệp Tịnh Phong, có 17/34 doanh nghiệp được chấp thuận địa điểm cho thuê đất, doanh nghiệp sử dụng đất không đúng quy hoạch phân khu chức năng với hơn 25ha; có 3 dự án đã hợp đồng thuê đất nhưng không triển khai và 2 dự án đã dừng hoạt động nhưng chưa xử lý thu hồi đất.
Đối với KCN Đô thị Dịch vụ VSIP - Quảng Ngãi, UBND tỉnh chưa có quyết định giao đất và chưa được bàn giao đất trên thực địa, tuy nhiên đơn vị VSIP đã tiến hành san lấp mặt bằng là không đúng quy định của Luật Đất đai. Phần diện tích đã san lấp là 84,5ha đất trồng lúa của 311 hộ nông dân, chủ đầu tư chưa lập phương án sử dụng lớp đất mặt đối với đất chuyên trồng lúa theo quy định.
Liên quan đến Khu Kinh tế Dung Quất, dự án phê duyệt đầu tư ban đầu với 10.300ha đất; đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mở rộng lên 45.332ha đất. Tuy nhiên, đến tháng 5/2014, phần diện tích mở rộng chưa được lập quy hoạch, chưa bàn giao đất để thực hiện chức năng quản lý. Mặt khác, hiện còn 10.752ha mặt nước không thể hiện trong hồ sơ quản lý.
Tại dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ do Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Quá trình xác định giá đất chưa thực hiện đúng Thông tư số 145/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính. Vì vậy, việc UBND tỉnh phê duyệt số tiền sử dụng đất gồm 267,5 tỷ đồng là không chính xác; do diện tích tăng 58ha nhưng tiền sử dụng đất lại giảm gần 290 tỷ đồng so với số tiền sử dụng đất được phê duyệt tại Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 18/8/2010 của UBND tỉnh.
Đầu tư dàn trải, lãng phí tiền ngân sách
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ một số dự án có tính cần thiết và cấp bách liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân nhưng chưa được quan tâm đúng mức; không được đầu tư kịp thời, đồng bộ. Đồng thời, có nhiều hạng mục đầu tư xây dựng dở dang và hiệu quả đầu tư mang lại thấp. Bên cạnh đó, từ năm 2008 – 2013, UBND tỉnh phê duyệt 78 dự án với tổng mức đầu tư 11.868 tỷ đồng, cho đến thời điểm thanh tra, địa phương vẫn chưa được bố trí vốn đầu tư.
Đối với dự án Lâm viên Thiến Ấn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, vào năm 2009, Ban Quản lý dự án cho Cty CP Thanh niên xung phong Quảng Ngãi tạm ứng 1,28 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng thi công; sau đó, dự án bị dừng thi công và cho đến nay vẫn chưa thu hồi lại khoản tiền này về cho ngân sách.
Tại dự án xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng đường 623 (tuyến đi từ huyện Sơn Tịnh - Sơn Tây) được phê duyệt năm 2010 với tổng kinh phí 963,6 tỷ đồng, do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Đến năm 2011, DA dừng thực hiện vì tuyến đường này đã được Bộ GTVT quyết định đưa vào đoạn đường của Quốc lộ 24B, làm lãng phí 19,5 tỷ đồng.
Cũng thuộc dự án gây lãng phí nguồn ngân sách, dự án đường (cầu) vào KCN Phổ Phong (huyện Đức Phổ) được UBND tỉnh đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho dừng thực hiện, chuyển qua giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chỉ đạo dừng triển khai khi chưa xác định được nhà đầu tư và nguồn vốn xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh vẫn tiếp tục cấp vốn và triển khai công trình vào ngày 1/1/2012, giá trị khối lượng thi công đạt hơn 54,7 tỷ đồng nhưng không mang lại hiệu quả đầu tư, trong khi cầu làm xong không thể đưa vào sử dụng, gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở thanh tra trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh hủy 2 Quyết định, bao gồm Quyết định số 112/QĐ-UBND ngày 1/6/2011 của UBND tỉnh về phê duyệt tiền sử dụng đất của dự án Khu đô thị Phú Mỹ và Quyết định số 1252/QĐ-UBND ngày 21/9/2010 của UBND tỉnh phê duyệt tiền sử dụng đất Khu dân cư Sơn Tịnh. Đề nghị địa phương truy thu 13,7 tỷ đồng tiền thất thu, thất thoát nguồn ngân sách; thu hồi nợ đọng nộp vào ngân sách tỉnh hơn 36 tỷ đồng.
Liên quan đến Kết luận số 332/KL-TTCP trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kết luận này của Thanh tra Chính phủ, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thực hiện nghiêm túc những kiến nghị nêu trong kết luận; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định. Giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, xử lý những kiến nghị về tài chính của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Hồng Long
Theo Dân Trí