Hai tháng nay, giá nhà đất nhiều quận, huyện ở TP.HCM đồng loạt lên “cơn sốt”, tăng 30-40%. Thậm chí có khu vực tăng hơn 100% bởi có tin đồn quy hoạch huyện lên quận, sáp nhập các quận thành thành phố mới.
Nha Trang trong vòng xoáy lấn, lấp biển
- Cập nhật : 17/04/2017
Trước khi xuất hiện ý tưởng lấp biển trong đồ án Quy hoạch phân khu khu vực phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng đang gây bức xúc hiện nay, đã có không ít các công trình, dự án xâm phạm vịnh Nha Trang.
Trước khi xuất hiện ý tưởng lấp biển trong đồ án Quy hoạch phân khu (tỉ lệ 1/2.000) khu vực phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng (TP.Nha Trang) đang gây bức xúc hiện nay, đã có không ít các công trình, dự án xâm phạm vịnh Nha Trang.
Thực tế bãi biển ở TP xinh đẹp này đang phải oằn lưng gánh trên mình quá nhiều dự án, che khuất tầm nhìn... Đầu tháng 6.2013, dù chưa được cấp phép nhưng chi nhánh của DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - khách sạn Mường Thanh Nha Trang, thuộc Tập đoàn Mường Thanh, ngang nhiên đào, lấp khu vực biển thuộc P.Vĩnh Hòa (TP.Nha Trang) để làm bãi tắm. Sau khi sự việc xảy ra, báo chí phản ảnh, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa mới vào cuộc và yêu cầu phía Mường Thanh dừng việc lấp biển. Đến cuối năm 2015, dư luận bức xúc trước việc dự án Nha Trang Sao đổ đất, đá làm bờ kè và lấn biển ngoài ranh giới được cấp phép tới 22.968 m2. Khi sự việc đã rồi, cơ quan chức năng mới vào cuộc, xử phạt Nha Trang Sao tổng cộng 200 triệu đồng.
Vươn ra biển là cần thiết?
Nhưng biển Nha Trang vẫn chưa yên. Hiện nay, nghĩa là chỉ khoảng hơn 1 năm kể từ khi việc lấn biển của Nha Trang Sao bị dừng lại thì ý tưởng “lấn biển” lại vừa được đưa ra tại cuộc họp của UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 13.4 vừa qua. Ý tưởng trong đồ án quy hoạch này được giới thiệu là của một chuyên gia Thụy Sĩ, do cán bộ Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia thuyết trình.
Theo đồ án, sẽ có nhiều khu vực lấn biển Nha Trang. Đáng chú ý là khu vực đầu cầu Trần Phú sẽ là công trình mang tính điểm nhấn, với nhiều tòa nhà và để làm điều đó thì lấn thêm ra biển, làm thêm cầu cảng. Khu công viên Phù Đổng - Ana Mandara sẽ tạo tổ hợp trung tâm đô thị mới có hầm để xe và hạ tầng, phía trên có hệ thống công nghệ chăm sóc sắc đẹp và các loại dịch vụ khác. Đồ án cũng nêu ý tưởng mở rộng bãi tắm bằng cách hình thành nhiều “cánh tay đòn”, tạo những doi cát từ bờ vươn ra biển...
Ngay sau khi đồ án này được công bố, rất nhiều ý kiến bức xúc của giới chuyên môn, người dân đã được đưa ra. Hầu hết các ý kiến cho rằng vịnh Nha Trang phải luôn giữ được vẻ đẹp vốn có. Tuy nhiên, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, lại cho rằng những ý tưởng trong đồ án trên là rất mới và nhiều điểm hay. Theo ông Vinh, tuy cần tính toán, nghiên cứu thêm, nhưng việc vươn ra biển bằng những doi cát, bằng công nghệ là cần thiết! Việc vươn ra biển phải đảm bảo là khu vực sinh hoạt cộng đồng, để người dân tự do, thoải mái.
Chèn ép cửa sông, vi phạm di sản
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, thẳng thắn bày tỏ: “Tôi không đồng tình việc lấn biển mà làm mất đi hình ảnh đẹp vốn có của vịnh Nha Trang. Bãi biển có hình cánh cung rất mềm mại, nếu có những “cánh tay đòn” lấn ra biển thì nhìn bãi biển cứ thò ra thụt vào, mất cảnh quan thiên nhiên”.
Còn về cụm công trình tại cầu Trần Phú, ông Lộc nói: “Một cửa sông hiền hòa đổ ra biển đang thông thoáng. Nay đã tồn tại những công trình cao tầng, nếu còn lấn biển để xây thêm thì hãy hình dung cửa sông bị chèn ép đến cỡ nào? Hơn nữa, những công trình này sẽ chắn tầm nhìn ra biển”.
Người đưa ra ý tưởng lấn biển không biết gì về lịch sử vịnh Nha Trang. Vịnh Nha Trang là thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới, là danh thắng cấp quốc gia nên các hành vi lấn biển đều vi phạm luật Di sản
Nhà thơ Giang Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Ông Bùi Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, thì khẳng định: “Càng gần cửa sông thì phải càng mở rộng chứ không ai lại tác động cho hẹp lại. Bãi biển Nha Trang được bồi cát là từ dòng sông Cái đẩy xuống, nếu lấn biển ngay tại khu cầu Trần Phú là ngay cửa sông Cái để xây dựng công trình thì lượng cát bồi đắp về biển Nha Trang sẽ bị ảnh hưởng nhiều”. Cũng theo ông Dũng, dọc bờ biển Nha Trang hiện có quá nhiều công trình làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên. “Nếu muốn xây dựng các công trình hiện đại, các loại dịch vụ thì sao không phát triển phía tây mà lại cứ thích lấn biển, đưa ra phía biển ?”, ông Dũng nói.
Nhà thơ Giang Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bức xúc: “Họ đưa ra ý tưởng lấn biển khiến tôi cảm thấy rất lo ngại vì có nguy cơ phá nát cảnh quan vịnh Nha Trang. Tôi cũng cho rằng người đưa ra ý tưởng lấn biển không biết gì về lịch sử vịnh Nha Trang. Vịnh Nha Trang là thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới, là danh thắng cấp quốc gia nên các hành vi lấn biển đều vi phạm luật Di sản”.
Nếu cứ chiều lòng nhà đầu tư, biển sẽ mất
KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá chỗ đang đề xuất lấn biển thì lúc trước là bãi biển rất đẹp, cố gắng lấn biển là không phù hợp thiết kế đô thị biển. Có một thực tế đáng tiếc là Nha Trang đang có xu hướng cao tầng hóa bãi biển, đây là giải pháp sai vì không chỉ chắn tầm nhìn, chắn gió mà còn lấy luôn cơ hội phát triển các dự án, khu đất bên trong của Nha Trang.
“Định hướng của lãnh đạo Nha Trang đang đi sai khi quy hoạch quá nhiều nhà cao tầng ở mặt biển. Cứ lấn biển, lấp biển, che chắn biển thì thành đô thị hết, đâu còn biển nữa”, ông Ngô Viết Nam Sơn nhận xét và khẳng định quan điểm cho rằng lấn biển là lấn đất miễn phí là sai lầm. Bởi khi lấn biển làm kè đá sẽ khiến khu vực lân cận, xung quanh bị “xâm lược”. Dự án có lợi nhưng hại cho xung quanh thì gây thiệt hại và không nên.
Theo ông Sơn, với một đô thị biển như Nha Trang cần tính phát triển cân đối theo cả khu vực chứ không nên chiều nhà đầu tư bám biển bằng mọi giá. Khu bãi biển toàn nhà cao tầng nhưng ở bên trong lại nghèo nàn, không phát triển đô thị được thì sẽ mất cân đối. “Nha Trang không thiếu đất làm dự án vì vậy nên mở rộng Nha Trang, mở rộng đô thị ra chứ không nên co cụm vào một chỗ. Hiện nay ở nhiều nơi xảy ra tình trạng lấn sông, lấn biển. Nếu cứ chiều lòng nhà đầu tư thì những khu lân cận sẽ bị mất đất. Ai sẽ đền cho những nơi bị mất đất?”, KTS Ngô Viết Nam Sơn đặt vấn đề.
KTS Nguyễn Văn Mạnh, một người nhiều năm nghiên cứu về thiết kế đô thị biển, lo ngại nếu cho làm khu đô thị lấn biển như vậy sẽ làm mất đi vẻ đẹp của bãi biển Nha Trang, nơi được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất thế giới. Khách du lịch khi đến Nha Trang là muốn được ra bãi biển cát dài và đẹp để đắm mình vào thiên nhiên. Nay đem bãi biển để bê tông hóa, cho nhà cao tầng mọc chi chít thì còn gì đẹp nữa.
“Nếu khách du lịch muốn thưởng thức cái hiện đại họ đâu cần đến VN làm gì, vì đất nước họ đã quá phát triển, có quá nhiều nhà cao tầng. Cho làm dự án này là giết chết biển Nha Trang, giết chết cái đẹp”, ông Mạnh bức xúc và cho rằng đất đai VN còn nhiều, không được lấn cho Nha Trang. Theo ông, chính quyền không thể chiều lòng nhà đầu tư để họ muốn làm dự án ở đâu thì làm.
Không có lý do gì cho dự án này tồn tại
KTS Nguyễn Văn Mạnh đặt vấn đề: Trước đây có một dự án cũng xin làm khu đô thị lấn biển 65 tầng ở chỗ này đã bị bác thì nay không có lý do gì cho dự án này tồn tại. Cho làm dự án lấn biển này không chỉ giết chết bãi biển dài mềm mại và đẹp, làm mất đi chỗ vui chơi giải trí của người dân mà còn vi phạm pháp luật Di sản khi mà bãi biển này là thuộc khu vực bảo tồn.
Nguyễn Chung - Đình Sơn
Theo Thanhnien.vn