Theo JLL, tỉ suất lợi nhuận cho thuê căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội hiện dao động 6-8%, thuộc diện cao nhất Đông Nam Á và hơn cả Hồng Kông.
Sốt đất TP.HCM: Thông tin ra sao, thực ảo cỡ nào?
- Cập nhật : 02/05/2017
Hai tháng nay, giá nhà đất nhiều quận, huyện ở TP.HCM đồng loạt lên “cơn sốt”, tăng 30-40%. Thậm chí có khu vực tăng hơn 100% bởi có tin đồn quy hoạch huyện lên quận, sáp nhập các quận thành thành phố mới.
Ngoài khu vực “sốt” nhất ở các khu đất trên địa bàn Q.2, Q.9, làn sóng giá lan nhanh sang các quận, huyện vùng ven như H.Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Q.12 và cả những khu vực các tỉnh ven như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), Cần Đước (Long An), Bà Rịa - Vũng Tàu...
Sốt xình xịch
Khu vực đường Nguyễn Xiển, P.Long Thạnh Mỹ (Q.9) vốn được coi là nơi hẻo lánh, nay có tin đồn cuối tháng 5 này một chủ đầu tư lớn sẽ mở bán dự án khiến giá đất ở đây lên “cơn sốt”.
Dọc đường, băngrôn rao bán đất treo dày đặc. Nhân viên môi giới “ngày đêm” phát tờ rơi rao bán nền đất dự án.
Vân Anh - nhân viên môi giới, “thổ địa” khu vực này - giới thiệu cho chúng tôi mua đất tại dự án khu dân cư ĐV, cách dự án của “ông lớn” khoảng 1km. Dự án này có khoảng 80 lô được chủ đầu tư mở bán cách đây 7 tháng, hiện đã có sổ đỏ.
Vân Anh cho biết từ sau tết, giới đầu tư các nơi đổ về xem dự án, sau đó săn tìm mua lan ra các dự án đất nền xung quanh dẫn đến “sốt giá”.
Thời điểm mở bán, các lô khu vực đường nội bộ dự án khu dân cư ĐV giá chỉ khoảng 14 triệu đồng/m2. Hiện nay giá đã được đẩy lên, giá mua “mềm” cũng lên đến 19-20 triệu đồng/m2.
Còn các lô mặt tiền giá mở bán 27 triệu đồng/m2, hiện tăng đến 34-35 triệu đồng/m2. “Bây giờ giá lên dữ lắm, nếu mua đầu tư thời điểm này, chỉ cần chủ đầu tư dự án mở bán thì rất dễ bán ra, trong vòng một tháng ăn chắc 1-1,5 giá” - cô môi giới chào mời.
Các khu vực khác trên trục đường Nguyễn Duy Trinh kéo dài từ Bình Trưng Tây (Q.2) xuống P.Trường Thạnh (Q.9) giá bán cũng được đẩy lên cao.
Tuy nhiên theo anh Hoàng Nam - nhân viên môi giới: thời điểm này toàn người đầu tư mua qua lại với nhau, còn người mua có nhu cầu ở thật rất ít.
Do giá bị đẩy lên cao nên khách hàng có nhu cầu lưỡng lự không mua, còn chủ đất cũng không chịu “xuống nước” bán giá thấp.
Ngoài ra, giá đất ở nhiều khu vực tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM cũng đồng loạt tăng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhà đất một số khu vực dọc quốc lộ 50 (H.Bình Chánh) giá tăng 20-50% so với thời điểm trước tết.
Bà Ngân - người môi giới lâu năm tại xã Đa Phước - cho biết quốc lộ 50 là con đường thứ hai về miền Tây, có thông tin xã Bình Hưng (H.Bình Chánh) sáp nhập lên quận nên giá nhà đất “ăn theo”.
Ngoài ra, thông tin mở trục đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây đang làm giá đất tăng lên khoảng hai tháng nay.
Trong tết, đất mặt tiền quốc lộ 50 đoạn chạy qua xã Phong Phú (H.Bình Chánh) giá 10-12 triệu đồng/m2, hiện nay lên 20-30 triệu/m2.
Hướng xã Đa Phước giá cũng trội lên. Bà Ngân cho biết khách hàng đang tìm căn nhà diện tích 4m x 16m, giá 1 tỉ đồng nhưng “tìm đỏ mắt không ra”, trong khi cách đây hai tháng căn nhà như vậy giá chỉ tầm 400 - 500 triệu đồng.
“Dù giá bây giờ “cò” thổi lên, nhưng những khu vực hạ tầng kết nối như quốc lộ 50 người dân vẫn mua bán nhanh” - bà Ngân nói.
Tương tự, những huyện ở xa trung tâm như Cần Giờ, Củ Chi giá cũng tăng lên bởi thông tin một số chủ đầu tư lớn sẽ nhảy vào đầu tư các dự án tại đây.
Có những khu như mặt tiền đường thị trấn Cần Thạnh (H.Cần Giờ) giá đẩy lên tới 10-12 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, một số khu đất nông nghiệp cũng ăn theo tăng giá. Nếu như trước đây giá bán chỉ 1-1,5 triệu đồng/m2, giờ đây giá được hét lên 3,5-4 triệu đồng/m2.
Thận trọng “cò đất” thổi giá
Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia bất động sản khuyến cáo người đầu tư nên thận trọng.
Ông Nguyễn Xuân Lộc - tổng giám đốc Công ty bất động sản Techcomreal - cho biết khi các chủ đầu tư lớn mua lại đất “vàng” ở các khu trung tâm, những nhà đầu tư vừa và nhỏ chuyển hướng đầu tư qua phân khúc rẻ hơn tại các khu vực Q.2, Q.9 và một số huyện.
Ngoài ra, đó còn là do có thông tin sáp nhập quận, huyện hoặc huyện lên thành quận.
Ngoài ra, việc TP đầu tư phát triển hạ tầng rất mạnh về hướng đông, nam và tây, cùng với những đề xuất thực hiện dự án của các chủ đầu tư lớn tại một số khu vực dẫn đến việc “cò đất” lợi dụng thổi giá làm nên “cơn sóng”.
Ông Lộc cảnh báo: “Người đầu tư nên chọn mua những dự án có kết nối hạ tầng, có giấy phép xây dựng, đi lại thuận lợi. Không nên giao dịch bằng giấy tay hoặc dự án chưa có kết nối hạ tầng, pháp lý không rõ ràng dễ dính bẫy giá”.
Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang - tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư bất động sản Việt An Hòa - cho hay hiện nay một số nhà môi giới “té nước theo mưa”.
Theo ông, người đầu tư không nên đầu tư nóng vội, chạy theo thông tin quy hoạch. Bởi những thông tin này để phát triển thành hiện thực phải mất 3-5 năm chứ không phải một sớm một chiều.
“Nếu vay ngân hàng để đầu tư chỉ nên vay mức dưới 50% giá trị bất động sản, tránh trường hợp khủng hoảng, lãi suất tăng 1-2% người dân sẽ chịu gánh nặng lãi suất rất lớn” - ông Quang khuyến cáo.
Có “bong bóng” bất động sản? - Không!
Trả lời câu hỏi liệu có tình trạng “bong bóng bất động sản” như những năm trước, ông Nguyễn Xuân Lộc nhận định: không.
Theo ông, thị trường bất động sản đã phát triển từ từ gần ba năm nay, chứ không phải đột ngột tăng giá.
Ngoài ra, thời điểm này toàn bộ thị trường TP.HCM đều tăng giá. So với những đợt tăng trước, đợt tăng này có thể bền vững hơn. Mức tăng giá đồng bộ nhiều khu vực, không cục bộ như trước.
Có nhiều yếu tố tích cực của thị trường hiện nay như có dòng vốn ngoại đổ vào thị trường. Ngoài ra, thay vì những thời điểm trước người dân đầu tư bằng tiền vay nhiều, nhưng hiện nay sau một thời gian thị trường “đắp chiếu”, người dân giải “cơn khát” đầu tư, bắt đầu mua bằng tiền mặt nhiều.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định khó có tình trạng “bong bóng” trên tổng thể thị trường bất động sản. Nếu có thì có thể xảy ra ở phân khúc phân lô, tách thửa hộ lẻ. Ở phân khúc này, “giá bán lại cho người tiêu dùng cuối cùng là một ẩn số khó đoán” - ông Châu nói.
Ông Nguyễn Khánh Duy (giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Việt Nam):
Giá nhà đất còn tăng
Thị trường bất động sản 2017 sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng dù có thể không còn sôi động như năm 2016.
Hiện tại nhà phố nội thành, nhất là nhà mặt tiền và nhà hẻm xe hơi, vẫn là loại sản phẩm được quan tâm. Khu vực Q.1, Q.3 với vị trí thuận tiện, đắc địa vẫn có mức mua bán ổn định.
Ngoài ra, khách hàng bắt đầu chú ý đến những sản phẩm nhà phố và biệt thự xây sẵn ở cách trung tâm TP.HCM 10-15km, nhất là vùng ven Q.2, 7, 9, H.Nhà Bè với kết nối hạ tầng giao thông tương lai tốt, không gian sống rộng rãi với nhiều mảng xanh, tiện ích và an ninh.
Người mua ở rất ít, chủ yếu mua đầu tư
Anh Nguyễn Hiệp - nhân viên môi giới một dự án trên đường Nguyễn Duy Trinh, P.Long Trường (Q.9) - cho biết từ sau tết đến nay rất nhiều người, phần lớn là giới đầu tư, tìm về khu vực này mua đất, đông nhất là hai ngày cuối tuần.
Dự án anh Hiệp đang bán có khoảng 100 lô hiện đã kín chủ, trong đó có đến 70% chủ sở hữu là nhà đầu tư.
Người dân có nhu cầu mua để ở thật rất ít. Những nhà đầu tư sau khi mua đều gửi lại cho nhân viên môi giới bán lại với mức tăng 1-1,5 giá.
TIẾN LONG
Theo Tuoitre.vn