Những khách hàng mua nhà tham gia “trục lợi” gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ không tiếp tục được vay vốn ưu đãi và hợp đồng mua bán có thể không còn giá trị. Trong khi các chủ đầu tư sẽ đối diện với nhiều hình thức xử lý.
Mượn vốn ngoại
- Cập nhật : 02/09/2015
(Tin kinh te)
Hiện, nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư tên tuổi trên toàn cầu cũng tỏ rõ sự quan tâm tới lĩnh vực BĐS tại Việt Nam khi công bố những khoản đầu tư hàng chục triệu đô la vào các công ty địa ốc Việt nhiều tiềm năng.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Nam Long cho biết, để thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong tương lai, Nam Long đã có kế hoạch liên kết với các đối tác nước ngoài để tận dụng lợi thế về tài chính sẵn có nhằm tài trợ cho các dự án đang hướng tới của công ty.
Cụ thể, để thu hút nguồn lực tập trung cho dự án Aquamarine có diện tích 35 ha tại Nam Sài Gòn với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến 2 tỷ USD, sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, Nam Long đã gửi thông tin về dự án cho các đối tác, mời gọi, trao đổi thêm để nhà đầu tư tham gia.
Và, hiện công ty đã nhận được sự quan tâm của 5 nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có 2 nhà đầu tư Nhật Bản, 2 nhà đầu tư Singapore và 1 nhà đầu tư Malaysia). Theo kế hoạch, các hợp đồng hợp tác sẽ được ký kết trong năm nay và có thể quý I/2016 sẽ hoàn tất thủ tục.
Trước đó, để phát triển hàng loạt dự án của mình, công ty này cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ về mặt tài chính cũng như vốn kiến thức kinh nghiệm, quản trị điều hành từ nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư đẳng cấp quốc tế như IFC, Goldman Sachs, ASPL, Keppel Land...
Trên thực tế, thời gian gần đây, không riêng gì Nam Long, nhiều tập đoàn, công ty BĐS lớn của Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp xu thế này và coi đó như là một phần trong chiến lược giúp DN mình phát triển nhanh, mạnh và vững chắc trong tương lai từ nguồn tài chính từ bên ngoài thông qua những động thái liên doanh hợp tác, bán lại cổ phần hoặc góp vốn trực tiếp để phát triển dự án.
Trong đó phải kể đến các thương vụ như Warburg Pincus đầu tư thêm 100 triệu USD vào Vincom Retail nâng tổng giá trị quỹ đầu tư này đang đầu tư lên 300 triệu USD, VinaCapital rót 15 triệu USD vào Tập đoàn Novaland, hay Quỹ GEM của Mỹ mới đây cũng cam kết sẽ đầu tư 20 triệu USD vào Hoàng Quân...
Cũng với chiến lược “mượn” nguồn lực bên ngoài để nhanh chóng làm chủ thị trường, trước đó CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt cũng đã có buổi gặp gỡ, làm việc với 18 quỹ đầu tư như Dragon Capital, Viet Fund Management, NT Asset Management, Vietnam Asset Management, Vietnam Holding Asset Managemen... để bàn về chiến lược đầu tư kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt nhấn mạnh, chủ trương của công ty trong giai đoạn hiện nay là đầu tư vào các dự án tạo ra dòng tiền nhanh. Phát Đạt sẽ không bán tài sản, mà tập trung phát triển dự án nên việc có thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ giúp DN sớm đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Hiện nay, xu hướng thị trường đang ngày càng hồi phục, những dự án tiềm năng sẽ tạo nhiều giá trị gia tăng cho DN và các đối tác trong tương lai.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc thu hút nguồn lực từ bên ngoài cũng là bước tính toán khôn ngoan của các chủ đầu tư trong nước. Trước hết, đây là xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình hội nhập, bên cạnh đó, việc hợp tác kinh doanh với những “người khổng lồ” ngoại quốc cũng là động thái tích cực trong việc phân tán rủi ro khi thị trường đảo chiều, cũng như không thể dựa mãi vào nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước.
Tuy nhiên, nhiều DN BĐS tại TP. HCM cho biết, với kinh nghiệm dày dạn, các nhà đầu tư ngoại hiểu rất rõ nên “rót” tiền vào đâu. Phần lớn, dòng tiền đều chảy tập trung vào một số công ty kinh doanh BĐS quy mô khá, đã khẳng định được uy tín, thương hiệu trên thị trường, hoặc vào những dự án nhiều khả năng sinh lời do đất sạch, vị trí đẹp hoặc sắp hoàn thành...
Hiện, nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư tên tuổi trên toàn cầu cũng tỏ rõ sự quan tâm tới lĩnh vực BĐS tại Việt Nam khi công bố những khoản đầu tư hàng chục triệu đô la vào các công ty địa ốc Việt nhiều tiềm năng. Trong đó, nổi lên là dòng vốn từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc)....
Nắm bắt xu hướng này, nhiều DN BĐS trong nước đã và đang chuẩn hóa mình để nắm bắt cơ hội, tận dụng nguồn vốn ngoại trong quá trình đổi mới, làm lớn mạnh bản thân.
Dự kiến, trong một vài năm tới, thị trường BĐS sẽ thực sự trở nên sôi động khi những nguồn lực khổng lồ này hiện thực hóa, đi vào tài trợ cho các dự án phát triển sau thời gian dài “ngủ đông” vừa qua.