Theo nhận định của ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cơ cấu hàng hóa có sự mất cân đối giữa phân khúc nhà ở xã hội và phân khúc cao cấp. Số lượng căn hộ chung cư có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 còn quá ít.
Giá đất tại TP.HCM 'nhảy múa' do đầu cơ
- Cập nhật : 02/04/2017
Không chỉ sốt đất tại quận trung tâm, mà những quận, huyện vùng ven TP.HCM, giá đất cũng đang “nhảy múa”, do tình trạng đầu cơ ôm đất rồi dùng “chiêu” thổi giá kiếm lời.
Loạn giá đất
Công ty Định giá Gachvang vừa đưa ra thông cáo về giá đất tại các quận trung tâm TP.HCM. Theo đó, từ các tuyến đường lớn tới các hẻm nhỏ, giá đất đã tăng đáng kể. Đơn cử, tại khu vực phường Bến Nghé (quận 1), giá đất trong hẻm là khoảng 67 triệu đồng/m2, còn những tuyến đường lớn, giá rao bán thậm chí lên đến trên 1,3 tỷ đồng/m2, trong khi năm ngoái, khu vực này có giá đất khoảng 50 triệu đồng/m2 trong hẻm và khoảng 900 triệu đồng/m2 ở mặt phố lớn.
Giá cao nhất tại quận 1 thuộc về phố đi bộ Nguyễn Huệ - một trong những tuyến phố sầm uất nhất TP.HCM, từ 1,34 - 1,37 tỷ đồng/m2. Trong khi trước đó, khu vực này khoảng 1 tỷ đồng/m2. Hay như tại đường Đồng Khởi (quận 1), hiện có giá là 816 triệu đồng/m2, trong khi đầu năm 2016, giá đất tại đây khoảng 700 triệu đồng/m2.
.
Hiện tượng này được đánh giá “lịch sử lập lại”, khi cũng tại tuyến đường Nguyễn Huệ vào năm 2009 - thời điểm thị trường bất động sản sôi động nhất, đã có giá rao bán lên tới 1,3 tỷ đồng/m2. Không chỉ loạn giá đất khu vực trung tâm Thành phố, mà các quận vùng ven cũng đang bị làm giá. Tại quận 2, khu vực đường số 6 nối vào đường Trần Não, giá đất năm 2015 là 40 triệu đồng/m2, thì nay đã được rao bán 65 triệu đồng/m2. Tại đường Song Hành (quận 2), giá đất biệt thự là hồi năm 2016 là 120 triệu/m2, nhưng hiện các sàn giao dịch bất động sản đã rao với giá 180 triệu đồng/m2.
Tại quận 9, nơi được cho là tâm điểm của thị trường đất nền TP.HCM, giá đất cũng tăng từng tuần. Ngày 15/3, trong vai người mua đất, phóng viên hỏi lô đất 200 m2 trên đường Nguyễn Duy Trinh, được chủ nhà chào bán giá 17 triệu đồng/m2, nhưng sau đó 1 tuần, quay lại hỏi mua, giá đã được đôn lên 19 triệu đồng/m2.
Anh Nguyễn Văn Tùng, ngụ tại huyện Bình Chánh cho biết, đầu tháng 3, anh tìm mua miếng đất khoảng 60 m2 để xây nhà ở trên con hẻm nhỏ nối vào đường Quốc lộ 50. Khi thỏa thuận, giá là 11 triệu đồng/m2, tuy nhiên, sau 1 tuần quay lại, chủ nhà tuyên bố giá tăng thêm 1,5 triệu đồng/m2.
Đầu cơ thổi giá
Ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty BanvietLand cho rằng, giá đất hiện nay đang bị “thổi” bởi giới đầu cơ. “Tại bảng giá đất công bố của UBND TP.HCM từ năm 2015 tới năm 2019, thì giá đất các quận, huyện đều khá thấp. Đơn cử, đơn giá đất tại đường Đồng Khởi quy định chỉ là 162 triệu đồng/m2, trong khi thực tế giao dịch là hơn 800 triệu đồng/m2. Nhu cầu về nhà ở không hề tăng đột biến, như vậy có thể thấy việc loạn giá đất hiện nay hoàn toàn do giới đầu cơ thổi giá kiếm lời, khiến người có nhu cầu mua đất ở thực chịu thiệt nhất”, ông Vũ nói.
Các chuyên gia trong lĩnh vực địa ốc cho rằng, lãnh đạo TP.HCM, Sở Xây dựng, cũng như lãnh đạo các quận, huyện cần đưa ra những biện pháp quản lý hiện tượng tăng giá này, để tránh tình trạng té nước theo mưa, đẩy giá đất vượt quá xa giá trị thực.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, quản lý giá đất hiện nay của Thành phố còn lỏng lẻo. Nhà đầu cơ mặc sức thao túng giá, người dân mua đất chạy theo tin đồn, khiến giá đất tăng tự phát.
“Thành phố cần quản lý thật chặt giá đất. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần cảnh giác trước các tin đồn lên quận, hay tin đồn phát triển hạ tầng giao thông để lựa chọn mua đất. Các cơ quan như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải phổ biến rộng rãi các thông tin quy hoạch, dự án để tránh tin đồn thất thiệt”, ông Châu nói.
Nguồn: Gia Huy/Báo Đầu tư