Tận dụng phòng, biệt thự, tòa nhà, thậm chí là cả hòn đảo trống ngắn hạn của chủ bất động sản muốn cho thuê, khách du lịch có thể hưởng mức giá rẻ hơn tới 30% so với thị trường.
Đất nền Điện Biên “sốt”, vì đâu?
- Cập nhật : 01/10/2017
Mặc dù có vị trí địa lý cách xa các trung tâm, thành phố lớn, trong khi hạ tầng giao thông, tiện ích chưa phát triển, nhưng giá đất tại TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) vẫn tăng chóng mặt trong thời gian qua.
Theo khảo sát của của phóng viên, giá đất nền tại TP. Điện Biên Phủ tăng cao, hiện trung bình từ 700 triệu đồng/lô, đến trên dưới 5 tỷ đồng/lô tùy theo vị trí, thậm chí những vị trí đắc địa như khu đồi A1 có giá lên đến 1,7 tỷ đồng mỗi mét dài mặt tiền. Nếu so sánh với 10 năm trở về trước, giá đất hiện tại đã cao hơn cả chục lần.
Không chỉ tăng về giá, giao dịch tại đây cũng diễn ra khá sôi động. Chỉ cần gõ cụm từ “mua đất nền Điện Biên” trên thanh công cụ tìm kiếm Google, chưa đầy 1 phút đã có cả triệu kết quả được hiển thị. Tuy nhiên, đối tượng rao bán vẫn là cá nhân, người môi giới tự do, gần như không có dự án nào.
Theo chia sẻ của anh Phạm Quốc Hưng, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại TP. Điện Biên Phủ cho biết, thị trường đất nền Điện Biên liên tục tăng trong 10 năm trở lại đây. Hiện tại, với những vị trí đẹp gần đồi A1 có giá 1,7 tỷ đồng một mét mặt đường, chạy dài khoảng 20m. Còn ở những khu đô thị mới có đường rộng từ 13 - 20 m, có giá dao động từ 1,7 - 2 tỷ đồng/lô.
Dù giá đất tại Điện Biên tăng mạnh, nhưng theo khảo sát của phóng viên, các dịch vụ, tiện ích như trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà nghỉ… ở Điện Biên không tăng mấy so với những năm trước. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng chỉ ở mức độ bình thường.
Lý giải về nguyên nhân giá đất tại đây tăng mạnh, anh Hưng cho biết, do lượng khách du lịch đến Điện Biên những năm gần đây có phần tăng. Hơn nữa, quỹ đất của TP. Điện Biên Phủ không còn nhiều, nên khả năng mở rộng các khu đô thị, trung tâm thương mại rất hạn chế.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Sinh, chuyên gia định giá bất động sản Điện Biên cho biết, nếu xét về mặt bằng chung, giá đất nền ở Điện Biên không quá đắt so với các tỉnh, thành khác cùng khu vực. So với thị trường đất Lào Cai, Sơn La thì cũng tương đương tầm đó, trung bình một lô đất rao bán trên dưới 1 tỷ đồng, trong ngõ đường bê tông 2 - 3 m khoảng 600 - 700 triệu đồng/ lô.
“Tôi có khảo sát giá đất một số tỉnh khác trong khu vực Tây Bắc cũng tương đương vậy, duy chỉ có tỉnh Lai Châu, giá đất rẻ hơn”, ông Sinh cho biết.
Về mức giá 1,7 tỷ đồng một mét mặt đường tại tuyến đường 279, Võ Nguyên Giáp, gần Đồi A1 (TP. Điện Biên Phủ), ông Sinh cho rằng, vì đây là những vị trí có lợi thế về thương mại và Điện Biên không có nhiều tuyến đường thuận lợi như vậy. Tuy nhiên, theo ông Sinh, mức giá 1,7 tỷ đồng một mét dài mặt đường là mức giá cao kỷ lục tại Điện Biên.
“Những người có điều kiện kinh tế và nhu cầu làm thương mại họ sẵn sàng mua và chấp nhận giá chênh so với giá thị trường”, ông Sinh đánh giá.
Một yếu tố nữa khiến giá đất Điện Biên tăng cao, theo ông Sinh, còn do quỹ đất ở của Điện Biên bị hạn chế, chủ yếu là đất rừng, đất lúa chiếm ưu thế. Người dân ở các huyện, khi tích lũy đủ về kinh tế, thường có nhu cầu cuộc sống tốt, hơn nên tập trung về thành phố và sẵn sàng mua với giá cao. Ông Sinh thông tin, một gia đình ở huyện Tuần Giáo mới đây cũng mua một lô ở đường Võ Nguyên Giáp với giá khoảng 1,5 tỷ đồng một mét mặt đường. Đây chủ yếu là nhu cầu mua ở thật.
“Cũng có số ít mua đầu tư, nhưng chủ yếu là truyền thống, tức là người dân có điều kiện thì mua 2-3 lô rồi đợi được giá thì bán, chứ không có doanh nghiệp bất động sản hay những nhóm người tham gia đẩy giá lên. Điều này thể hiện ở việc Điện Biên hiện nay chỉ có một công ty môi giới bất động sản chính thống là An Hòa Phát và một số người làm môi giới tự do”, ông Sinh khẳng định.
Theo Đầu tư Bất động sản