Bất động sản ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đã và đang quay cuồng trong “cơn sốt” giá bất chấp cảnh báo của các cơ quan chức năng. Theo một số chuyên gia kinh tế, việc các nhà đầu tư lao vào 3 đặc khu này để săn đất đón đầu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.
Vỡ mộng khi bán đất cho Trung Quốc
- Cập nhật : 05/10/2017
Nhiều dự án bất động sản tại Úc đang trong cảnh mốc meo khi chủ đầu tư Trung Quốc thiếu vốn và bỏ của chạy lấy người.
Từng được kỳ vọng sẽ trở thành chuẩn mực mới cho các khách sạn và căn hộ cao cấp tại thành phố Sydney đắt đỏ, dự án One Sydney đến giờ vẫn chưa thành hình vì thiếu vốn trầm trọng.
Quần thể dự án trị giá hàng tỉ USD gồm hai tòa tháp chọc trời này đang thuộc sở hữu của Dalian Wanda Group, một tập đoàn kinh tế hùng mạnh của Trung Quốc.
Trùm mền vì thiếu vốn
Việc xây dựng tại One Sydney vẫn đang được tiến hành, nhưng theo kiểu rùa bò, tới đâu hay tới đó, đài ABC cho biết.
Dẫu sao, nó vẫn còn may mắn hơn nhiều chổ khác. Lóa mắt trước cái giá mà nhà đầu tư Trung Quốc đưa ra lúc đầu, nhiều dự án bất động sản khác ở Úc đang trong tình cảnh trùm mền vì thiếu vốn.
Năm 2016, các doanh nghiệp phát triển bất động sản Trung Quốc nắm giữ tới hơn 38% dự án ở Úc. Tỉ lệ cao như vậy có phần từ sự khuyến khích của chính phủ Úc và giá đất rẻ. Một báo cáo hồi tháng 3 năm nay cho thấy giá nhà đất tại các thành phố lớn nhất của Úc luôn thấp hơn giá tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
"Các công ty xây dựng Trung Quốc, những đơn vị đã bỏ ra giá cao cho các bất động sản ở Úc, giờ đang vật lộn để tìm nguồn vốn để hoàn tất các dự án. Thực tế, họ đang bỏ chạy khỏi các dự án lớn, bỏ luôn cả các khoản tiền cọc đáng kể", ông Tim Murray - một nhà phân tích thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn đầu tư J Capital, nói với đài ABC.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi bởi một chỉ thị từ chính quyền Bắc Kinh. Lo sợ cho ổn định đồng nhân dân tệ và thị trường tài chính trong nước, chính quyền Trung Quốc đã kiểm soát dòng tiền đầu tư ra nước ngoài.
Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc vẫn khuyến khích các khoản đầu tư vào những lĩnh vực khai thác khoáng sản, nông nghiệp và công nghệ của doanh nghiệp nước này ở nước ngoài.
Và đó cũng gần như là tất cả những gì được phép. Đầu tư vào những dự án bất động sản như khách sạn, căn hộ cũng như thể thao (mua bán các đội bóng) và điện ảnh bị liệt vào danh sách cấm.
Dalian Wanda của tỉ phú Vương Kiện Lâm là một trong nhiều công ty đang nằm trong diện giám sát đặc biệt của Trung Quốc. Vậy nên, có thể hiểu tương lai của One Sydney cũng đang nằm trên bàn cân.
Và nhiều dự án khác cũng đang trong tình cảnh tương tự. Tiến độ xây dựng nhanh hay chậm, giờ phần lớn phụ thuộc vào tín hiệu từ Bắc Kinh.
Sự thống trị của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc tại Úc đã dẫn tới các cuộc biểu tình khi lợi ích từ những dự án trên đất Úc không thuộc về người dân Úc - Ảnh: Đại học Sydney
Sẽ còn hạn chế nữa
Cách đây vài tháng, Country Garden, một tập đoàn phát triển bất động sản của Hong Kong, đã chi 400 triệu USD cho một mảnh đất ở ngoại ô thành phố Melbourne. Và người ta không chắc sẽ thấy được căn đầu tiên trong số 4.000 căn hộ sẽ xuất hiện ở đây sớm với tình cảnh hiện tại.
Về lý thuyết, nếu nhà đầu tư Trung Quốc, bằng cách nào đó, huy động được vốn hay bán hết các căn hộ cho khách hàng trước khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp đó không phải lo về chuyện thiếu vốn ở thời điểm hiện tại.
Bởi vì nỗi lo sau đó sẽ chuyển sang cho người mua khi dự án mà họ đã đổ tiền vào sẽ trong cảnh mốc meo nếu đội vốn và không thể tìm ra nguồn cấp mới.
Các ngân hàng ở Úc có thể là cứu cánh cho những dự án như vậy, nhưng với điều kiện 100% khách hàng của dự án là công dân Úc.
Thực tế, theo chuyên gia David Chin, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm các khoản vốn ngoài ngân hàng ở Úc vì không đáp ứng được điều kiện nói trên.
Chính phủ Úc khuyến khích các nhà đầu tư và phát triển bất động sản Trung Quốc với niềm tin rằng những dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần thay đổi cảnh quan, tạo thêm nhiều không gian sống và đem lại lợi ích cho người dân Úc.
Tuy nhiên, nhiều dự án từ trước khi hoàn thành đã được bán cho các cá nhân nước ngoài và tỉ lệ này thường hơn 50%.
Theo các chuyên gia phân tích rủi ro, khả năng lệnh hạn chế đầu tư bất động sản sẽ còn tiếp tục sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp khai mạc trong vài ngày tới.
Dẫu vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ không trốn chạy khỏi thị trường bất động sản Úc hoàn toàn. Họ có thể đổ các khoản tiền nhỏ, không cần vay của ngân hàng Trung Quốc vào các dự án nhỏ hơn, ở những nơi ít đắt đỏ hơn như Cairns hoặc Perth.
Lệnh hạn chế đầu tư bất động sản nước ngoài của chính phủ Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn tại Úc mà còn nhiều nước khác. Mặc dù vậy, vẫn sẽ có một số ngoại lệ, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp do công ty Trung Quốc khởi xướng.
Một báo cáo của Reuters cho thấy các hoạt động M&A của doanh nghiệp Trung Quốc diễn ra tấp nập tại 68 nước nằm trong sáng kiến Vành đai-Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy. Điều đó cho thấy chúng đã nhận được cái gật đầu và sự ưu ái của chính quyền Bắc Kinh.
DUY LINH
Theo Tuoitre.vn