Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá và thị trường vàng trong nước đã tăng vượt ngưỡng 35 triệu đồng/lượng có thể sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường bất động sản.
Vỡ tín dụng: Sợ nhất khi ngân hàng dùng vốn huy động đầu tư vào BĐS
- Cập nhật : 24/03/2016
(Bat dong san)
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hiệp Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Bất Động sản Toàn Cầu tại hội thảo "Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường BĐS 2016" được Báo Lao động tổ chức sáng nay (23/3).
Theo ông Hiệp, hiện nay nguồn vốn để phát triển dự án Bất động sản thương mại nằm ở 3 nguồn chính: Nguồn vốn của chính các Doanh nghiệp Bất động sản – Chủ dự án, nguồn vốn ứng trước của khách hàng và nguồn vốn tín dụng ngân hàng
Xét nguồn thứ nhất, ông Nghĩa cho rằng nguồn vốn này mang tính danh nghĩa nhiều hơn. Nguyên nhân là theo các quy định hiện hành vốn tự có có doanh nghiệp tối thiểu 20% vốn/Tổng mức đầu tư. Hiện nay phần vốn này thường sử dụng cho việc giải phóng mặt bằng hoặc nộp tiền đất và các công việc chuần bị đầu tư khác. Số vốn này chỉ đóng vai trò khởi động ban đầu.
Nguồn vốn thứ hai là tiền ứng trước của khách hàng, ông Hiệp cho rằng đây là một nguồn vốn khá lớn về mặt giá trị và có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các dự án Bất động sản. Tuy nhiên, Luật kinh doanh BĐS 2015 quy định nhà hình thành trong tương lai chỉ được phép thanh toán tối đa đến 70%. Như vậy, nếu trông chờ vào nguồn vốn này rất nguy hiểm vì 2 khó khăn dễ xảy ra: Nhà không bán được và tiền khách hàng trả trước không đủ chi.
"Như vậy rõ ràng đối với phần lớn các dự án Bất động sản thương mại, nguồn vốn phải trông cậy là nguồn tín dụng từ ngân hàng. Tuy nhiên gần đây NHNN có đưa ra dự thảo thông tư 36 về vấn đề nâng cao hệ số rủi ro từ 150% lên 250% và cắt giảm việc sử dụng vốn ngắn hạn vào dự án trung hạn, dài hạn từ 60% xuống còn 40%. Theo tôi, cách làm này có lẽ chưa thật hợp lý", ông Hiệp khẳng định.
Cũng theo ông Hiệp: "Có thể nói việc theo dõi sức khỏe tín dụng của Ngân hàng hết sức cần thiết và quan trong nhưng có thể nên bằng biện pháp khác chứ không phải bằng thông tư 36 hỏi ý kiến cả xã hội như cách làm hiện nay dễ gây ra những tâm lý lo lắng ảnh hưởng tới sự phát triển chung của ngành kinh doanh sản xuất".
"Chúng tôi cho rằng nếu tín dụng của chúng ta làm rạch ròi để phục vụ Doanh nghiệp và người tiêu dùng thuần túy đồng thời có những tiêu chí truyền thống về tiêu chuẩn an toàn để được cấp tín dụng thì chắc chắn sẽ chẳng phải lo lắng gì, có nghĩa là người mua nhà chỉ được vay tối đa 70% giá trị hợp đồng và dùng chính căn nhà đã trả một phần tiền của mình để thế chấp thì gần như rất ít khả năng rủi ro xảy ra, tuy nhiên ở Việt Nam chúng ta cái cần quan tâm cảnh giác để tránh nguy cơ tín dụng bị vỡ thì lại là khía cạnh khác", ông Hiệp cho biết.
Ông Hiệp dẫn chứng, thứ nhất, cần rạch ròi và kiểm soát chặt chẽ hoặc thậm chí không nên cho phép tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng thương mại và chủ đầu tư dự án Bất động sản. Đây là nguy cơ dễ xảy ra tình trạng vỡ tín dụng nhất một khi ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn huy động để đầu tư vào Bất động sản, nếu Bất động sản trầm lắng hoặc khủng hoảng thì số vốn của ngân hàng đó đổ vào dự án sẽ mắc kẹt gây vỡ trận ngay.
Thứ 2, ngân hàng Nhà nước cần kiểm tra chặt chẽ việc cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với các chủ đầu tư dự án làm sao phải thật đảm bảo an toàn. Mỗi ngân hàng thương mại cần xác định tiêu chí cho vay của mình đối với Doanh nghiệp Bất động sản.
Cuối cùng, ông Hiệp kiến nghị: "Xét về toàn cục thị trường và đặc biệt quyền lợi của người tiêu dùng – người mua nhà, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại định hướng mục tiêu của thông tư 36 để làm sao vẫn hạn chế được rủi ro của “bong bóng” Bất động sản nếu có, nhưng lại không làm ảnh hưởng tới quyền lợi thiết thực của người dân".