Chứng khoán khó lường; vàng, ngoại tệ ít có cơ hội chốt lời; tiền ảo chưa chính thống là lý do khiến nhà đầu tư đổ tiền ồ ạt vào đất.
Thị trường bất động sản năm 2018: Bảy vấn đề tiềm ẩn
- Cập nhật : 13/01/2018
Năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) phát triển có nhiều tín hiệu tích cực, tình trạng sốt đất chỉ xảy ra ở một số địa phương, giá cả ổn định, giá trị tồn kho giảm đáng kể, còn hơn 25.000 tỷ đồng, vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng cao, số lượng doanh nghiệp BĐS được thành lập nhiều nhất trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn còn nhiều tiềm ẩn nhân tố tạo ra bất ổn.
Tại một cuộc hội thảo về kinh tế, bà Vũ Thị Đào, Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính), đánh giá những hạn chế, tiêu cực của năm 2017 sẽ tiềm ẩn nhân tố có khả năng tạo ra bất ổn trong cho thị trường BĐS năm 2018, nếu không được khắc phục.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Thứ nhất, thị trường đang có dấu hiệu lệch pha cung – cầu trong đó đang thiếu nguồn cung giá rẻ, nhà ở xã hội, trong khi đây là phân khúc có nhu cầu lớn nhất, chiếm tới 80% nhu cầu trên thị trường. Nguồn vốn tín dụng lại đang đổ vào sản phẩm BĐS cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu dư nguồn cung.
Thứ hai, thị trường trong năm 2017 đối mặt vấn đề nhiễu loạn thông tin về quy hoạch, khiến tình trạng sốt ảo đất nền vẫn xảy ra tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Vân Đồn (Quảng Ninh), Đông Anh (Hà Nội). Nguyên nhân là do “cò” đất đẩy giá và các cơ quan chức năng chưa kịp thời định hướng dư luận để xử lý hiệu quả những tin đồn không chính thống.
Thứ ba, thị trường BĐS nghỉ dưỡng bùng nổ hàng loạt các dự án và các sản phẩm đa dạng như ở Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng… đang tiếp tục thống lĩnh nguồn cung condotel, trong khi đó tính pháp lý chưa rõ ràng, dẫn đến những tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.
Thứ tư, nhiều dự án lớn gây chấn động thị trường bất động sản với hàng loạt các sai phạm như Mường Thanh, Alibaba.
Thứ năm, tranh chấp bùng phát trên thị trường địa ốc. Cuối năm 2017, thị trường chứng kiến làn sóng bùng phát tranh chấp tại các khu chung cư. Riêng TP. Hồ Chí Minh có hơn 900 chung cư cao tầng thì đã có đến trên 100 chung cư đang diễn ra tranh chấp, còn tại Hà Nội số vụ cư dân xuống đường căng băng rôn phản đối chủ đầu tư tương đối nhiều.
Thứ sáu, dòng vốn FDI ồ ạt đổ vào BĐS dẫn đến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập và thâu tóm (M&A) các dự án lớn tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài, như Capitaland (Singapore) mua lại một dự án ở quận 4, TP. Hồ Chí Minh với giá trị 177 triệu USD; Keppel Land (Singapore) thâu tóm hai lô đất tại khu vực Nam Sài Gòn và quận 9…
Thứ bảy, quá tải hạ tầng do cao ốc mọc lên như nấm khiến cuộc sống của người dân tại các khu đô thị lớn bí bách. Thêm nữa, khách sạn, chung cư mọc lên dày đặc chỉ trong vài năm trở lại đây, khiến các thành phố này trở thành một đại công trường. Do đó, hiện nay bài toán quy hoạch vẫn rất cần lời giải.
Nói về các nhân tố tác động đến thị trường BĐS năm 2018, bà Vũ Thị Đào phân tích, GDP năm 2017 đạt 6,81%, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 19%, nguồn vốn nước ngoài và tỷ trọng giải ngân FDI đều tập trung vào quý IV/2017 nên sẽ có tác động tích cực, lan toả ngay từ đầu năm 2018.
Các nhân tố tác động
Mới đây, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 từ 6,5-6,7%, sự chuyển động tích cực của các cơ quan nhà nước theo phương châm mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường BĐS năm 2018.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng từ nay đến năm 2020, Nhà nước sẽ ban hành nhiều quy phạm pháp luật mới, dự kiến ngay trong năm 2018 có thể trình Quốc hội xem xét các nhóm dự luật liên quan đến thị trường BĐS như: “Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai”, “Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị”…
Thêm nữa, Nhà nước sẽ sử dụng công cụ về thuế đánh vào người có nhiều nhà, thuế BĐS và công cụ về tín dụng như lộ trình hạn chế tín dụng vào BĐS theo Thông tư số 06/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dẫn đến lo ngại sự phát triển nóng của nền kinh tế, có thể làm cho cơn sốt BĐS quay trở lại.
Xu hướng M&A dự án sẽ phát triển mạnh hơn trước đây và việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có một phần không nhỏ dành cho BĐS cũng sẽ tác động tới thị trường BĐS.
Trong mấy năm trở lại đây, số doanh nghiệp BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán đã tăng từ 11 lên 57; số doanh nghiệp BĐS thành lập mới tăng mạnh, cùng với đó là số lượng dự án xếp hàng thi công và chờ cấp phép rất nhiều, do đó dự đoán trong năm 2018 thị trường BĐS sẽ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
“Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường BĐS trong thời gian tới cũng sẽ tác động lớn đến sự phát triển của thị trường BĐS”, bà Vũ Thị Đào khẳng định.
Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn