Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, cơ chế tỷ giá thiếu linh hoạt, tăng trưởng nóng thị trường bất động sản,... là những yếu tố đang đe dọa đến sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.
“Bong bóng” địa ốc lặp lại: Chưa đáng lo?
- Cập nhật : 03/10/2015
(Bat dong san)
Các chuyên gia cho rằng, bất động sản hiện không đáng lo ngại về tình trạng trên bởi giá chỉ mới tăng nhẹ, thị trường phát triển ổn định, nhu cầu của người mua là có thật.
Trong phiên thảo luận diễn ra tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu 2015 sáng 30/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, Việt Nam chắc chắn sẽ “mở cửa” thị trường bất động sản theo hướng mọi người, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, được quyền mua và bán bất động sản.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, Việt Nam đã từng bị ảnh hưởng bởi “bong bóng” bất động sản. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cần cảnh giác để tình trạng này không lặp lại.
Nhìn nhận về khả năng để xảy ra bong bóng địa ốc, đại diện Bộ Xây dựng, ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, thị trường hiện nay đang tăng trưởng một cách đều đặn, lượng giao dịch tuy tăng mạnh nhưng nguồn cung lớn đủ đáp ứng nhu cầu đa dạng. Giá bất động sản hiện cũng được giữ ổn định.
“Những năm 2007 - 2010, giá bất động sản tăng chóng mặt, lượng cung ít trong khi cầu lớn nên dẫn tới bong bóng. Còn thời điểm hiện tại, bong bóng chỉ có thể xảy ra nếu thị trường tăng nóng, giá tăng liên tục…”, ông Phấn nhìn nhận.
Mặc dù có những ý kiến phủ nhận khả năng lặp lại tình trạng bong bóng bất động sản, nhưng cảnh giác vẫn không thừa.
Felix Lai, Giám đốc đầu tư của Gaw Capital Partners cho rằng, vấn đề quan trọng để nhận biết thị trường có đang trong tình trạng bong bóng hay không chính là khâu thẩm định giá. Theo ông này, bất động sản hiện cũng khó rơi vào trạng thái bị thổi phồng quá mức bởi thị trường mới chỉ ấm lên trong thời gian ngắn.
“Vào những năm thị trường sốt nóng, khi tôi đến quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên tại đây đã hỏi ý kiến tôi có nên đầu tư hay không. Tuy nhiên, việc này chỉ được lặp lại trong 6 tháng vừa qua, khi chính anh này lại hỏi tôi có nên đầu tư vào các dự án tại TPHCM không?”, ông nói.
Còn theo ông Cheong Ho Kuan, Giám đốc điều hành của Gamuda Land cũng cho rằng bất động sản hiện không đáng lo ngại về tình trạng trên bởi giá chỉ mới tăng nhẹ, thị trường phát triển ổn định, nhu cầu của người mua là có thật. Ông cũng cho rằng đây là thời điểm nên đầu tư vào thị trường.
Theo báo cáo mới công bố cách đây vài hôm, CBRE cho biết, trong quý III/2015 thị trường Hà Nội ghi nhận khoảng 9.160 căn hộ, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá nhà thứ cấp bình quân trên thị trường tăng mạnh tới 1,4% theo USD, 7% theo VNĐ. Các dự án mới và đang xây thường có mức tăng giá cao hơn so với các dự án đã hoàn thiện trước đó.
Dù giá nhà và nguồn cung đều tăng mạnh, ông Richard Leech - Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam vẫn cho rằng, chưa có dấu hiệu đáng lo cho việc tái hiện một bong bóng bất động sản ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
"Thời điểm này chúng tôi nhận thấy thị trường tương đối khác so với trước đây. Người mua trước là giới đầu cơ, không nắm rõ về sản phẩm, đầu tư để lướt sóng, bán lại ngay. Còn hiện tại, người mua chủ yếu do nhu cầu ở thực, tiếp tới là mua để cho thuê và đầu tư”, Richard Leech nói.
Theo vị này, hiện tại, khi phát triển đầu tư một dự án, chủ đầu tư nghiên cứu khá kỹ nhu cầu thực sự của thị trường và xác định rõ phân khúc đầu tư phù hợp với từng vị trí. Trong khi đó, môi trường vĩ mô cũng đã thay đổi, mặt bằng giá ổn định, lạm phát thấp, lãi suất hỗ trợ cho người mua nhà.