9 tháng đầu năm 2015, thị trường bất động sản đón nhận hàng loạt các dự án mới, nhiều ý kiến lo ngại lượng cung "khủng" này sẽ khiến thị trường "bội thực" và bong bóng bất động sản đang quay trở lại.
Bất động sản Phú Quốc đến thời bứt phá?
- Cập nhật : 15/01/2016
(Bat dong san)
Mục tiêu đến năm 2020 Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế đặc biệt, giai đoạn hiện nay là thời cơ mới cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại đảo Ngọc.
Năm 2004 Phú Quốc đã được quy hoạch xây dựng là mục tiêu thành trung tâm du lịch, và là lĩnh vực trọng tâm phát triển kinh tế đảo Phú Quốc. Nằm ở phía Tây Nam đất nước, nằm trong vịnh Thái Lan có điều kiện thời tiết ổn định, vị trí chiến lược chỉ cách các TP lớn trong khu vực khoảng 1 tới 2 giờ bay,…Phú Quốc đang có điều kiện lý tưởng để trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ.
Tại Hội nghị “Phú Quốc Meeting 2016” do Hiệp hội BĐS du lịch Việt Nam tổ chức ngày 15/1/2016, đại diện chính quyền địa phương cũng như nhiều diễn giả tại hội nghị đã chỉ ra nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển Phú Quốc, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Theo đó, Phú Quốc đang có tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế khá cao. Lãnh đạo huyện Phú Quốc cho biết tăng trưởng bình quân khoảng 27,5%, năm 2015 tăng trưởng tới 32,6%. GDP bình quần đầu người đạt khoảng 5.469 USD. Các lĩnh vực du lịch, thủy sản, nông nghiệp…đều tăng trưởng cao.
Khách du lịch đến Phú Quốc bình quân tăng 13%, năm qua khách quốc tế đến Phú Quốc đạt 150.000 lượt. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 16.000 tỉ đồng, gấp gần 5 lần so với năm 2010.
Sau 5 năm khởi động thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng, đến nay Phú Quốc đã hoàn thành nhiều công trình hạ tầng lớn với số vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng như sân bay quốc tế Phú Quốc, tuyến đường ven đảo, tuyến cáp điện quốc gia, một số dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao đã đi vào hoạt động như Vinpearl của tập đoàn Vingroup, Novotel Resort & Hotel của CEO Group…
Đến nay Phú Quốc đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư, trở thành đại công trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Đến nay đã có 230 dự án đăng ký đầu tư vào hòn đảo này. Trong đó, có 164 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên tới 183 nghìn tỉ đồng (tương đương khoảng hơn 8 tỉ USD).
Có 24 dự án đã đi vào hoạt động chiếm tổng diện tích khoảng 1.280ha đất, tổng vốn đầu tư khoảng 25.830 tỉ đồng; Có 23 dự án đang triển khai xây dựng với tổng quỹ đất 1.752ha, tổng vốn đầu tư 25.371 tỉ đồng
Theo lãnh đạo huyện Phú Quốc cho biết, với mục tiêu quy hoạch Phú Quốc đến 2020 tầm nhìn 2030 Phú Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, đặc biệt là giai đoạn 5 tới sẽ là giai đoạn tăng tốc và bức phá của Phú Quốc. Đến 2020 Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế đặc biệt.
Phú Quốc sẽ tập trung vào 3 mục tiêu trọng tâm đó là: Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Đầu tư kết cấu hạ tầng, xử lý rác, nước thải; Xây dựng Phú Quốc xanh, sạch và đẹp.
Đây chính là cơ hội cho ngành du lịch Phú Quốc nói chung và các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng.
Tuy nhiên theo một số nhà đầu tư, việc đầu tư vào BĐS du lịch nghỉ dưỡng còn có nhiều rủi ro như rủi ro về tình hình kinh tế, rủi ro về nguồn nhân lực, cạnh tranh, cơ sở hạ tầng…Do đó, nhà đầu tư kiến nghị chính quyền địa phương nên xem Nhà đầu tư là đối tác, cùng hợp tác “Công –Tư phát triển thay cho cơ chế xin-cho; Làm rõ và minh bạch các quy hoạch, chính sách và ưu đãi đầu tư; Cần có giải pháp xác định giá đất và các vấn đề GPMB,….