Nhận định về thực trạng thị trường, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, năm 2016, thị trường vẫn chuyển biến tích cực với các dấu hiệu đáng chú ý như: tổng dư nợ tín dụng bất động sản năm 2015 lên đến 342.000 tỷ đồng, trong đó phân khúc nhà ở chiếm đến 39%; lượng tồn kho giảm mạnh trên từng phân khúc, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.
2015- IPO và thâu tóm “đất vàng”: Ông lớn mạnh tay (kỳ 1)
- Cập nhật : 08/12/2015
(Bat dong san)
Tham gia đấu giá IPO cổ phần DNNN, thâu tóm công ty yếu kém là cách nhanh nhất để các “ông lớn” địa ốc gia tăng quỹ đất.
Năm 2015 thị trường BĐS khởi sắc, cùng với đó là con “sóng ngầm” M&A diễn ra mạnh mẽ. Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải thoái vốn ngoài ngành là cơ hội để các nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp thâu tóm, sở hữu những khu “đất vàng” trung tâm thành phố.
Có nhiều cách để thâu tóm đất vàng, trong đó IPO và mua lại cổ phần các công ty yếu kém đang là cách nhanh nhất và thịnh hành để các ông lớn gia tăng quỹ đất.
Nổi bật đó là Vingroup, Novaland, tập đoàn BRG, FLC Group, TNG Holdings, Tân Hoàng Minh…đều là những nhà phát triển lớn trên thị trường. Gần đây, thị trường xuất hiện thêm một vài công ty khác như Hưng Thịnh, Văn Phú, Hải Phát, Khang Điền, An Gia, Đất Xanh,…
Có nhiều cách để các “ông lớn” địa ốc gia tăng quỹ đất, nhưng phổ biến là tham gia IPO ở các DNNN và mua lại cổ phần chi phối ở các công ty tiềm lực yếu. Chủ yếu là quỹ đất trong trung tâm, vị trí chiến lược ở Sài Gòn và Hà Nội.
Cuối năm 2014, giới đầu tư khá bất ngờ khi đợt IPO của Vinatex có tới 2 “ông lớn” địa ốc là cổ đông chiến lược đó là Vingroup sở hữu 10% và VID Group (nay là TNG Holdings) sở hữu 14%. Sau IPO, cổ đông nhà nước tại Vinatex chỉ còn lại 51% và các cổ đông khác. Theo định hướng chiến lược kinh doanh của Vinatex sau IPO là đa ngành và đa sở hữu lấy dệt may làm cốt lõi.
Như vậy, có thể thấy sự xuất hiện cổ đông chiến lược là những tập đoàn BĐS lớn cùng việc định hướng kinh doanh đa ngành, rất có thể BĐS cũng là lĩnh vực được Vinatex quan tâm. Bởi theo phương án cổ phần hóa thì tập đoàn nay được phép sử dụng 100% tiền chuyển mục đích sử dụng đất tại một số đơn vị để tăng vốn chủ sở hữu. Hiện Vinatex đang quản lý khá nhiều khu đất vàng nội đô như 25 Bà Triệu, 27 Bà Triệu, 32 Tràng Tiền, 41A Lý Thái Tổ.
Gần đây, Vingroup cũng đã tham gia khá nhiều vào các đợt IPO lớn, cũng như mua lại nhiều công ty BĐS có quỹ đất đẹp. Đơn cử là nhà đầu tư chiến lược tại Công ty TNHH Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) với tỷ 80%, mua lại công ty BĐS Hồng Ngân đang sở hữu dự án Thành phố Xanh (Mỹ Đình 1) hơn 17ha, tăng tỷ lệ tại Xavinco-công ty được lập để phát triển “siêu đô thị” 11ha tại 233-233B Nguyễn Trãi. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Vingroup, tính đến 31/3/2015 Vingroup có tỷ lệ lợi ích tại Xavinco là 96,42%.
Động thái mới ở “Dự án vành khăn” của Ocean Group
Vingroup đầu tư Tổ hợp “siêu đô thị” ở khu Cao - Xà - Lá
Trong năm qua, Vingroup đã mua lại một loạt dự án như công ty BĐS Blue Star (công ty được tách từ Công ty cổ phần đầu tư Đại Dương Thăng Long-công ty con của Ocean Group) để sở hữu dự án StarCity Centre, một khu đất vàng 5ha tại nút giao Khuất Duy Tiến-Trần Duy Hưng (Hà Nội); hay gần đây sở hữu hơn 67% chủ dự án KĐT 32ha tại Mễ Trì,…
Bên cạnh Vingroup, rất nhiều ông lớn khác cũng đang tận dụng cơ hội trong năm 2015 để gia tăng quỹ đất. Đáng chú ý là tập đoàn BRG, thông qua các công ty thành viên, tập đoàn này đã gom khá nhiều quỹ đất vàng ở Hà Nội và Tp.HCM qua các đợt IPO.
Thâu tóm BĐS, tài sản của bà chủ tập đoàn BRG “phình to” cỡ nào?
Có thể kể tới như thương vụ nắm 27% tại Thăng Long GTC, công ty đang tham gia đầu tư dự án Times Square Hanoi cùng với VinaCapital, và nắm giữ cổ phần lớn ở một loạt khách sạn như Pan Horizon Hotel, InterContinental Hanoi Westlake, Hilton Hanoi Opera Hotel;
Mới đây là thương vụ thâu tóm 46% tại công ty Intimex sau IPO, công ty được cho là đang quản lý quỹ đất lớn với tổng số trên 2,5 triệu m2 đất; BRG còn là cổ đông chiến lược nắm 43% tại Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam – đang quản lý 2 khách sạn 4 sao (Palace, Grand), 2 khách sạn 3 sao, 3 khách sạn 2 sao và 1 khu căn hộ cao cấp) sau đợt IPO vừa qua; Và mới đây là In Trần Phú với một loạt khu đất vàng ở trung tâm Sài Gòn.
Tân Hoàng Minh, nổi tiếng với việc thâu tóm những khu “đất kim cương” ở nội đô có “view” hồ như D’. San Raffles – Hai Bà Trưng, Hàng Bài, D’. Le Roi Soleil – Quảng An, D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu,…cũng đã kịp gia tăng quỹ đất cho mình trong năm qua, bằng việc vượt qua nhiều đối thủ khác thâu tóm khu đất vàng 23 Lê Duẩn (Tp.HCM) qua phiên đấu giá, với chi phí 1.430 tỷ đồng. Tuy nhiên, thương vụ này đến nay vẫn chưa ngã ngũ; Cũng như có thông tin khác về tập đoàn này đã bất ngờ thâu tóm một khu đất vàng 3ha khác ở phố Lò Đúc (Hà Nội).
Trong khi ở Hà Nội là Vingroup, BRG,…thì Sài Gòn nổi lên là Novaland. Qua hoạt động thâu tóm dự án vài năm gần đây, hiện con số dự án mà Novaland sở hữu lên tới 25, hầu hết ở trung tâm và có vị trí chiến lược ở thành phố. Hiện Novaland đang là đối tác của Sabeco (đang nắm cổ phần chi phối) phát triển "khu đất vàng" trên 6.000m2 tại 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (Q1.Tp.HCM), dự kiến khởi động đầu 2016. Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư Novaland nắm giữ khoảng 50% cổ phần tại Cảng sông Tp.HCM (Casoco) qua đợt IPO vừa qua, đây cũng là khu đất dự định sẽ phát triển KĐT lên tới 64ha.
Dịp cuối năm, hoạt động thâu tóm "đất vàng" vẫn tăng nhiệt khi các ông lớn tiếp tục mạnh tay. Đó phải kể tới là đợt IPO khách sạn Kim Liên sắp tới. Khu đất vàng 3,5ha này hiện đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có một số "ông lớn" kể trên, và một vài đại gia khác như Hải Phát, Văn Phú Invest...