Vụ người Việt liên quan đến “Tài liệu Panama”, lãnh đạo cơ quan thuế cho biết hàng loạt DN từ các “thiên đường thuế” như Panama, Đảo Cyprus, đặc biệt là British Virgin Islands (BVI)...,đang được đưa vào tầm ngắm chống chuyển giá.
Thủ tướng Iceland - Nạn nhân đầu tiên của “Hồ sơ Panama”
- Cập nhật : 07/04/2016
(Tin kinh te)
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã quyết định từ chức và trở thành “nạn nhân” đầu tiên của “Hồ sơ Panama” (Panama Papers) - vụ bê bối rò rỉ kho chứng từ thuế khổng lồ của hãng luật Mossack Fonseca ở Panama, phơi bày nhiều tài sản ở nước ngoài có giá trị của hàng loạt chính khách và nhân vật nổi tiếng thế giới.
Các tài liệu liên quan đến chứng từ thuế và giao dịch tài chính bị tiết lộ của hãng luật Mossack Fonseca đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận khi biết được cách những người giàu có và quyền lực trên thế giới che giấu tài sản của mình và trốn thuế - hành động gây tổn hại nghiêm trọng ngân sách quốc gia vốn dùng để chi trả các khoản phúc lợi xã hội.
Hãng luật Mossack Fonseca, chuyên giúp các khách hàng thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài, phủ nhận mọi sai phạm. Chính phủ Panama đã nhanh chóng có những biện pháp nhằm bảo vệ uy tín và hình ảnh đất nước. Trong một cuộc họp báo, cố vấn của Tổng thống Panama, ông Alvaro Aleman cho biết, chính quyền Panama sẽ có động thái trả đũa sau khi Pháp tuyên bố liệt quốc gia Trung Mỹ này vào danh sách đen các nước không hợp tác và là “thiên đường thuế”. Ông Aleman khẳng định chưa có bất kỳ công ty Panama nào bị xác định là làm ăn phi pháp và Tổng thống Juan Carlos Varela đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao làm việc với các quốc gia liên quan tới Hồ sơ Panama.
Theo Hồ sơ Panama, vợ của Thủ tướng Gunnlaugsson sở hữu một công ty ở nước ngoài chuyên đầu tư vào các ngân hàng ở Iceland. Người phát ngôn Chính phủ Iceland cho biết số tiền đầu tư mà công ty Wintris Inc. do vợ Thủ tướng Gunnlaugsson đứng tên sở hữu đã thiệt hại hàng triệu USD do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và đòi 3 ngân hàng đã đóng cửa phải bồi thường hơn 4,1 triệu USD. Ông Gunnlaugsson là Thủ tướng từ năm 2013 và có liên quan trong quá trình đòi bồi thường nên ông bị cáo buộc xung đột lợi ích. Tuy nhiên, Thủ tướng Gunnlaugsson khẳng định các tài sản ở nước ngoài của vợ ông đều bị Iceland đánh thuế.
Thủ tướng Gunnlaugsson tuyên bố từ chức ngay trước thềm một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, và chỉ vài giờ sau khi yêu cầu Tổng thống nước này giải tán Quốc hội. Hành động này chắc chắn sẽ khiến Iceland phải tổ chức một cuộc bầu cử sớm. Theo kết quả các cuộc thăm dò ý kiến về độ tín nhiệm hiện nay ở Iceland, đảng Pirate đối lập - có chủ trương chống ăn cắp bản quyền - nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng nếu Iceland tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Nhiều nhân vật nổi tiếng và các thể chế tài chính liên quan tới Hồ sơ Panama đều phủ nhận các cáo buộc sai phạm trong khi các công tố viên và quan chức bắt đầu quá trình điều tra về các tài liệu mà Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cùng nhiều tổ chức truyền thông công bố. Anh, Pháp, Australia, New Zealand, Áo, Thụy Điển và Hà Lan là các quốc gia đã bắt đầu quá trình điều tra.
Trong khi bê bối về các tài liệu bị rò rỉ gây chấn động trên toàn thế giới, Thủ tướng Anh David Cameron hiện cũng đang hứng chịu mũi dùi dư luận khi phe đối lập chỉ trích ông đã thiếu cương quyết và để giới chóp bu giàu có tìm cách trốn thuế.
Theo các hãng truyền thông, hơn một nửa trong số 200.000 công ty mà hãng luật này giúp thành lập đã đăng ký tại Quần đảo British Virgin thuộc Anh, nơi chính quyền cho phép doanh nghiệp không phải báo cáo cụ thể về chủ sở hữu doanh nghiệp. Thủ tướng Cameron khẳng định ông đã có những biện pháp hiệu quả để chiến đấu chống lại tình trạng trốn thuế trên lãnh thổ Anh, tuy nhiên, ông cũng đang bị dư luận chú ý bởi người cha ruột đã mất của ông và nhiều thành viên đảng Bảo thủ cũng có tên trong danh sách khách hàng sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca. Thủ tướng Cameron khẳng định ông, vợ ông và các con không sở hữu bất kỳ cổ phần trong các doanh nghiệp hay có tài khoản ở nước ngoài.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền phủ nhận các báo cáo “thiếu căn cứ” cho rằng người thân của nhiều nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu hoặc đang đương nhiệm trong chính quyền Trung Quốc có liên quan tới các tài khoản ở nước ngoài này. Bắc Kinh đã nhanh chóng ra quyết định hạn chế việc truyền thông đưa tin về vấn đề này. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng đây thực chất là âm mưu nhằm vào các nhà lãnh đạo không phải ở phương Tây.
Tuy vậy, hãng luật Mossack Fonseca cho rằng họ là nạn nhân của một chiến dịch chống lại quyền riêng tư cá nhân và rằng các thông tin truyền thông đã cố tình phớt lờ bản chất công việc của họ. Văn phòng của Mossack Fonseca tại Hong Kong ngày 5-4 nói rằng hãng luật này chưa từng bị cáo buộc hay điều tra sai phạm trong suốt gần 40 năm hoạt động. Theo đó, Mossack Fonseca khẳng định công ty này "không cố vấn cho khách hàng của mình cách tiến hành kinh doanh, không liên quan tới hoạt động của các doanh nghiệp mà công ty hỗ trợ thành lập…" Ngoài khoản tiền kiếm được từ công việc của mình, Mossack Fonseca không hề nhận được bất kỳ lợi nhuận nào từ công việc kinh doanh của khách hàng, và cũng không liên quan tới các khía cạnh tài chính trực tiếp trong việc vận hành doanh nghiệp”. Chưa rõ thực hư thế nào, song chắc chắn Mossack Fonseca sẽ là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian tới cũng như sẽ khiến các chính trị gia ở nhiều nước đau đầu.
Ngọc Hà
(Theo Báo Hải Quan)