Người dân Tennessee dành sự ủng hộ cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vì một lý do không tưởng.
Tại sao ông Putin ghét bà Clinton?
- Cập nhật : 27/07/2016
Tờ Politco cho rằng, nếu như Nga có đứng sau vụ rò rỉ email nội bộ của đảng Dân chủ thì cũng không có gì bất ngờ. Ông Putin và bà Cliton cũng đã có quá nhiều lần "hục hặc".
Trang web Wikileaks vừa công bố hơn 19.000 email trong nội bộ đảng Dân chủ cho thấy nhiều thành viên đảng Dân chủ ưu ái ứng viên Hillary Clinton hơn nghị sĩ Bernie Sanders trong vòng bầu cử sơ bộ.
Vụ rò rỉ xảy ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra đại hội đảng Dân chủ mà dự kiến sẽ chính thức đề cử bà Clinton làm đại diện tranh cử tổng thống. Sự cố này đã phá hoại nỗ lực xây dựng hình ảnh thống nhất cho đảng Dân chủ của bà Clinton.
Sự trùng hợp về thời điểm làm dấy lên nghi ngờ rằng Nga tìm cách giúp đại diện bên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc đua làm tổng thống Mỹ. Ngày 25-7, FBI thông báo vào cuộc điều tra vụ rò rỉ sau khi một công ty an ninh mạng độc lập do đảng Dân chủ thuê đã phát hiện hai nhóm tin tặc có quan hệ với chính phủ Nga liên quan vụ rò rỉ này.
Giả thuyết Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chỉ là nghi ngờ. Nhiều chuyên gia vẫn nửa tin nửa ngờ khả năng chính phủ Tổng thống Putin chỉ đạo vụ tấn công mạng, lấy thông tin 19.000 email của đảng Dân chủ để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump.
Dù thế nào thì đội vận động tranh cử của bà Clinton cũng đã nhanh chóng vin vào giả thuyết này, nghi ngờ Nga đứng sau vụ này nhằm hạ bệ bà Clinton, giúp ông Trump giành ghế tổng thống. Trả lời hãng tin CNN (Mỹ) ngày 24-7, quản lý vận động tranh cử Robby Mook đã nghiêng về giả thuyết này.
Điều gì khiến ông Putin ghét bà Clinton?
Theo Political, một điều dễ nhìn thấy là bà Clinton lâu nay không ngại công kích, thể hiện thái độ không xem trọng ông Putin. Hồi còn là nghị sĩ năm 2008, bà Clinton có lần châm biếm ông Putin. Tổng thống Mỹ George W. Bush từng có câu nói rằng ông có một tâm hồn giống tâm hồn của ông Putin. Bà Clinton đã chỉnh câu nói này rằng ông Putin không có tâm hồn, bởi vì ông điệp viên cơ quan mật vụ KGB - Ủy ban An ninh Quốc gia Nga.
Khi làm ngoại trưởng trong chính phủ Tổng thống Obama năm 2009, bà Clinton có nhiệm vụ cải thiện lại quan hệ với Nga đã bị căng thẳng sau vụ Nga đưa quân vào Grudia năm 2008. Thời điểm đó người giữ vị trí tổng thống Nga là ông Dmitry Medvedev, vừa thay ông Putin. Và bà Clinton đã thẳng thừng rằng làm việc với ông Medvedev dễ dàng hơn với ông Putin. “Thời điểm đó bà Clinton cảm thấy rất khó khăn trong đối thoại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Putin” - theo chuyên gia Michael McFaul.
Bà Clinton cũng từng nhiều lần phản ứng về việc Nga dọa dẫm các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Nga. Tháng 9-2012, bà Clinton gặp ông Lavrov bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Nga. Trong cuộc gặp, ông Lavrov tuyên bố trục xuất hoạt động Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ khỏi Nga, cho bà Clinton 30 ngày thu xếp rút cơ quan này ra khỏi Nga. Bà Clinton đã sốc đến nỗi phải bước ra khỏi phòng họp dù ông Lavrov cố giữ lại.
Rời ghế ngoại trưởng, thái độ và lời lẽ bà Clinton dành cho ông Putin càng cứng rắn hơn, đặc biệt trong vụ Nga sáp nhập Crime năm 2014. Tháng 3-2014, bà Clinton đã so sánh hành động này của ông Putin tương tự những gì Hitler đã làm thập niên 1930. Còn khi bị người dân Nga biểu tình phản đối gian lận bầu cử Quốc hội Nga tháng 12-2011, ông Putin cáo buộc bà Clinton khi đó còn là ngoại trưởng Mỹ đứng sau vụ này, xúi giục người dân Nga mạnh dạn biểu tình vì sẽ có Mỹ chống lưng.
Political dẫn lời nhiều cựu quan chức từng làm việc với bà Clinton về chính sách Nga cho biết ông Putin luôn ghi nhớ việc bà Clinton lên án cuộc bầu cử và từng trực tiếp thể hiện thái độ tức giận với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo họ, ông Putin và các cố vấn của ông luôn cho rằng trong số thành viên nội các của Tổng thống Obama thì bà Clinton có quan điểm cứng rắn với Nga hơn cả.
“Ông Putin rất thất vọng với bà Clinton và sự thất vọng này kéo dài đến mãi khi tôi không còn làm việc trong chính phủ” - Political dẫn lời ông Michael McFaul từng là quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (2009-2011), sau đó làm đại sứ Mỹ tại Nga đến năm 2014. Theo ông, từ những dữ liệu này người ta có thể đoán lúc này là thời điểm Tổng thống Putin đòi nợ bà Clinton.
Ông Trump (phải) thành tổng thống và tổng tư lệnh quân đội Mỹ có thể có lợi cho Tổng thống Putin và Nga. (Ảnh: REUTERS)
Về phần mình, ông Putin nhiều lần chỉ trích các chính sách "thay đổi thể chế” của Mỹ, việc Mỹ can thiệp vào thay đổi thể chế nhiều nước như Iraq, Syria. Những chính sách này lại được bà Clinton ủng hộ tích cực.
Một số nhà phân tích cho rằng bản thân bà Clinton cũng đoán được bà là một mục tiêu của ông Putin. “Tôi nghĩ phía Nga cũng tin rằng bà Clinton sẽ thắng cử. Tuy nhiên bằng việc rò rỉ email họ muốn gửi đến bà thông điệp rằng Nga là một sức mạnh mà bà Clinton không thể xem thường, hoàn toàn có thể đưa bà vào tình trạng hỗn loạn nếu muốn, cho nên tốt hơn bà Clinton nên biết điều” - Political dẫn nhận định của một nhà ngoại giao không nêu tên vốn có nhiều kinh nghiệm làm việc với Nga.
Trong khi đó so với nhiều ứng viên tổng thống khác, cụ thể là bà Clinton, ông Trump có quan điểm thân Nga hơn, chưa nói đến việc còn có nhiều quan hệ kinh doanh với Nga. Đội ngũ tranh cử của ông Trump đã vận động đảng Cộng hòa ra chủ trương nhẹ nhàng hơn với Nga về vấn đề Ukraine. Trump nhiều lần bày tỏ thái độ bất lợi cho NATO - lực lượng quân sự chính bảo vệ Đông Âu trong đối đầu với Nga - khi đòi các thành viên NATO đóng góp nhiều hơn cho chi phí quân sự của khối.
Ông Trump nhiều lần hoan nghênh ông Putin, đề nghị Mỹ ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al Assad - một đồng minh của ông Putin, hợp tác với Nga và chính phủ Syria trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Về phần mình, ông Putin cũng dành nhiều lời lẽ tốt đẹp cho ông Trump, cùng kêu gọi cải thiện quan hệ hai nước.
ĐĂNG KHOA
Theo Plo.vn