Thủ tướng Đức Angela Merkel, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton, hay nữ danh ca Ellis-Bextor đều sở hữu một khuôn mặt rộng, mà theo nhân tướng học, đây được xem là đặc điểm của những người khao khát quyền lực.
Hành trình trở thành bí thư Bắc Kinh 'như tên lửa' của thân tín ông Tập
- Cập nhật : 18/07/2017
Thái Kỳ được bổ nhiệm vượt nhiều cấp trong thời gian ngắn để nắm giữ vị trí "trấn thủ" Bắc Kinh giúp ông Tập Cận Bình.
Trong ngôn ngữ Trung Quốc hiện đại, cụm từ "thăng tiến như tên lửa" thường được dùng để chỉ những quan chức có hoạn lộ thuận lợi một cách khác thường. Thái Kỳ (Cai Qi), bí thư thành ủy Bắc Kinh, là một điển hình cho những trường hợp thăng tiến ngoài thông lệ chính trị này, theo Economist.
Ông Thái Kỳ được Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm làm bí thư thành ủy Bắc Kinh hôm 27/5, khi đang giữ chức Phó chủ tịch Uỷ ban An ninh Quốc gia. Các quan sát viên cho rằng đây là trường hợp bổ nhiệm "vượt ba cấp" rất hiếm hoi, bởi bí thư Bắc Kinh, vị trí cao nhất ở thủ đô Trung Quốc, thường phải là ủy viên Bộ Chính trị. Một người muốn được bầu vào Bộ Chính trị Trung Quốc thường phải nằm trong trung ương đảng, trong khi ông Thái chưa từng lọt vào cơ quan quyền lực này.
Theo các chuyên gia phân tích chính trị Trung Quốc, với việc được bổ nhiệm vào vị trí này, ông Thái nhiều khả năng sẽ được đảm bảo một ghế trong Bộ Chính trị Trung Quốc vào đại hội đảng diễn ra vào cuối năm nay mà không cần phải trải qua thời gian ở trung ương đảng. Quá trình thăng tiến "ngoài sức tưởng tượng" của ông Thái được cho là một dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực củng cố quyền lực ở Bắc Kinh, bằng việc trông cậy vào một người thân tín có lòng trung thành tuyệt đối.
Nền chính trị ở thủ đô Bắc Kinh có ảnh hưởng rất lớn tới giới lãnh đạo trung ương Trung Quốc. Bí thư Bắc Kinh là người chịu trách nhiệm về trị an của thủ đô, vốn được chính phủ nước này coi là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự ổn định trên toàn quốc. Các lãnh đạo Trung Quốc cho rằng những bất ổn ở Bắc Kinh rất dễ châm ngòi cho những biến động lớn khắp cả nước.
Giới tinh hoa Bắc Kinh cũng cho rằng Bắc Kinh có vai trò then chốt trong việc định hình hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài cũng như phát huy "quyền lực mềm" của quốc gia. Đó là lý do việc giảm ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông ở thủ đô được các quan chức cao nhất của Trung Quốc coi là nhiệm vụ có tầm quan trọng quốc gia, không dừng lại ở quy mô một địa phương.
Theo SCMP, Thái Kỳ là một người rất thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Gần như suốt sự nghiệp của mình, ông Thái đều phục vụ dưới trướng ông Tập. Khi ông Tập làm bí thư Phúc Kiến và Chiết Giang, ông Thái đều đảm nhiệm các chức vụ cao ở những tỉnh này. Trong 15 năm công tác ở tỉnh Chiết Giang, ông trải qua các cương vị phó bí thư thành ủy Cù Châu, tiếp đó làm thị trưởng Hàng Châu rồi trở thành phó chủ tịch tỉnh.
Năm 2014, hai năm sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông Thái được kéo về Bắc Kinh và làm việc tại Uỷ ban An ninh Quốc gia (NSC), cơ quan đầy quyền lực mới được ông Tập thành lập và nắm quyền lãnh đạo.
Đến tháng 10/2016, sự nghiệp của ông Thái mới bắt đầu nhảy vọt. Ông thăng tiến một cách thần kỳ qua nhiều vị trí khác nhau ở Bắc Kinh, từ quyền thị trưởng đến thị trưởng và cuối cùng là bí thư thành ủy chỉ trong vòng 8 tháng. Nếu trúng cử vào Bộ Chính trị cuối năm nay, đây sẽ là đỉnh cao mới trong sự nghiệp chính trị của ông.
Trấn giữ Bắc Kinh
Việc có một thân tín "trấn giữ" Bắc Kinh sẽ giúp ông Tập tránh được những rắc rối có thể xảy đến với thành phố có vị trí chiến lược này, đặc biệt là kịch bản chính quyền Bắc Kinh được dẫn dắt bởi một quan chức không có chung quan điểm với lãnh đạo trung ương.
Trong lịch sử đã có những trường hợp bí thư Bắc Kinh có bất đồng với nhà lãnh đạo cao nhất, như trường hợp Bành Chân, người bị Chủ tịch Mao Trạch Đông cách chức năm 1966 vì chỉ trích chính sách của ông. Bí thư thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng cũng mất chức vào năm 1995 vì hành vi tham nhũng và âm mưu thiết lập bè phái quyền lực riêng ở thủ đô.
Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm Thái Kỳ của ông Tập khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Ở vị trí cấp cao có tầm quan trọng chiến lược như vậy, người ta thường lựa chọn những ứng viên phù hợp với tiêu chí nhất. Trong khi đó, ông Thái lại bị coi là người có cá tính mạnh và lối suy nghĩ khác người.
Không giống như phần lớn các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc, ông Thái quyết không chịu nhuộm tóc sang màu đen mà vẫn giữ nguyên mái tóc muối tiêu hớt ngắn của mình. Dù nhiều người nhận xét rằng ông là tuýp người nghe nhiều hơn nói, Thái Kỳ lại là một người viết blog rất tích cực trên mạng trước khi trở thành Phó chủ tịch Uỷ ban An ninh Quốc gia.
Nhiều bài viết mà ông Thái đăng trên mạng xã hội Weibo thời còn ở Chiết Giang đã vượt ra những khuôn khổ phát ngôn đầy thận trọng của đảng. Chẳng hạn như trong bài viết năm 2011, ông phàn nàn về việc Trung Quốc chặn truy cập tới Facebook. Năm 2012, ông cũng dùng tài khoản mạng xã hội của mình để bênh vực gia đình một bé trai ở Chiết Giang bị tấn công bởi con chó do một cơ quan chính quyền nuôi và yêu cầu cơ quan này bồi thường cho nạn nhân.
Với những bài viết quá khác thường của một quan chức cấp cao như vậy, ông Thái có hàng triệu người theo dõi trên Weibo và trở thành một trong những ngôi sao lớn nhất của mạng xã hội này. Một trong những bài viết được quan tâm nhiều nhất của ông là phản hồi về lời phàn nàn của một bà mẹ rằng con trai mình làm ở một sở thuế thường xuyên bị ép uống rượu quá mức tại các bữa tiệc của cơ quan. "Nói cho tôi biết con bà làm việc ở sở thuế nào. Cậu ấy sẽ không phải uống nữa", ông Thái trả lời.
Trong 4 năm làm ngôi sao của Weibo, ông Thái đăng hơn 6 bài viết mỗi ngày. Ông đã tập hợp những bài viết này thành một cuốn sách có tựa đề "Căn phòng bằng kính", bởi ông cho rằng mạng xã hội góp phần nâng cao sự minh bạch và khả năng giám sát của người dân với chính quyền.
Theo các chuyên gia phân tích, ông Tập nhiều khả năng lựa chọn "ngôi sao mạng xã hội" này vào vị trí bí thư Bắc Kinh vì muốn ông Thái thu phục được nhân tâm của người dân thủ đô, những người không ngớt phàn nàn về những yếu kém của thành phố, từ nạn ô nhiễm không khí cho tới giá nhà cao ngất ngưởng.
Các chuyên gia của Economist cho rằng ông Tập sẽ rất yên tâm khi có ông Thái phụ trách Bắc Kinh giúp mình. Quách Kim Long, người tiền nhiệm của ông Thái, được bổ nhiệm từ thời cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Thay thế các đồng minh của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và cựu chủ tịch Giang Trạch Dân được cho là một trong những ưu tiên lớn của ông Tập cho kỳ đại hội tới.
Điều quan trọng hơn nữa là ông Tập sẽ có thêm đồng minh để củng cố quyền lực chuẩn bị cho cuộc "đại sắp xếp" lãnh đạo trong kỳ đại hội sắp tới. "Ông Tập đang siết chặt vòng kiểm soát và thể hiện sự tự tin của mình, dường như là để trấn áp sự kháng cự từ những người chống đối", Steve Tsang, giám đốc Viện Soas Trung Quốc ở London, nhận định.
Trí Dũng
Theo Vnexpress