Theo nhận xét của Sam Nunberg, cố vấn chính trị cũ của Donald Trump, chiến dịch bầu cử của ông Trump đang dần thất bại – và chỉ vài tháng nữa sẽ trở thành "đống đổ nát".
Angela Merkel phá vỡ “điều cấm kỵ”
- Cập nhật : 14/12/2015
(The gioi)
Trong nhiều thập kỷ liền, toàn thế giới đã tự hỏi phải gọi điện cho ai đây khi cần nói chuyện với Châu Âu. Nhưng kể từ khi bà Angela Merkel trở thành chính trị gia chế ngự châu lục này và Đức chứng tỏ mình là siêu cường, câu hỏi đó không còn đặt ra nữa.
Cách đây 30 năm, khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan “tán tỉnh” các lãnh đạo Châu Âu, kêu gọi họ giữ quan điểm cứng rắn với Liên Xô, mọi chuyện phức tạp hơn nhiều. Anh, Pháp và Tây Đức khi đó có vai trò ngang nhau và khá chia rẽ về “vấn đề Xô Viết”, vì vậy cần một hành động để cân bằng họ.
Thủ tướng Anh - Margaret Thatcher vốn là người chống Cộng sản kịch liệt và gần như có cùng quan điểm với Washington. Nhưng ở Đức, Thủ tướng Helmut Kohl lãnh đạo một Chính phủ ở Bonn vẫn khá gắn bó với “Ostpolitik” (chính sách bình thường hóa quan hệ với Đông Đức và các nước Đông Âu); còn chính quyền Xã hội của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand thì lưỡng lự.
Ngày nay, đối với ông Barack Obama, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn. Tổng thống Mỹ chỉ cần thuyết phục một lãnh đạo: bà AngelaMerkel của nước Đức. Nhà Trắng trên thực tế dường như chỉ cần ủy quyền cho Berlin trong mọi chuyện về Châu Âu.
Hồi George W. Bush và Tony Blair dùng đến vũ lực giải quyết vấn đề quốc tế (Iraq), trong một thời gian ngắn, một trật tự mới ở Châu Âu gần như sắp định hình: Paris, Moscow và Berlin nắm tay nhau phản đối chủ nghĩa đế quốc kiểu Anh – Mỹ. Tuy nhiên, khi bà Merkel trở thành Thủ tướng Đức, cơ hội này đã biến mất.
Bà Merkel vốn là người rất không tin Nga. Lớn lên ở Đông Đức nên bà có cái nhìn không mấy thiện cảm với Liên Xô và không thể tách biệt nước Nga mới với Liên Xô trước đây. Nhưng khi quyền lực và tầm ảnh hưởng của Đức gia tăng, quan điểm thân Mỹ của bà cũng giảm dần. Đặc biệt sau vụ nghe lén điện thoại, việc sử dụng máy bay do thám, và chủ nghĩa cực đoan ngày càng tăng trong chính giới ở Washington…đã khiến bà quay lưng lại với “chú Sam”.
Merkel ít có thời gian tiếp xúc riêng với ông Obama, và cũng giữ thái độ lạnh với Tổng thống Putin. Quan hệ giữa họ không phải kiểu bạn hữu thời Schroder-Putin. Về phần mình, ông Putin tôn trọng bà Merkel và có vẻ dành cho bà sự “chiều chuộng” nhất định. Trong khi đó, ông Obama vốn hiếm khi tỏ ra gần gũi với bất kỳ lãnh đạo nào, nhưng lại thể hiện tôn sùng bà Thủ tướng Đức.
Lý do khiến Tổng thống Putin và Obama đều tỏ ra thân thiết với bàMerkel hoàn toàn dễ hiểu: cả hai họ đều cần bà. Bà chính là người quyết định cuối cùng về kết cục của mối bất hòa giữa Moscow – Washington. Thay vì nói chuyện trực tiếp với nhau, hai lãnh đạo Nga và Mỹ dường như muốn bà Merkel đứng vào giữa họ.
Chính mối quan hệ khá thân thiết với Nga và những suy nghĩ thực tế của Thủ tướng Đức khiến bà phải đảm nhiệm trọng trách đầy rủi ro: Trung gian hòa giải với ông Putin trong vấn đề Ukraine.
Vào nhiều thời điểm quan trọng, bà đã đứng về phía ông Putin như một cách khẳng định sự tín nhiệm của mình dành cho Moscow. Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Bucharest năm 2008, bà Merkel đã nhất quyết không chịu khuất phục trước áp lực từ Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo khác nhằm đưa Ukraine và Gruzia vào lộ trình trở thành thành viên trong liên minh quân sự phương Tây.
Bởi nữ Thủ tướng Đức biết rằng hành động này sẽ chọc giận ông Putin. Bà cũng là người ủng hộ Nga khi bỏ phiếu phủ quyết tại LHQ vào năm 2011, phản đối hành động can thiệp vào Libya. Chưa hết, nữ Thủ tướng cũng đã làm ông Putin vui lòng bằng những lời chỉ trích sắc sảo nhằm vào Mỹ sau khi phát giác vụ bê bối Washington nghe lén điện thoại di động của bà.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine lên cao trào cuối năm 2013, giới lãnh đạo phương Tây đã dựng lên một rào cản ngăn cách với Nga và Tổng thống Putin vì cho rằng Moscow đã can thiệp sâu vào tình hình nội bộ Ukraine.
Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Đức đã phá vỡ “điều cấm kỵ” này khi nối lại đàm phán với Nga, và là một trong số ít nguyên thủ quốc gia tới Moscow dự kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức vừa qua. Đây được cho là một động thái hòa giải giữa hai quốc gia, đem người đàn ông quyền lực nhất thế giới và “người đàn bà thép” lại gần hơn trên bàn đàm phán, từ đó định hình cho sự phát triển của Châu Âu thời gian tới.
Một trong những dấu ấn Merkel trên chính trường Châu Âu là vai trò chủ chốt của bà trong gói cứu trợ khổng lồ dành cho 19 quốc gia bên bờ vỡ nợ do khủng hoảng ở Eurozone. Bà đã dẫn dắt Châu Âu vượt qua khủng hoảng nợ trong 4 năm qua. Bà cũng chính là người đau đáu nỗ lực giúp Hy Lạp hồi phục nền kinh tế sau khủng hoảng nợ.
Cuộc khủng hoảng đồng Euro và cách giải quyết của Đức đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Brussels. Ủy ban Châu Âu (EC) một thời đầy quyền lực nay để mất điểm vị quá chậm chạp và không mềm dẻo. Trong khi đó Nghị viện Châu Âu (EP) có ít ảnh hưởng vì số tiền cần để cứu các ngân hàng chủ yếu đến từ ngân sách các quốc gia thành viên.
Nói cách khác, giờ đây chính các Hội đồng Bộ trưởng, nơi chính phủ quốc gia đại diện, đã đăng đàn. Bà Merkel là người giúp đạt được nhiều thỏa thuận trực tiếp giữa các nước thành viên, hơn là thông qua Brussels. Phong cách thỏa hiệp lãnh đạo của bà Merkel, mà người Đức gọi là “điều hành theo công luận”, đã đem lại các thành quả ngắn hạn, trong khi cho phép kìm hãm các vấn đề dài hạn.
Không chỉ thành công về đối ngoại, bà Merkel còn chứng tỏ sự thông minh, sắc sảo và tình người trong các vấn đề đối nội. Việc bà tái đắc cử lần thứ ba vào vị trí Thủ tướng đã chứng minh niềm tin và sự đánh giá cao mà người dân Đức dành cho nữ Thủ tướng yêu quý của mình. Việc này cũng đã khiến bà trở thành nguyên thủ quốc gia dân bầu phục vụ lâu nhất ở Lục địa Già
Người dân Đức luôn biết ơn vì bà là người đã đưa nước Đức vượt qua suy thoái trong thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu với những gói kích thích kinh tế hiệu quả và những khoản trợ cấp chính phủ đúng lúc. Bà biết tận dụng những chính sách được ưa chuộng nhất của phe phái đối lập - từ bỏ điện hạt nhân, tăng an sinh xã hội, cam kết mức lương tối thiểu - nhưng lại giành được sự ủng hộ khi thuyết phục cử tri rằng các biện pháp này đều không dẫn tới tăng thuế.
Sau gần một thập kỷ bà cầm lái nền kinh tế thứ tư thế giới, chưa bao giờ tỷ lệ được lòng dân của bà lên cao đến như thế. Nước Đức dưới thời Merkel duy trì được vị trí đầu tàu kinh tế của Châu Âu. Giữa cơn khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng Euro (Eurozone) Đức vẫn đứng vững và đạt được sự tăng trưởng ổn định khiến tất cả phải ganh tị.
Năm 2015, Thủ tướng Angela Merkel đã được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là “Nhân vật của Năm 2015” vì tài năng lãnh đạo của bà trong việc giải quyết ba cuộc khủng hoảng lớn trong năm, gồm nợ công châu Âu, khủng hoảng di cư và vấn đề Ukraine.
Trước đó, bà cũng là "Nhân vật của năm 2014" với vai trò trung gian giữa Đông và Tây, qua những trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, bà cũng có 9 năm đứng ở vị trí người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh (do tạp chí Forbes bình chọn). Bà xứng đáng được vinh danh là “nữ hoàng Châu Âu” dù không đeo vương miện.