Tài sản của họ là quyền tư hữu, được bảo vệ bởi luật pháp, không ai được quyền bắt họ công khai.
Khi "thế hệ thứ hai siêu giàu" của Trung Quốc đi du học
- Cập nhật : 04/07/2016
(Doanh nhan)
Nhờ sức mua khổng lồ từ tầng lớp trung lưu Trung Quốc, hình ảnh khiêm tốn và cần cù của lứa sinh viên thế hệ 1980 được thay thế bằng từ fu’erdai có nghĩa là thế hệ thứ hai siêu giàu, những người đi học nước ngoài để trở về kế thừa sản nghiệp gia đình.
Lingjia Hu đến Mỹ vào năm 1996 nhờ học bổng cho phép cô theo học chương trình sau tiến sĩ tại Khoa dược, Đại học Colorado. Cha mẹ đều là bác sĩ, cô hy vọng có thể “cống hiến cho nền khoa học nước nhà” nhưng cô đã không có cơ hội trở về quê hương. Ở bệnh viện Tương Dương tại thành phố Trường Sa quê hương cố, cơ sở y tế tốt nhất Trung Quốc thời điểm đó, bị mất điện liên tục. Khi Hu đến học ở Colorado, cô sống cùng một gia đình người Mỹ. 6 tháng sau khi tới nơi, lần đầu cô được thử món ăn quê nhà tại Mỹ sau khi tự biết lái xe đến một nhà hàng Trung Quốc trong thành phố. Sau này Hu kết hôn, có một con trai và sống tại Denver kể từ đó.
Gần 20 năm sau tại Boston, Yikun Wang sắp trở thành sinh viên năm cuối tại Đại học Northeastern University. Wang đến từ tỉnh An Huy, một tỉnh nghèo ở Trung Quốc, và du học tự túc ở một trường công tại Mỹ (với học phí lên tới 44.000 USD/năm), hiện Wang sống cùng với hai sinh viên Trung Quốc khác. Wang thường xuyên gặp cảnh những người bạn Trung Quốc đồng trang lứa trốn học, lái xe sang vào thành phố để phung phí tiền cho những chuyến mua sắm cuối tuần. Hiện Wang đang theo học chuyên ngành kinh tế tài chính với hy vọng theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Trong khi cậu hy vọng có thể ở lại và làm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn bè của cậu chỉ coi thời gian du học ở Mỹ giống như kỳ nghỉ dài 4 năm.
Chưa đầy hai thập kỷ, hình ảnh sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đã biến đổi nhanh chóng. Trong khi Hu và Wang chỉ là hai trong số hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc thực hiện chuyến hành trình xuyên Thái Bình Dương, họ là hình mẫu đại diện cho từng thế hệ.
Sinh viên Trung Quốc đến Mỹ vào đầu những năm 1980 là những đại diện ưu tú và xuất sắc nhất. Những sinh viên này được học bổng chính phủ hoặc học bổng quốc tế đi du học, họ tìm kiếm cơ hội thoát nghèo và cơ hội mới. Phần lớn muốn ở lại Mỹ, nhận thẻ xanh, tìm việc làm và tự kết nối với xã hội Mỹ hay nói một cách khác, họ đang theo đuổi giấc mơ Mỹ.
Nhưng đến năm 2015, nhiều sinh viên Trung Quốc đang học tại Mỹ, dành thời gian ở Mỹ làm bước đệm để theo đuổi giấc mơ Trung Quốc. Nhờ sức mua khổng lồ từ tầng lớp trung lưu Trung Quốc, hình ảnh khiêm tốn và cần cù của lứa sinh viên thế hệ 1980 được thay thế bằng từ fu’erdai có nghĩa là thế hệ thứ hai siêu giàu, những người đi học nước ngoài để trở về kế thừa sản nghiệp gia đình. Những fu’erdai trả hết học phí một lần, thường học tài chính, quản trị kinh doanh hoặc kinh tế và thường dành thời gian tụ tập với nhau. Tại Đại học California, thậm chí nhiều sinh viên Trung Quốc còn lập hẳn một khu riêng biệt để sống tách với bạn bè cùng lớp.
Không khó để hiểu mối quan hệ tách biệt này khi một số lượng lớn Trung Quốc ồ ạt xuất hiện tại các trường đại học Mỹ. Năm 1981, lúc Erhfei Liu đến Đại học Brandeis, anh là sinh viên Trung Quốc thứ hai được nhận học và đơn giản chỉ làm tăng thêm sự đa dạng văn hoá. Liu từng cảm thấy mình giống như “thú hiếm trong sách đỏ hoặc người ngoài hành tinh đến từ mặt trăng”, anh tốt nghiệp và làm việc trong ngành tài chính, một điều hiếm thấy trong số những sinh viên cao học Trung Quốc cùng thời.
Trái lại, vào năm học 2014-2015, 423 sinh viên cao học và 248 sinh viên đại học người Trung Quốc đang theo học ở Brandeis. Vào năm 2014, có hơn 2.800 sinh viên Trung Quốc đang học ở Colorado và thậm chí còn nhiều hơn ở Illinois.
“Nếu dạo quanh đại học Illinois, Urbana, với khoảng gần 5.000 sinh viên Trung Quốc vào năm ngoái, cảm giác giống như đang đi trong một khu vực mua sắm đông đúc ở Thượng Hải,” đó là nhận xét của Mark Montgomery, người sáng lập một hãng tư vấn tại Hong Kong để làm việc để chuyên làm việc với sinh viên Trung Quốc. Khoảng cách thế hệ ngày càng lớn do căn nguyên từ chính những thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc.
Một số đại diện của sinh viên Trung Quốc vào những năm 80 nhớ lại, họ thường xuyên rơi vào cảnh không còn đồng xu nào trong túi, không ăn tối ở ngoài, cũng chẳng có tiệc tùng và đều mặc định những sinh viên Mỹ đều rất giàu. Vào thời điểm đó, với họ mức lương tối thiểu tại Mỹ giống như mức lương trên trời. Ngay cả con cái của những gia đình quan chức cấp cao đi du học cũng phải làm giúp việc trong ba năm để trả khoản vay sinh viên.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vào những năm 80 chỉ vào khoảng 249 USD/năm. Ngày nay, co số đó đã vượt qua 7.593 USD/năm, gấp 30 lần so với năm 1984. Mức tăng trưởng kinh tế thần kỳ tại Trung Quốc đã sản sinh hàng chục tỷ phú cùng với sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu, những người có thể gửi con ra nước ngoài du học và chi trả toàn bộ học phí.
Còn hơn cả thế, sinh viên Trung Quốc tại Mỹ cũng là đối tượng khách hàng tiềm năng của những hãng bán lẻ như Bergdorf Goodman và Bloomingdale. Bên cạnh đó, những du học sinh Trung Quốc còn là mạnh thường quân tài trợ cho một số hoạt động trong trường họ theo học.
Không chỉ đối lập về cuộc sống, mục đích du học và chọn chuyên ngành học cũng cho thấy sự khác biệt giữa hai thế hệ du học sinh Trung Quốc. Những sinh viên của thế hệ trước mang nhiều lý tưởng và lòng ái quốc. Phần lớn họ chọn ngành học liên quan đến khoa học, giáo dục với mong muốn đóng góp vào “công cuộc hiện đại hoá đất nước” hoặc trở thành những “Marie Curie Trung Quốc”. Trong khi đó, du học sinh Trung Quốc ngày nay đi học nước ngoài với mục đích tăng giá trị bản thân trên thị trường việc làm và phần lớn học chọn chuyên ngành học trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính hoặc quản trị.
Nếu có ai theo học nghệ thuật, đó thực sự là của hiếm. Điều này cũng dễ hiểu vì phần lớn các bậc phụ huynh đều muốn chọn những thứ thực tế khi đầu tư vào giáo dục cho con cái. Các bậc phụ huynh ở Trung Quốc luôn muốn đặt cược và đa dạng hoá các khoản đầu tư. Có con đi học nước ngoài sẽ nâng cao vị thế gia đình cũng giống như việc đi xe BMW và đeo túi LV. Vì vậy, nhiều phụ huynh thay và định hướng cho con thi đại học đã đưa con tới những trung tâm luyện thi quốc tế để chuẩn bị con đường du học.
Các diễn đàn và blog tràn ngập những câu chuyện ông bà sẵn sàng góp tiền để cháu đi học nước ngoài. FP đã từng phỏng vấn một lái xe taxi ở đảo Hải Nam đã bán nhà và đầu tư toàn bộ mức lương 12.885 USD/năm để con mình đi học. Tất cả đều mong muốn con mình sẽ sớm làm việc cho Goldman Sachs. Với Zhao Yong, sinh viên cao học tại Mỹ, hai con đường duy nhất để ở lại là đi vào ngành tài chính hoặc làm việc cho một công ty IT lớn.
Hai thế hệ du học sinh tại Mỹ rõ ràng có quá nhiều khác biệt. Thế hệ trước gặp nhiều khó khăn trong vấn đề học phí, tìm kiếm việc làm và phải trang trải khoản vay sinh viên. Nhưng điều này không có nghĩa du học sinh Trung Quốc ngày nay không có những vấn đề riêng cần vượt qua, từ việc kết bạn, vượt qua nỗi sợ nói trước đám đông trước mỗi buổi seminar, người bản xứ kỳ thị và chế giễu cho tới việc theo đuổi đam mê hay từ bỏ gánh nặng sự kỳ vọng của cha mẹ.
Và vẫn có không ít người vẫn đang thực hiện hoài bão của riêng mình như mở chuỗi nhà hàng Trung Quốc theo phong cách Chipotle (bán đồ ăn nhanh, có người mong muốn tăng số lượng trung tâm xét nghiệm HIV ở miền Nam Trung Quốc và mở thêm các lớp khoa học cho trẻ em Tây Tạng ở Vân Nam. Trong số những sinh viên Trung Quốc đang đổ về Mỹ mỗi năm, có nhiều người sẽ vượt qua được trở ngại theo những cách mà những người đi trước chưa từng nghĩ tới.