Nếu Marissa Mayer không tuyên bố rằng mình đang mang thai một cặp song sinh thì có lẽ cô ấy sẽ phải rời khỏi công ty trong vòng 6 tháng.
Chuỗi nhà hàng bạc tỷ của chàng trai quê lúa
- Cập nhật : 16/11/2015
(Kinh doanh)
Để có hệ thống 10 nhà hàng tại Hà Nội và thương hiệu uy tín, ông chủ thương hiệu Gà36 đã bươn chải với gần 100 triệu đồng vay từ bạn bè.
Tầng trệt của ngôi nhà nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Ngụy Như Kon Tum (Hà Nội) là trụ sở của một công ty mà khi nghe tên ít ai biết đến: Công ty Cổ phần Anh Em Đầu tư. Trụ sở rộng chừng 30m2, căn phòng dành cho Giám đốc Trần Văn Toán cũng gói gọn trong diện tích đó, bàn tiếp khách đặt cách nơi làm việc vừa đủ lối đi cho một người. Đây là nơi quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ ăn mang tên Gà36, hiện có 10 địa điểm trên nhiều tuyến phố lớn ở Hà Nội như Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Cửa Đông, Đào Tấn, Lê Văn Lương...
Giám đốc Trần Văn Toán (áo đen bên phải) cùng cán bộ địa phương thăm nông trại gà đạt chuẩn thương hiệu Gà36 tại xã Tử Du (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
Là người con của quê lúa Thái Bình, từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, chàng Cử nhân Kinh tế đã thử sức trong nhiều lĩnh vực như du lịch, làm tour, sản xuất đồ uống, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng... Khi công việc kinh doanh đang thuận lợi, anh Toán nảy ra ý định mở nhà hàng ăn uống chuyên về gà, dù vốn liếng trong tay ít, kinh nghiệm về lĩnh vực này cũng chưa có.
"Nhiều người cứ quan niệm điều đầu tiên để kinh doanh phải có vốn, nhưng tôi cho rằng vì không có vốn, không có tiền nên mới phải kinh doanh", anh nhớ lại. Với ý chí của mình dù chưa biết, anh Toán vẫn quyết định nhảy vào lĩnh vực mới. "Quan trọng là phải định hướng rõ mình kinh doanh gì, cho ai và cần giá trị cốt lõi để phát triển bền vững", theo anh, giá trị cốt lõi ở đây là đạo đức của người kinh doanh.
Với những tâm niệm đó, cửa hàng ăn chuyên các món về gà đầu tiên ra đời vào tháng 4/2007. Vị giám đốc chia sẻ, giai đoạn đầu làm ông chủ cũng chưa ý thức được kế hoạch phát triển ra sao mà chỉ đơn thuần làm để kiếm thu nhập, rồi khi nhận thấy thị trường tiềm năng, anh bắt tay vào xây dựng thương hiệu, thiết kế logo và dần hình thành suy nghĩ phát triển cửa hàng thành một chuỗi kinh doanh. Khi hồ sơ đăng ký bản quyền được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp thuận cũng là lúc Công ty Anh Em Đầu tư và thương hiệu Gà36 ra đời (ngày 28/9/2007).
Công ty với sự góp vốn của người em ruột, kết hợp với kinh nghiệm thương trường của người anh Trần Văn Toán gặt những thuận lợi bước đầu nhưng cũng mau chóng đối mặt với khó khăn tưởng chừng đánh sập tất cả công sức chỉ sau vài tháng hoạt động. Năm 2007, đại dịch cúm gia cầm tái bùng phát khiến sức tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến gia cầm suy giảm mạnh, người dân không ai mặn mà với các món ăn từ con gà, con vịt.
"Công ty lúc này đứng trước rất nhiều khó khăn, đã có lúc tưởng chừng không thể tồn tại. Tôi từng tính chuyện quay sang kinh doanh món ăn khác đợi tình hình thay đổi", lãnh đạo công ty chia sẻ. Nhưng sự động viên từ khách hàng thân thuộc đã giúp Gà36 giữ vững hướng đi ban đầu, trung thành với thực đơn từ gà.
Những năm đầu hoạt động, nguồn nguyên liệu cũng chưa chuyên nghiệp dẫn đến không ít thất bại. Gà tại các nông trại do đơn vị đầu tư có khi chết hàng nghìn con, sau khi nghiên cứu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tình hình mới được cải thiện. Đến nay, hai trang trại chính (một đặt ở Bỉm Sơn - Thanh Hóa và một ở Lập Thạch - Vĩnh Phúc) có quy mô hơn một vạn con mỗi trại, chưa kể hệ thống các trại vệ tinh. Nhờ đó, thương hiệu có thể phát triển bền vững với nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng.
Đây là các nông trại hoạt động theo đúng chu trình chăn nuôi do đơn vị nghiên cứu và áp dụng, nhằm đảm bảo một chu trình khép kín từ khi con gà giống nguyên liệu đầu vào cho tới lúc lên mâm phục vụ thực khách. Không chỉ vậy, các nông trại gà còn tạo công ăn việc làm và giải quyết kinh tế cũng như tận dụng đất nhàn rỗi cho người dân tại địa phương. Con em tại đây cũng là những người chiếm đa số nhân viên tại nhà hàng Gà36 hiện tại, với mức thu nhập hàng tháng ổn định, bố trí chỗ ăn ở đẩy đủ. Tròn 8 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu Gà36 luôn gắn liền với phát triển kinh tế nông hộ, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 300 công nhân viên đến từ nhiều vùng quê nghèo, còn nhiều khó khăn.
Với số vốn từ khi bắt đầu chưa tới 100 triệu đồng, đến nay cơ sở phát triển ra nhiều cửa hàng. Vị giám đốc chia sẻ, trong lần định giá và cổ phần nội bộ công ty năm 2011, giá trị ước tính của thương hiệu và hệ thống đạt gần 70 tỷ đồng. Mỗi tháng, 10 cửa hàng thu hút khoảng 60.000 - 70.000 lượt thực khách, doanh thu hàng năm tăng trưởng từ 7% đến 10%.
Tự nhận mình là người có tư tưởng kinh doanh khá bảo thủ, anh Toán cho hay sau 8 năm hoạt động, thực đơn của Gà36 không có nhiều thay đổi mà tập trung giữ gìn món ăn và những phương pháp chế biến truyền thống. Bên cạnh đó cũng hoàn thiện và nâng cấp dịch vụ, cải thiện hương vị để phù hợp với sở thích đa dạng của thực khách. Tập khách hàng tiềm năng dân công sở, văn phòng và giới trẻ vẫn là nhóm đối tượng kinh doanh chính mà đơn vị hướng tới, khác với định vị khách hàng dân nhậu của một số đơn vị khác cùng lĩnh vực.
Quá trình kinh doanh, Gà36 cũng được một số đơn vị trong và ngoài nước quan tâm và tỏ ý nhượng quyền thương hiệu hoặc bán lại tuy nhiên đều bị từ chối. "Tôi muốn giữ đây là thương hiệu thuần Việt, còn việc nhượng quyền hay phát triển ra các tỉnh thành khác thì chưa nghĩ tới vì cần phải kiểm soát, ổn định được nguyên liệu đầu vào", anh Toán nhấn mạnh. Cũng vì lý do này mà đơn vị chưa thực hiện việc bước chân vào thị trường TP HCM, trước mắt chỉ tập trung mở rộng tại Hà Nội nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dùng.