(The gioi)
Tháng 10 thật bận rộn với bà Marillyn Hewson khi những sự kiện đình đám như Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ quyền lực nhất thế giới diễn ra ở Mỹ và Đại hội ngành du hành vũ trụ quốc tế tổ chức tại Israel không thể thiếu sự có mặt của bà.
Bởi bà là người đứng đầu công ty vũ khí lớn nhất thế giới. Một sự tình cờ đã đẩy bà lên chiếc ghế nóng cách đây gần 3 năm.
Đế chế 47 tỉ USD
Nếu không phải là người trong giới kinh doanh thì khó hình dung được vị trí của bà Hewson. Đặt đại bản doanh tại Maryland (Mỹ), Công ty Lockheed Martin đạt được mức doanh thu thuần 45,6 tỉ USD trong năm 2014. Chỉ tính riêng những hợp đồng đến từ Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái trị giá đã lên đến 22 tỉ USD, chiếm khoảng 9% tất cả những hợp đồng do Lầu Năm Góc Mỹ ký kết. Ở thời điểm ngân sách quốc phòng bị cắt giảm nghiêm trọng và doanh thu của các nhà sản xuất vũ khí sụt giảm, Lockheed Martin dưới thời của bà Hewson vẫn đạt được con số tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục so với các đối thủ khác như General Dynamics Corp. và Raytheon Co.
Ngay sau khi tốt nghiệp ngành kinh doanh Đại học Alabama, năm 1983 bà Hewson đã gia nhập Công ty Lockheed và kinh qua nhiều vị trí khác nhau. Đến năm 1995, Lockheed sáp nhập với Martin Marietta trong dự án lên đến 10 tỉ USD và tạo nên gã khổng lồ hiện nay.
Nhiều người nói bà Hewson là trường hợp điển hình “sống lâu lên lão làng” nhưng điều đó không đúng. Đầu năm 2013, khi CEO lúc đó của tập đoàn là Robert Stevens quyết định nghỉ hưu sau 12 năm ngồi ở vị trí này, thì người được chọn kế nhiệm là Christopher Kubasik, còn bà Hewson được nhắm cho ghế COO. Một tiết lộ xảy ra đúng lúc khiến Kubasik phải rút lui vì vi phạm nguyên tắc đạo đức kinh doanh khi có mối quan hệ cá nhân, lâu dài, thân thiết với một người cấp dưới. Hewson chính thức trở thành nữ CEO đầu tiên của tập đoàn. Chính bà từng thừa nhận chưa bao giờ đặt mục tiêu làm CEO nhưng với bản tính “không bao giờ bỏ lỡ cỡ hội”, bà xem đây là một vinh dự và cơ hội lớn. “Khi cơ hội đến, nếu thấy mình làm được, đừng thối lui. Mẹ tôi từng nói: Con có thể làm được bất kỳ điều gì nếu con đặt hết tâm trí mình vào đó, làm việc chăm chỉ và chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng đây là thông điệp của cuộc đời tôi”, bà chia sẻ.
Và đây cũng là lời đề tặng mà bà dành riêng cho mẹ mình trong “cuốn sách” 32 năm thành công của người phụ nữ 61 tuổi này. Trong một bài báo viết cho tờ Politico, bà Hewson kể rằng “tôi học được tất cả những gì cần biết về sự lãnh đạo là từ người mẹ một mình nuôi 5 đứa con sau khi ba tôi mất năm tôi lên 9”. Với bà Hewson, mẹ không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là người đầu tiên giúp bà hiểu giá trị đồng tiền. Cô bé Hewson ngày nào lúng túng trước bài toán khó mà mẹ đưa ra: bà giao cho con gái 5 USD để đến cửa hàng tạp hóa mua những thứ bà cần ước tính khoảng 7 USD. Và bài học căn bản ấy đã đưa Hewson lên hàng cao nhất của công ty lớn nhất lĩnh vực, có giá trị 47 tỉ USD và có hơn 116.000 nhân viên khắp thế giới.
“Diều hâu đen” của nước Mỹ
Người phụ nữ xếp thứ 4 trong danh sách Những phụ nữ quyền lực giới kinh doanh của tạp chí Fortune từng rơi vào sự cô đơn cùng cực ở công sở. Bà cho biết ở vị trí một nữ quản lý trẻ, nhiều lần bà là người phụ nữ duy nhất trong phòng họp. Và sau hơn 30 năm lăn lộn trong ngành, bà “phá vỡ” thế độc quyền của đàn ông ở cấp quản lý.
Xứng danh là “người tạo cột mốc” như lời so sánh của một chuyên viên hãng tài chính Capital Alpha Partners LLC, bà Hewson khiến cả giới vũ khí sửng sốt với phi vụ mua lại công ty sản xuất trực thăng Sikorsky Aircraft với giá 9 tỉ USD đầu năm nay. Đây chỉ là một phần trong tham vọng tập trung mạnh vào phân khúc vũ khí quân dụng hạng nặng. Và tham vọng trên sẽ đặt bà Hewson vào thế khó khi phải điều hành bộ phận mới này trong tình hình sụt giảm bi quan của ngành dầu khí.
Hãng phân tích tài chính Bloomberg Intelligence nhận định đây sẽ là cơ hội mới để Hewson thể hiện mình sau khi “đánh bại” những dự đoán bi quan về tài chính khi bà mới nhậm chức để đẩy giá cổ phiếu của công ty tăng gấp đôi thời gian qua. “Nếu nhìn vào giá cổ phiếu mấy năm gần đây thì khó mà cho bà ấy mức điểm nào dưới A được”, chuyên gia tài chính Joe DeNardi cho biết.
Không riêng gì người ngoài như ông DeMardi, các đồng nghiệp của bà Hewson cũng “đặt cược” vào tài năng của bà. Trong mắt họ, Hewson là người cứng rắn và có con mắt cú vọ (rất kỹ và không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào), đặc biệt là đưa ra đòi hỏi cao đối với cả bản thân lẫn cộng sự. Bà Hewson nổi tiếng là một chuyên gia quản lý thời gian. Cứ mỗi tháng bà rà soát lại lịch làm việc của mình, xem lại công việc của từng ngày để đảm bảo bà dành đủ thời gian cho những vấn đề nổi cộm trong công ty. Là mẹ của 2 cậu con trai đã trưởng thành, bà dậy rất sớm để giải quyết toàn bộ email trước khi mặt trời lên và để chuẩn bị tâm thế cho một ngày làm việc mà theo bà là rất ngắn. Đã 8 lần chuyển nhà để đáp ứng cho những thay đổi trong công việc, người đang giữ 3 vị trí chủ chốt nhất của Lockheed Martin (President, Chairman và CEO) vẫn đang tự hỏi mình sẽ phải chuyển thêm bao nhiêu lần nữa?!
10 nữ CEO được trả lương cao nhất thế giới năm 2015
1. Marissa Mayer (Yahoo!): 42,1 triệu USD
2. Martine Rothblatt (United Therapeutics): 31,6 triệu USD
3. Carol Meyrowitz (TJX Companies): 23,3 triệu USD
4. Meg Whitman (Hewlett-Packard): 19,6 triệu USD
5. Indra Nooyi (PepsiCo): 19,1 triệu USD
6. Phebe Novakovic (General Dynamics): 19 triệu USD
7. Ginni Rometty (IBM): 17,9 triệu USD
8. Marillyn Hewson (Lockheed Martin): 17,9 triệu USD
9. Patricia Woertz (Archer Daniels Midland): 16,3 triệu USD
10. Irene Rosenfeld (Mondelez International): 15,9 triệu USD
(Theo Báo Thanh Nien)