Số liệu mới nhất cho thấy tổng nợ toàn cầu đã vượt qua con số 200 nghìn tỷ USD, tăng từ mức 140 nghìn tỷ USD năm 2007 trước khi Lehman Brothers sụp đổ. Trong đó khối lượng nợ xấu hiện nay chạm gần mốc 3.000 tỷ USD.
Sự sụp đổ của Lehman Brothers và bài học 8 năm nhưng vẫn còn giá trị
- Cập nhật : 13/09/2016
(Kinh doanh)
Số liệu mới nhất cho thấy tổng nợ toàn cầu đã vượt qua con số 200 nghìn tỷ USD, tăng từ mức 140 nghìn tỷ USD năm 2007 trước khi Lehman Brothers sụp đổ. Trong đó khối lượng nợ xấu hiện nay chạm gần mốc 3.000 tỷ USD.
Chỉ còn 2 ngày nữa là tròn 8 năm kể từ thời điểm tập đoàn đầu tư tài chính Lehman Brothers đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD. Đây là vụ phá sản đình đám nhất trong lịch sử nước Mỹ, kích hoạt lên một cơn sụp đổ tàn khốc khiến cho chỉ số Dow Jones rơi gần 5.000 điểm cơ bản, kết quả là hàng triệu người trên toàn thế giới mất việc.
Vay nợ để … đánh bạc
Tháng 8/2007, Lehman Brothers quyết định đóng cửa BNC Mortgage – một công ty con của Lehman Brothers. Trước đó, công ty này đã cho vay với khối lượng cực lớn các khoản nợ thứ cấp (nợ có kỳ hạn và thứ tự ưu tiên trả chỉ cao hơn vốn cổ phần). Cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn của Mỹ đã làm công ty này thua lỗ nặng.
Tuy nhiên, BNC chỉ là gương mặt đại diện. Thực chất, Lehman đã nhúng sâu vào hoạt động chứng khoán hóa các khoản vay nợ mua nhà (phần lớn là dưới chuẩn). Từ năm 1994, Lehman Brothers rũ bỏ chiến lược sử dụng nguồn vốn của chính Lehman để thực hiện các phi vụ làm ăn lớn, công ty này chuyển qua mô hình đi vay kết hợp đầu tư rủi ro ngay cả trong khi các tổ chức tài chính khác đã bắt đầu thấy run tay.
Lehman đã vay quá nhiều vốn và dùng phần lớn khoản tiền này vào những thương vụ đầu tư tài sản có rủi ro cao. Vào mùa hè năm 2007, khi công ty con là BNC Mortage đã thua lỗ nặng nề, CEO của Lehman vẫn chỉ cho rằng đó là rắc rối trong ngắn hạn và hy vọng rủi ro lớn sẽ đem lại nguồn lợi nhuận khủng lồ khi khủng hoảng chấm dứt. Lehman tiếp tục đầu tư vào chứng khoán đảm bảo bằng nợ thế chấp (MBS).
Khủng hoảng tài chính ập đến, khả năng thanh khoản của Lehman liên tục lao dốc. Chống cự đến giữa năm 2008, Lehman lỗ nặng chưa từng thấy và kết thúc bằng một bản tuyên bố phá sản ngày 15/9 cùng năm.
Bài học 8 năm nhưng vẫn còn giá trị
Sự sụp đổ của một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ đã dạy cho nhà đầu tư và người tiêu dùng bài học cay đắng về kiểm soát vay nợ. Tuy nhiên, theo khảo sát của Bloomberg, thế giới vẫn đang tiếp tục vay nợ với khối lượng ngày càng tăng.
Số liệu mới nhất cho thấy tổng nợ toàn cầu đã vượt qua con số 200 nghìn tỷ USD, tăng từ mức 140 nghìn tỷ USD năm 2007 trước khi Lehman Brothers sụp đổ. Trong đó khối lượng nợ xấu hiện nay chạm gần mốc 3.000 tỷ USD.
8 năm sau khi Lehman phá sản, số lượng trái phiếu lãi suất cao được phát hành bởi các doanh nghiệp đến từ châu Âu và Mỹ đã đạt 1.900 tỷ USD – nhiều hơn gấp đôi so với thời điểm 8 năm trước.
Vay nợ nhiều để tăng tài sản không phải là ý tưởng quá mới mẻ. Trong những năm 1980, chiến lược này khá hiệu quả và làm xuất hiện một thế hệ nhà đầu tư sẵn sàng vay nợ, chấp nhận rủi ro để đầu tư sinh lời. Năm 2001, Tổng thống George Bush đã khuyến khích người tiêu dùng tăng cường chi tiêu sau cuộc bùng nổ dotcom và tấn công khủng bố đe dọa làm chảy máu nền kinh tế chiếm đến 70% là tiêu dùng bán lẻ. Ở thời điểm đó, chính sách của ông Bush đã đem lại kết quả tốt đẹp.
Tuy nhiên ngày nay, những người tiêu dùng sống nhờ vào nợ đã không còn sẵn sàng tiêu tiền nhiều như trước. Nhiều nhà quản lý quỹ tại Mỹ cũng đang cho thấy tiền mặt ngày càng trở nên hấp dẫn.
Một vài khảo sát gần đây của Bank of America Merrill Lynch đối với các nhà quản lý quỹ cho thấy tỷ lệ tiền mặt trong danh mục trung bình đạt dưới 6% – mức cao nhất kể từ tháng 11/2001.
Điều này tương tự với các công ty quản lý quỹ. Một khối lượng tiền lớn đang nằm trong các bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp tư nhân Mỹ. Từ năm 2011, một bộ phận lớn các doanh nghiệp tư nhân Mỹ chọn để tiền trong bảng cân đối kế toán thay vì đầu tư bởi triển vọng cho tốc độ tăng trưởng toàn cầu ảm đạm.
Bên cạnh đó, khoản nợ tại Trung Quốc khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Sau khi Lehman phá sản, nhà đầu tư đổ tiền vào châu Á và đặc biệt là Trung Quốc. Theo Bank for International Settlements, tổng nợ tư nhân tại các nền kinh tế mới nổi đã tăng từ 75% GDP lên 125%, đặc biệt tại Trung Quốc, con số này đã gấp đôi nền kinh tế thứ 2 thế giới này. Nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 3 so với 8 năm trước, tăng từ 10.000 tỷ USD lên tới gần 30.000 tỷ USD.