Chị hẹn gặp tôi 12 giờ 30 nhưng đến hơn 13 giờ cuộc họp của chị mới kết thúc. Suốt cuộc nói chuyện hơn 2 giờ đồng hồ sau đó, điện thoại của chị liên tục đổ chuông.
Tài sản bầu Đức “bốc hơi” 3.600 tỷ vì dính đòn đau tin đồn?
- Cập nhật : 21/12/2015
(Doanh nhan)
Vốn được cho là người rất thức thời khi dẫn đầu trào lưu đầu tư vào nông nghiệp, rút khỏi thị trường bất động sản trước rủi ro và đổ vốn đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên, bầu Đức vẫn dính “đòn đau” vì tin đồn và những rắc rối quanh con số nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/12, chỉ số VN-Index giảm mạnh 8,93 điểm tương ứng 1,55% còn 568,18 điểm.
Trong bối cảnh chung của thị trường, cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giảm giá thêm 500 đồng tương ứng mất 4,24%, qua đó cuốn hết thành quả của 2 phiên tăng giá trong tuần (ngày 14/12 và ngày 17/12, cổ phiếu HAG tăng 200 đồng). Thị giá HAG hiện còn 11.300 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá thấp nhất của cổ phiếu HAG kể từ năm 2008 đến nay.
Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) – Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai hiện nắm giữ 347,8 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 44,03% vốn điều lệ, vẫn đang là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn. Với lượng cổ phiếu nắm giữ lớn, dĩ nhiên khi giá cổ phiếu đi xuống, bầu Đức vẫn là người thiệt hại nhiều nhất.
Thống kê cho thấy, so với thời điểm 31/12/2014, cổ phiếu HAG đã rớt giá khoảng 49% khiến tài sản trên sàn chứng khoán của bầu Đức sụt giảm mạnh hơn 3.600 tỷ đồng – đây có thể coi là mức thiệt hại lớn nhất trong số các tỉ phú chứng khoán năm qua.
Hiện tại, tài sản trên sàn chứng khoán của bầu Đức đạt 3.930 tỷ đồng, xếp thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất TTCK Việt Nam (sau ông Phạm Nhật Vượng và ông Trần Đình Long).
Nợ phải trả vượt 30.000 tỷ đồng
Việc cổ phiếu HAG xuống vùng thấp nhất trong lịch sử xuất phát một phần từ những phân tích về số liệu báo cáo tài chính của công ty này.
Hồi cuối tháng 5, một báo cáo phân tích về HAG của công ty chứng khoán HVS Việt Nam được giới tài chính “đào xới” đã khiến giá cổ phiếu HAG trên sàn chứng khoán “lĩnh đủ” đòn đau. Báo cáo này đề cập đến khoản nợ hàng nghìn tỉ của Hoàng Anh Gia Lai và phân tích khá kỹ áp lực tài chính lên công ty. HVS Việt Nam đánh giá trái chủ nào đồng ý gia hạn đầu tiên cho Hoàng Anh Gia Lai, trái chủ ấy sẽ phải chịu rủi ro mất tiền cao nhất. Sẽ sáng sủa hơn cho cả Hoàng Anh Gia Lai và các chủ nợ là tất cả các trái chủ cùng đồng ý gia hạn nợ
Thông tin từ báo cáo này lan rộng trên các diễn đàn, sau đó, phần lớn các con mắt nhìn vào tình hình tài chính HAG cũng “xoi mói” đến những khoản nợ nhiều hơn là bất cứ chỉ số nào khác.
Sau đó, HVS Việt Nam đã tung ra những nhận định trấn an, cho rằng, trong quý I/2015, tuy tổng tài sản chỉ có khoảng 40.000 tỷ đồng nhưng đây là những giá trị tài sản được ghi nhận theo nguyên giá. Điều đó có nghĩa giá trị thị trường của các tài sản này chưa được đánh giá lại cho phù hợp. Nếu nhà đầu tư xem xét sẽ thấy HAG đang sở hữu xấp xỉ 100.000 ha đất nông nghiệp bao gồm cọ dầu, cao su, mía..
Mặc dù vậy, dường như là quá trễ với sự hấp thụ thông tin quá nhanh và quá nhạy của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhìn vào đồ thị có thể thấy, diễn biến giá HAG trong năm 2015 là một chuỗi trượt dài.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần tăng 117% so với cùng kỳ 2014. Tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai tăng gần 11.300 tỷ đồng lên 47.600 tỷ đồng so với đầu năm. Số dư tiền và tương đương tiền đạt 2.079 tỷ đồng trong khi đầu năm đạt 978 tỷ đồng.
Điểm trừ chính là việc lãi ròng của Hoàng Anh Gia Lai bị giảm sút, đạt 1.209 tỷ đồng, giảm 23,7% so với 9 tháng đầu năm 2014. Song có lẽ đây vẫn không phải là nguyên nhân chủ yếu mà câu chuyện tiếp tục xoay quanh khoản nợ phải trả vượt 30.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn gần như tương đương với tài sản ngắn hạn (hơn 13.000 tỷ đồng).
Phản ứng trước những tin đồn cho rằng, Hoàng Anh Gia Lai đứng trước nguy cơ “vỡ nợ”, bầu Đức đã lên tiếng phủ nhận, thậm chí tuyên bố sẽ yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Đầu tháng này, Hoàng Anh Gia Lai cho biết, sẽ rà soát lại hiệu quả sử dụng vốn đối với tất cả các khoản vay, từ đó làm việc với các trái chủ, các tổ chức tín dụng để đưa ra các phương án tái cấu trúc kỳ hạn vay phù hợp nhằm đảm bảo tính chủ động trong quản lý dòng tiền, tránh các áp lực thanh khoản ngắn hạn và phù hợp với các nguồn thu dài hạn của công ty.
Giá cổ phiếu chưa có dấu hiệu hồi phục
Trong đà mất giá của HAG, hồi đầu tháng 6, để “cứu” giá cổ phiếu, bầu Đức đã thực hiện mua vào 5 triệu cổ phần, nâng khối lượng sở hữu từ 342,8 triệu đơn vị lên 347,8 triệu cổ phần như hiện tại.
Trong năm, ông Đức cũng đã có những phát ngôn rất mạnh mẽ để tái khẳng định với giới đầu tư về “sức khỏe” và triển vọng của Hoàng Anh Gia Lai. Chẳng hạn như, ông tuyên bố với Đại hội đồng cổ đông, “Hoàng Anh Gia Lai sẽ không bao giờ chết” và cung cấp những con số rất hấp dẫn như “cứ mỗi một ngày Hoàng Anh Gia Lai thu về 1 tỷ đồng từ phân bò”…
Ngoài ra, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cũng tự tin rằng “Gia Lai sẽ là một địa điểm quan trọng trên bản đồ sản xuất sữa, và chúng tôi sẽ ngồi tại đây bán sản phẩm đi khắp Đông Nam Á chứ không phải loanh quanh trong nước”.
Tuy nhiên, những phát ngôn này vẫn chưa đủ để tạo nên một bước ngoặt cho diễn biến giá của HAG trên sàn chứng khoán.
Mới đây, sau thông tin Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai thông qua chủ trương phát hành cổ phần HNG của công ty con HAGL Agrico để trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu của công ty mẹ HAG, cổ phiếu HAG bật tăng, tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng (tăng 5%). Song cũng chỉ được 1 phiên 2/12 thì xu hướng giảm lại tái diễn.
Giá cổ phiếu HAG hiện đang được giới phân tích chứng khoán đánh giá rẻ xét trên tiềm năng tăng trưởng cao của doanh nghiệp trong 5 năm tới khi hàng loạt các dự án đang bắt đầu có những đóng góp rõ nét về lợi nhuận và dòng tiền cho công ty. Tuy nhiên, để trở lại mức giá trên 20.000 đồng, có lẽ bầu Đức cũng như các cổ đông sẽ cần một thời gian tương đối dài, hoặc một sự “màu nhiệm”.