tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ông chủ Bảo Tín Minh Châu: Xã hội mắc cơn nghiện tiền!

  • Cập nhật : 06/07/2015

(Doanh nhan Viet Nam)

"Rất nhiều người nghiện tiền và mặc dù kiếm được nhiều rồi nhưng bị cơn nghiện thôi thúc phải đi kiếm nữa. Thậm chí kiếm bằng nhiều cách, chà đạp lên nhân phẩm, làm những điều sai trái để kiếm tiền, quên cả thân mình, quên cả gia đình..."

 Điện tử Việt Nam

Ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu

Ông Châu nói: "Rất nhiều người nghiện tiền và mặc dù kiếm được nhiều rồi nhưng bị cơn nghiện thôi thúc phải đi kiếm nữa."

"Rất nhiều người nghiện tiền và mặc dù kiếm được nhiều rồi nhưng bị cơn nghiện thôi thúc phải đi kiếm nữa. Thậm chí kiếm bằng nhiều cách, chà đạp lên nhân phẩm, làm những điều sai trái để kiếm tiền, quên cả thân mình, quên cả gia đình..." - Ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu chia sẻ.

"Tôi thấy những năm trước đây việc làm ăn chân chính diễn ra khá phổ biến trong xã hội, phần lớn mọi người rất tốt. Những năm gần đây kinh tế đi lên thì đạo đức đi xuống, văn hóa đi xuống, sức khỏe đi xuống"... - Ông Vũ Minh Châu

"Chẳng may tôi kiếm được nhiều..."

- Sự kiện một số nữ đại gia tổ chức đám cưới siêu khủng như thuê xe siêu sang, mượn máy bay để rước dâu trên trời, tặng quà cho con bằng nhà trăm tỷ... diễn ra tại vùng quê nghèo đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Là ông chủ công ty kinh doanh vàng bạc lớn nhất miền Bắc, ông có nhận xét gì về kiểu đốt tiền chơi ngông của những đại gia này?

Những người tổ chức đám cưới như vậy tôi không bình luận. Nhưng bản thân tôi năm nào cũng làm từ thiện, năm nào cũng bỏ tiền ra để giúp đỡ những người nghèo, tôi không bao giờ sử dụng cái gì lãng phí, xa xỉ cả.

Tôi chỉ muốn quay trở lại đám cưới bằng bánh kẹo thì càng tốt, bỏ hủ tục ăn uống linh đình, không nên có cảnh đi đám cưới phải mang cái phong bì vài trăm, vài triệu... đi như thế nó lạc hậu quá.

Tôi còn đang dự kiến nếu như gia đình tôi tổ chức đám cưới, có tiền mừng thì tôi sẽ đưa vào quỹ từ thiện hết (cười). Đừng biến cưới xin trở thành cái tai họa cho những người được mời. Ngoài ra, mở tiệc to như vậy, đám cưới linh đình nhiều khi cỗ có ăn hết đâu? Rất lãng phí của cải vật chất của xã hội. Những người nghèo cứ đến mùa cưới là người ta sợ.

Đám cưới to không hứa hẹn một hạnh phúc mà nó hứa hẹn một thảm họa. Nó tạo ra một dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến danh dự và cả sự nghiệp của họ sau này. Người có của sống một cách khiêm tốn đáng nể hơn nhiều.

Hơn nữa những người hay khoe khoang là những người chưa hẳn phải là giàu, cố tình làm thế để làm thương hiệu thôi, để mọi người biết mình thôi.

Khi người ta giàu người ta chẳng cần khoe, ai giàu xổi thì mới đi khoe như vậy. Tổ chức xong chắc phải đi trả nợ rất nhiều tiền cho ngân hàng, mà chưa chắc đã đủ. Không ít người vỡ nợ sau khi tổ chức những đám cưới quá to, quá lớn, hay dùng những thứ quá xa xỉ. Đấy không phải là người khôn.

- Có rất nhiều trí thức lên án coi đây là biểu hiện trọc phú hợm tiền. Bản thân đồng tiền dĩ nhiên không có tội, người ta chỉ đánh giá nhân cách con người thông qua cách kiếm tiền, cách sử dụng đồng tiền đó như thế nào chứ không phải số tiền to hay bé. Ông đánh giá như thế nào về điều này trong xã hội chúng ta hiện nay?

Quan điểm của tôi là những người giàu hoặc quá giàu mà không biết chia sẻ là có lỗi với xã hội. Anh kiếm ở mức độ nào đó đủ dùng hoặc hơn một chút thôi còn để cho người khác người ta còn kiếm nữa. Đừng quá tham lam và thiên vị, phải nhường thị phần cho người khác nữa. Không nên chiếm quá nhiều thị phần rồi để người khác nghèo đi.

Với tôi, thương trường là hậu trường chứ không phải thương trường là chiến trường, các doanh nghiệp cùng nhìn nhau để mà làm, cùng nhau chia sẻ lợi ích, mỗi doanh nghiệp như một anh em. Nếu chẳng may mình kiếm được nhiều thị phần hơn thì phải giúp đỡ người nghèo hơn, chia sẻ bằng nhiều cách.

Không thể không nhận thấy đời sống có khá giả lên trông thấy nhưng không thể phủ nhận con người vô tình, vô cảm với đồng loại hơn rất nhiều. Hiện nay xã hội đang mắc một cơn nghiện: nghiện rượu, nghiện ma túy và bây giờ người ta nghiện tiền. Rất nhiều người nghiện tiền và mặc dù kiếm được nhiều rồi nhưng bị cơn nghiện thôi thúc phải đi kiếm nữa.

Thậm chí kiếm bằng nhiều cách, chà đạp lên nhân phẩm, làm những điều sai trái để kiếm tiền, quên cả thân mình, quên cả gia đình, cho nên không ít đại gia đã mắc bệnh nan y và chết đi một cách đáng tiếc để lại cả số lượng tài sản lớn.

Kiếm tiền vừa thôi, hãy đi kiếm văn hóa, sức khỏe

- Trước những hiện tượng như vậy, đồng tiền dường như đang đại diện cho nhân cách, đạo đức, danh vọng, địa vị... của con người. Có cảm giác như nó xác lập vị thế của mình nhanh đến mức trong dân lan truyền nhận thức: Tiền là tiên là phật, là sức bật của thanh niên... Thực tế ấy nói lên điều gì trong xã hội chúng ta hiện nay, thưa ông?

Nó chỉ là một cách nói khôi hài và thực ra nó chỉ là cách nghĩ của một số ít người sống quá lệ thuộc vào đồng tiền. Người ta còn có nhiều giá trị khác quý hơn tiền. Tiền thì cần đi kiếm ở một mức độ nào đó thôi, chứ còn phải cần đi kiếm sức khỏe, kiếm văn hóa, nhân cách nữa thì như thế mới là giàu toàn diện.

- Ở một chiều kích khác trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp xảy ra những hành vi ứng xử tồi tệ giữa con người với con người: con cái đẩy cha mẹ ra đường vì tranh nhau mảnh đất, ngôi nhà; chồng sẵn sàng bỏ vợ, bỏ con để vui vầy với chó triệu đô, vì mang phận nghèo mà có kẻ bị người thân hắt hủi... Ông có thể giải thích nguyên nhân của hiện tượng này?

Lối ứng xử ấy của con người quá tệ, nó đi ngược lại với đạo lý làm người của dân tộc ta. Giờ phải tìm lại những truyền thống đạo lý, đạo đức của người Việt Nam từ xưa, trọng nghĩa, khinh tài, người ta quý tình, quý nghĩa hơn tiền bạc.

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ trong xã hội, từ người bình thường lẫn người có điều kiện kinh tế khá giả rồi, rất tốt rồi vẫn còn tham lam tiền bạc và chà đạp lên đạo lý gia đình. Cho nên, tôi nghĩ chúng ta cần phải lên án hơn nữa, lên án mạnh mẽ, đề nghị pháp luật can thiệp, nghiêm trị những hành vi hám của, tham tiền.

Kinh tế đi lên thì đạo đức đi xuống

- Từng có một tuổi thơ cơ cực, gia đình phải xoay xở buôn bán từ cái bánh mỳ cho đến que kem, từng đi chữa xe đạp, đi bắt tôm, cua cá để hỗ trợ gia đình; ở cái tuổi ăn chưa biết no, lo chưa tới ấy mà ông đã phải trở thành trụ cột trong gia đình, lúc ấy, đối với ông đồng tiền có giá trị như thế nào?

(Cười). Tôi cảm thấy tự hào, hãnh diện đồng tiền do chính sức lao động của mình làm ra, bố mẹ đi làm lương rất ít mà mình bắt được con tôm, con cá, đi sửa xe đạp lấy tiền đong gạo, mua thức ăn cho gia đình tôi thấy rất hạnh phúc khi đồng tiền do chính công sức của mình bỏ ra. Đó là những đồng tiền chân chính.

Quan điểm của tôi lúc đấy là phải lao động hết mình, ngoài giờ đi học ra, bỏ cặp sách xuống, thậm chí không kịp nghỉ ngơi là vác cải dậm, cái giỏ chạy ra đồng ngay để kiếm cá. Hoặc phóng xe ra đường Quốc lộ số 1, căng bạt ở đấy để bơm và mang hộp đồ xuống chữa xe đạp. Kiếm được đồng tiền mà sung sướng, vuốt ve nó, thấy hạnh phúc vì chính sức lao động của mình.

Tôi thấy những năm trước đây việc làm ăn chân chính diễn ra khá phổ biến trong xã hội, phần lớn mọi người rất tốt. Những năm gần đây kinh tế đi lên thì đạo đức đi xuống, văn hóa đi xuống, sức khỏe đi xuống.

Ta phát triển kinh tế quá nóng, mọi người đầu tư vào kinh tế quá nhiều, theo tôi nghĩ nên chuyển hướng đầu tư cho giáo dục đào tạo và và quỹ chăm sóc sức khỏe cộng đồng hơn là đầu tư cho việc phát triển kinh tế quá nóng ở một số bộ phận, một số nơi.

Những người làm giàu không nên làm giàu quá mức, chỉ làm giàu đến mức cần thiết thôi, phải có những điểm tương đối dừng để nhìn lại bản thân mình, nhìn lại gia đình mình, nhìn lại xã hội. Chúng ta đừng tham mà trở thành nô lệ cho đồng tiền. Như vậy đồng tiền là mục đích sống mất rồi. Và số người như vậy cũng khá nhiều.

- Vậy quan niệm về giá trị đồng tiền và cách ứng xử với nó của cậu bé Minh Châu ngày ấy với một ông tổng của Bảo Tín Minh Châu bây giờ có khác?

Về căn bản vẫn vậy. Việc đầu tiên là tôi lao động hết mình và sử dụng đồng tiền một cách hợp lý, chăm sóc gia đình, chia sẻ với cộng sự, chia sẻ một phần với cộng đồng để cho đồng tiền của mình thực sự có ý nghĩa. Tức là không chỉ để cho riêng mình mà còn cho xã hội nữa.

Tôi vẫn động viên bạn bè, những doanh nhân khác là hãy tùy theo sức của mình để giúp đỡ gia đình, xã hội. Thứ hai nữa không nên quá chạy theo đồng tiền mà quên nhiều đạo lý khác.

- Ông có cảm thấy mình lạc lõng với những quan niệm sống có phần vị kỷ, vô cảm trong xã hội hiện nay?

Thực sự tôi rất phản đối với những người chỉ biết chạy theo đồng tiền mà quên mất trách nhiệm với gia đình, với anh em ruột thịt, họ hàng còn bon chen, tìm mọi cách để chối bỏ như thế thì quá xấu, không nên thế. Và xã hội cần phải lên án, nghiêm trị những người như vậy.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Phunutoday

Trở về

Bài cùng chuyên mục