Chị hẹn gặp tôi 12 giờ 30 nhưng đến hơn 13 giờ cuộc họp của chị mới kết thúc. Suốt cuộc nói chuyện hơn 2 giờ đồng hồ sau đó, điện thoại của chị liên tục đổ chuông.
CEO ống nhựa Phú Mỹ Tân: Kiên trì là mẹ thành công
- Cập nhật : 02/10/2017
Chị Nguyễn Thị Thanh tâm sự: Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chị và chồng phải trải qua rất nhiều công việc khác nhau để mưu sinh...
Chị Nguyễn Thị Thanh tâm sự: Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chị và chồng phải trải qua rất nhiều công việc khác nhau để mưu sinh...
Sinh ra tại Nghĩa Hưng (Nam Định), là chị cả trong một gia đình có tới 5 chị em, bố là thương binh chống Mỹ, thương tật tới 61%, mẹ là cô giáo, nên từ nhỏ Nguyễn Thị Thanh đã sớm biết giúp cha mẹ, quán xuyến việc gia đình và chăm lo các em. Bản lĩnh của người con cả đã bộc lộ, để sau này khi bước chân vào kinh doanh, chị vững vàng vượt qua nhiều sóng gió của thương trường.
Chị Nguyễn Thị Thanh tâm sự: Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chị và chồng phải trải qua rất nhiều công việc khác nhau để mưu sinh, trước khi xác định được cái “nghiệp” gắn bó với dòng nước sạch. Vợ chồng chị đã bươn trải và kinh doanh nhiều ngành nghề, từ kinh doanh lương thực, buôn bán tổng hợp, kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư ngành nước… đến đầu tư giàn khoan giếng nước ngầm cho toàn bộ vùng nông thôn huyện Nghĩa Hưng.
“Sau khi tích luỹ được số vốn tương đối, tại thời điểm tháng 9/2006, chúng tôi đăng ký thành lập Công ty TNHH Mai Thanh, với số vốn 6 tỷ đồng, đầu tư vào lĩnh vực vật liệu xây dựng ngành nước, mà cụ thể là cung ứng ống nhựa vật tư ngành nước”, chị Thanh cho biết.
Công ty được thành lập. Một bài toán đặt được đặt ra: làm thế nào để cạnh tranh được với khá nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường?
Chị Thanh tâm niệm, để thị trường chấp nhận một dòng sản phẩm mới, không có cách nào khác ngoài cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Muốn vậy, công ty phải tiết giảm tối đa chi phí quản lý, chi phí sản xuất và cắt giảm các khâu trung gian. Song song với đó là đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại.
Năm 2010, nhà máy sản xuất ống nhựa đầu tiên của công ty Mai Thanh đi vào hoạt động, gồm hai phân xưởng với 8 dây chuyền máy, trên diện tích 3.218 m2. Những ngày đầu vào sản xuất, mọi thứ đều thiếu và yếu. Đặc thù nghề sản xuất ống nhựa lại không có trường đại học đào tạo chuyên ngành, chị Thanh phải tìm cách học hỏi bằng mọi phương diện, bỏ rất nhiều tiền thuê chuyên gia trong và ngoài nước tới nhà máy để đào tạo trực tiếp, bắt tay chỉ việc cho công nhân.
Có những khoảnh khắc vẫn in đậm trong tâm trí đến giờ phút này. Chị tâm sự: “Những ngày đầu, tôi đã thức trắng nhiều đêm cùng anh em công nhân, theo dõi từng milimét ống bắt đầu chạy trên giàn máy với sự háo hức, niềm vui và cả sự hồi hộp. Thật hạnh phúc khi nhìn thấy sản phẩm do nhà máy mình làm cùng với dòng logo trên đó. Và có tự hào về sản phẩm mình làm ra thì mới có ý thức cần làm tốt mọi khâu”.
Để sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường cần phải hiểu ngóc ngách mọi vấn đề và quy trình. Vì thế, dù rất bận, nhưng chị vẫn luôn dành thời gian tham gia các khóa học về kỹ thuật để có thêm kiến thức, sau đó truyền lại cho bộ phận sản xuất trực tiếp.
Những nỗ lực của chị cuối cùng cũng đã được đền đáp. Sản phẩm ra thị trường được khách hàng đón nhận, đơn hàng ngày càng nhiều. “Tiền thu về là một chuyện, nhưng điều mừng nhất là chúng tôi đã làm ra sản phẩm ngay tại địa phương mình. Người dân trong vùng và lân cận không còn phải mua sản phẩm từ nơi khác đến; vừa tiết kiệm được nhiều khâu mà hễ có vấn đề gì, cũng dễ dàng đổi được sản phẩm”, chị Nguyễn Thị Thanh tâm sự.
Năm 2012, Công ty Mai Thanh đã chủ động thay thế một loạt máy móc công nghệ cũ tiêu hao năng lượng, năng suất thấp, đổi toàn bộ sang hệ máy móc mới tiết kiệm điện, tự động hóa, giảm chi phí lao động thủ công. Công nhân luôn được đào tạo và nâng cao tay nghề để làm chủ trang thiết bị máy móc. Từ năm 2013 đến nay, Mai Thanh đã đầu tư thêm 6 dây chuyền nữa và máy ép phun phụ kiện hiện đại hơn để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Máy móc mới, nguyên liệu mới, cách làm mới, quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ từng khâu, từng giờ nhật ký (theo các phương thức quản lý quy trình 5S; ISO 9001:2015 cùng sản phẩm kiểm định Quacert)… Đó chính là những tấm giấy thông hành giúp ống nhựa Phú Mỹ Tân không chỉ tự tin ở thị trường trong nước, mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Nhiều đối tác nước ngoài đã tìm đến Công ty Mai Thanh để đặt hàng.
Năm 2015, Mai Thanh tiếp tục “tấn công” vào thị trường cung cấp nguồn nước sạch chính bằng sản phẩm ống nhựa áp dụng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự án xây dựng Nhà máy nước sạch huyện Nghĩa Hưng của Công ty đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận theo chủ trương xã hội hóa.
Cuối năm 2016, Mai Thanh đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất để thực hiện Dự án Xây dựng nhà máy nước công suất tăng dần từ 40.000 m3/ ngày đêm, cung cấp nước cho nhiều xã thuộc địa bàn của huyện Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định. Với công nghệ hiện đại nhập khẩu từ Mỹ và các nước châu Âu, sự hiện đại hóa toàn phần (từ khâu đầu đến khâu cuối kiểm soát chất lượng nước, quản lý SCADA) cùng với môi trường xanh - sạch - đẹp, nhà máy nước của Cty Mai Thanh sẽ là một trong những nhà máy điển hình hiện đại nhất Miền Bắc, cung cấp nước sạch đạt chuẩn QCVN 01/BYT. Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn I, cấp nước sạch cho khoảng 5.000 hộ dân, dự kiến. Cuối năm 2017, nhà máy sẽ cấp nước cho các xã còn lại của huyện Nghĩa Hưng.
Được hỏi về bí quyết thành công, chị Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: Câu nói mà tôi tâm đắc là của Steve Jobs - cố sáng lập Apple, đó là: “Một nửa những gì khác biệt giữa doanh nhân thành công và không thành công là ở sự kiên trì tuyệt đối”. Đó cũng là triết lý kinh doanh của cá nhân tôi. Làm gì cũng phải kiên trì, vì con đường kinh doanh không phải trải toàn hoa hồng, có những lúc thất bại cay đắng, vấn đề là doanh nhân có dám chấp nhận thử thách và vượt qua hay không.
Duy Linh
Theo Nhipcaudautu.vn