tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Người đứng sau cơn hỗn loạn của chứng khoán Singapore

  • Cập nhật : 08/02/2016

(Tin kinh te)

Tuần trước, Soh - một doanh nhân phá sản người Malaysia đã bị các công tố viên Singapore chỉ mặt là đạo diễn đằng sau chương trình thao túng thị trường chứng khoán lớn nhất từ trước đến nay của nước này. Trong 20 năm qua, người đàn ông này đã nhiều lần phải đối mặt với các cáo buộc lừa đảo và làm giá chứng khoán.

nguoi dung sau con hon loan cua chung khoan singapore

Người đứng sau cơn hỗn loạn của chứng khoán Singapore


“Tôi là người dày dặn trận mạc,” người đàn ông 57 tuổi hiện đang tại ngoại trong quá trình điều tra nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 27/1. Ở Singapore, một người có thể bị bắt giữ và cho tại ngoại trước cả khi bị tòa khởi tố.

Trong vụ việc mới nhất, các công tố viên cho biết họ sẽ buộc tội Soh vì đứng đằng sau ‘các hoạt động phạm tội nghiệm trọng” đã làm bốc hơi 8 tỷ đô-la Singapore (tương đương 5,6 tỷ USD) giá trị cổ phiếu của ba công ty vào tháng 10/2013. Về phần mình, Soh nói rằng sự sụp đổ giá cổ phiếu của ba công ty khai khoáng Blumont Group, LionGold Corp. và Asiasons Capital Ltd., giờ đã đổi tên thành Attilan Group, là “kết quả của các sự kiện có thật” gây ra bởi một hiện tượng chưa giải thích được.

Sự hỗn loạn trên được đổ lỗi cho khối lượng giao dịch sụt giảm và sự mất niềm tin của nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán lớn nhất Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến những thay đổi trong luật lệ và khiến nước này phải mở cuộc điều tra về lừa đảo chứng khoán lớn nhất từ trước đến nay, liên quan đến 500 tài khoản giao dịch, 20.000 e-mail, 1.100 tài khoản ngân hàng và 70 nhân chứng nhưng chưa thể tìm ra thủ phạm. Cho đến khi đó, Soh bị tòa cáo buộc là “thủ phạm tình nghi” của sự kiện xảy ra vào năm 2013.

Vào năm 2007, Soh đã nhận tội và phải nộp phạt ở Malaysia vì dính líu đến một vụ lừa đảo chứng khoán. Ông nói trong cuộc phỏng vấn hồi tuần trước rằng các cáo buộc là “một sự hiểu lầm”. Thay vào đó, ông là người hỗ trợ lớn nhất của các công ty trên khi giá cổ phiểu lao dốc hơn hai năm trước. Soh cho biết ông là cố vấn cho chủ tịch của LionGold.

“Tôi là một trong những người ủng hộ nhiệt thành và cố gắng xây dựng ngành khai khoáng hùng mạnh ở Singapore,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn ở một quán cà phê nhìn ra Sông Singapore. “Chúng tôi – tôi và một số nhà đầu tư đã nhìn ra cơ hội.”

Nhóm này đã mua tài sản được định giá thấp của các công ty khai khoáng ở Canada và Australia và Soh nói ông đang trên đường thúc đẩy sự phát triển của LionGold, niềm tự hào của Singapore và là biểu tượng cho sự hiệu quả của thị trường.

“Thật đáng tiếc, thay vì được xem là kiến trúc sư của một công ty khai khoáng nội địa tiềm năng, giờ đây họ gọi tôi là kẻ lừa đảo,” Soh than thở.

Theo các công tố viên Singapore, cơ hội mà nhóm của Soh thấy là một kế hoạch lừa đảo các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu của ba công ty trên đã tăng vọt đến 800% trong chín tháng. Chỉ số Straits Times tham chiếu đã không đổi trong giai đoạn này. Sau đó, trong vòng có một tuần vào tháng 10 năm 2013, các cổ phiếu trên chỉ còn là những penny stock, giảm hơn 87% giá trị. Các cổ phiếu này hiện nay đã giảm 99% kể từ mức đỉnh.

Sự hỗn loạn trên đã làm tổn hại niềm tin của thị trường, các nhà đầu tư nói trong hồ sơ của tòa án mà không đưa ra chi tiết về kế hoạch lừa đảo. Ba công ty khai khoáng trên nói họ không biết được điều gì đã làm giá cổ phiếu lao dốc. Các ngân hàng và môi giới đã kiện khách hàng của mình để đòi lại ít nhất 230 triệu USD từ vụ lừa đảo trên.

“Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra,” Raymond Tan, CEO của LionGold nói về lý do giá cố phiếu của công ty sụt giảm. Tổng giám đốc của Blumont Ng Kim Huatt đã không trả lời bất cứ cuộc gọi nào tới di động của ông. Các cuộc gọi tới số của Attilan chỉ nhận được câu trả lời từ hộp thư thoại cho biết chủ nhân số máy hiện không liên lạc được.

Cuộc điều trần hồi tuần trước liên tục bị ngắt quãng bởi yêu cầu của Soh đòi cho ông này về Malaysia để thăm người mẹ 81 tuổi của mình mà như ông nói đang ốm nặng và để tham dự lễ cưới của con trai. Yêu cầu của ông đã bị từ chối. Hộ chiếu của Soh đã bị tịch thu theo quy định của luật tại ngoại.

Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore cùng điều tra vụ án với Bộ Thương mại nước này lo ngại rằng Soh sẽ trốn đi mất.

Khởi nghiệp từ áo phông và dầu gội đầu

Soh nói ông bỏ học đại học ở Malaysia vào năm 1979 sau một tuần bán áo phông và dầu gội đầu. Vào năm 1981, người thanh niên khi ấy mới 21 tuổi đã kiếm được một triệu ringgit (đồng tiền của Malaysia) trước khi mất toàn bộ trong năm 1984. Soh nhớ lại ông đã phải làm thợ xây và thậm chí cọ rửa toilet trong cuộc suy thoái ở Malaysia vào năm 1985.

Ông dành mười năm tiếp theo thâu tóm các công ty, giữ một số chức vụ trong đảng chính trị lớn thứ hai của Malaysia và mua bán chứng khoán bằng tiền vay mượn. Vào năm 1996, ông thành lập một liên doanh với con trai của bộ trưởng giao thông khi ấy của Malaysia và tạo ra một đế chế kinh doanh gồm các công ty Promet Bhd. và Rekapacific Bhd. Liên doanh này sau đó bị thua lỗ và mọi chuyện trở nên tồi tệ với Soh trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á khi kinh doanh đình trệ và nợ nần chồng chất.

“Chính trị là mối tình đầu của tôi và kinh doanh là đam mê thứ hai. Anh cần phái có máu liều để làm kinh doanh và chính tri,” Soh tự hào nói.

Con trai của người bán hàng

Cổ phiếu của Rekapacific, một công ty bất động sản, đã bị cấm giao dịch vào năm 2005 sau khi sở giao dịch chứng khoán Malaysia phát hiện thấy công ty này đã vi phạm các quy định về báo cáo tài chính từ năm 1999 đến 2001.

Vào năm 1999, Soh rời Malaysia và trở lại vào năm 2002 để đối mặt với cáo buộc lừa đảo một công ty môi giới trong nước 520 triệu ringgit (125 triệu USD). Soh đã bác bỏ cáo buộc của các công tố viên Singapore rằng ông chạy khỏi quê nhà trước khi bị nhà chức trách bắt. Vào năm 2007, Soh đã nhận tội vì hành vi nộp thông tin giả cho sở giao dịch chứng khoán Malaysia và bị phạt 6 triệu ringgit.

Soh, con trai của một người bán hàng và sau này trở thành doanh nhân, đã tìm đến Singapore để thực hiện phi vụ tiếp theo. Ông đi về giữa Singapore và thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia gần như mỗi tuần cho đến hôm 2-4 năm 2014 khi bị giới chức Singapore bắt giữ và thẩm vấn về vai trò trong vụ làm giá chứng khoán.

Sau đó, các điều tra viên đã mở rộng cuộc điều tra và thu thập dữ liệu từ các giám đốc của sáu công ty có dính líu đến LionGold, Asiasons và Blumont.

Kể từ tháng mười, Soh đã làm quyền CEO của Dongshan Group, trước đó là có tên là Greatronic Ltd., mà đã bị Sở giao dịch chứng khoán Singapore cấm giao dịch vào năm 2008. Theo hồ sơ của tòa án, lương của ông ở công ty đầu tư trên là 3.000 đô-la Singapore một tháng.

Giám đốc của Dongshan, Tiong Sing Fatt cho biết qua e-mail rằng công ty đứng về phía Soh và miêu tả ông là “một nhà phân tích chiến lược xuất chúng.”


Long Nam
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg/CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục