Trong chính sách ngoại giao vừa công bố, ông Trump đổ lỗi cho chính quyền Obama và cả đối thủ nặng ký bên Đảng Dân chủ là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton về thái độ đối với Trung Quốc
Chặng đường tìm lại tuổi trẻ của Ratan Tata - "người đi ươm mầm" start-up
- Cập nhật : 13/04/2016
(Tin kinh te)
“Tôi luôn có khát khao sáng tạo trong suốt sự nghiệp. Việc gặp gỡ các start-up làm tôi thấy thật hứng khởi và nhớ lại tuổi trẻ của mình”.
Dù đã có một sự nghiệp thành công chói lọi, Ratan Tata không quên những năm đầu khó khăn ở tập đoàn Tata. Không ai trong đế chế này chịu nghe những ý tưởng mới của ông. Đồng nghiệp khuyên ông nên yên lặng và trung thành với phương thức hoạt động truyền thống của công ty.
Ngay cả sau khi đã trở thành chủ tịch vào năm 1991, ông vẫn phải trải qua một cuộc chiến cam go trong thượng tầng công ty để lèo lái nó đi theo những hướng đi táo bạo mới. Khi ông bắt đầu dự án xe giá rẻ Nano, một số nhân viên thậm chí còn bảo ông bị mất trí.
Giờ đây, ở tuổi 78, người đàn ông này không còn bị ràng buộc bởi việc điều hành công ty đã biến thành tập đoàn toàn cầu dưới sự lãnh đạo của ông. Và, Ratan đang tìm lại tuổi trẻ. Kể từ khi nghỉ hưu vào tháng 12 năm 2012, ông đã dành hầu hết thời gian cho các start-up, tận dụng vị thế của mình để trở thành nhà đầu tư vốn mạo hiểm nổi tiếng nhất Ấn Độ.
Việc gặp gỡ những doanh nhân trẻ nhiệt huyết làm ông nhớ lại bản thân khi còn trẻ, người luôn muốn tạo ra sự khác biệt. “Tôi luôn có khát khao sáng tạo trong suốt sự nghiệp của mình”, Tata nói. “Việc gặp gỡ các start-up làm tôi thấy thật hứng khởi”.
Biểu tượng của Ấn Độ
Sự nổi lên của Tata cũng phản ánh quá trình đi lên của đất nước Ấn Độ trên trường quốc tế. Ông đã biến Tata Sons thành một công ty toàn cầu trị giá 100 tỷ USD, với các sản phẩm từ xe hơi Land Rover cho đến trà Good Earth, và dẫn dắt các doanh nghiệp Ấn Độ khác như Bharti Airtel và Mahindra & Mahindra phát triển ra nước ngoài.
Hiện nay, triển vọng tăng trưởng của công ty đang bị ảnh hưởng phần nào bởi sự giảm tốc của Trung Quốc. Tata Steel cho biết đang có kế hoạch bán các công ty thép ở Anh mà Tata đã mua với giá 12 tỷ USD vào 10 năm trước. Nhiều quý thua lỗ và khoản nợ 2 tỷ bảng (2,8 tỷ USD) đã làm giá trị tài sản của chi nhánh này tụt xuống gần như bằng 0.
Và trong khi Tata Motors đang kiếm bộn tiền với thành công của dòng xe Jaguar Land Rover, Nano lại là một thất bại về thương mại do thói quan liêu của chính quyền khiến nhà máy mới chậm mất 2 năm để đi vào hoạt động. Hình ảnh của Nano cũng bị ảnh hưởng khi bị coi là loại xe rẻ tiền nhất thế giới.
Tata đã chia sẻ những khó khăn trong nửa thế kỷ kinh doanh của mình với 29 nhà sáng lập start-up trẻ tại một diễn đàn ở Singapore do Jungle Ventures tổ chức, nơi ông đóng vai trò làm cố vấn đặc biệt.
“Trong thế giới doanh nghiệp truyền thống, có vô vàn các rào cản”, ông nói. “Ngược lại, trong thế giới ngày nay, không ai hỏi anh: “Ai đã thử điều này trước đây? Ai đã thành công với hướng đi này? Anh có chắc mình làm được không?”. Chính điều này làm ông vô cùng phấn khích khi được làm việc với các startup.
Nhà đầu tư tự do
Kể từ khi nghỉ hưu, ông đã đầu tư vào hơn 25 dự án mạo hiểm, trong đó có dự án thanh toán di động Paytm và Teabox, một công ty bán lẻ trà cao cấp.
“Sau khi nghỉ hưu, tôi đã trở thành một nhà đầu tư tự do. Tôi được tùy ý sử dụng tiền của mình”, Tata nói. “Vì thế, tôi luôn cảm thấy được tự do”.
“Những doanh nhân kỳ cựu như Tata đem lại kinh nghiệm và quan hệ cho các start-up”, Arcot Desai Narasimhalu, giám đốc Viện Khởi nghiệp và Sáng tạo thuộc Đại học Quản lý Singapore nói. Viện này đã giúp thành lập 150 start-up, bao gồm cả Teabox. “Được lọt vào mắt xanh của ông là một cơ may tuyệt vời cho các doanh nhân khởi nghiệp trẻ”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Cornell ở Mỹ vào năm 1962, Tata trở lại Ấn Độ và gia nhập công ty của gia đình, Tata Industries, theo lời khuyên của người chú J.R.D. Tata. Sau này ông đã kế nhiệm chú mình làm chủ tịch công ty vào năm 1991.
Land Rover và Tetley
Trong hai thập kỷ sau đó, Ratan Tata đã đưa công ty ra trường quốc tế bằng cách thực hiện các thương vụ M&A trị giá hàng tỷ USD để thâu tóm các thương hiệu toàn cầu như Land Rover, Jaguar và Tetley. Ngày nay, tập đoàn Tata sở hữu hơn 100 công ty hoạt động trên toàn thế giới.
Nhưng người đàn ông cả đời độc thân này lại xem dự án ô tô Nano, bắt đầu vào năm 2004, mới là mốc son trong sự nghiệp của mình.
“Những đồng nghiệp của tôi trong ngành công nghiệp ô tô ở nước ngoài nói rằng “anh biết đấy, chúng tôi đã thử rồi và không thành công”. Anh đừng lãng phí thời gian nữa”, Tata nói. “Vì thế, một trong những khoảnh khắc phấn khích nhất trong đời tôi là phát triển Nano – biến điều không thể thành có thể”.
Ông có một chiến lược lựa chọn start-up và đầu tư đơn giản: những ý tưởng tuyệt vời và người sáng lập sẵn sàng theo đuổi việc kinh doanh đến cùng. Tata cho rằng các rào cản khởi nghiệp đã giảm đi đáng kể và kỷ nguyên biến ý tường thành doanh nghiệp đã đến.
Nếu có thể, Ratan Tata sẽ đưa ra lời khuyên gì cho chính bản thân mình năm 18 tuổi?
“Tôi đã khởi đầu sự nghiệp trong một môi trường kinh doanh truyền thống. Mọi người vẫn nói đó là một nơi tuyệt vời để làm việc, nhưng theo tôi đó không phải là nơi có thể đẫn đến sự sáng tạo”, ông nói. “Nếu quay trở lại lúc còn trẻ, tôi sẽ biến công ty mình thành một nơi cởi mở và sáng tạo hơn”.
Long Nam
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg