James Dyson là nhà sáng chế nổi tiếng người Anh, giàu đến nỗi ông còn sở hữu nhiều đất hơn nữ hoàng (chỉ riêng phần tài sản này đã đáng giá 1,5 tỷ Bảng). Nhưng để đến được với thành công ngày hôm nay, ông cũng phải trải qua nhiều thất bại xương máu.
Bao giờ Việt Nam có tỷ phú bền vững?
- Cập nhật : 03/05/2017
Việt Nam đang kỳ vọng có được những “tỉ phú bền vững” với 3 yếu tố kinh doanh bền vững, nhân sinh quan bền vững và trách nhiệm xã hội bền vững.
Việt Nam và một số nước trong châu Á đã và đang bắt đầu có những tỉ phú đô la được thế giới để mắt, với đặc điểm giàu có, kín tiếng. Một vài trong số đó còn được biết đến với cuộc sống xa hoa. Sự đóng góp cho xã hội và nền kinh tế của họ đã được thấy rõ qua các hoạt động kinh doanh. Nhưng so với các tỉ phú tiến bộ của thế giới, đó chỉ là bước khởi đầu. Thước đo cho một “tỉ phú bền vững” trên thế giới đúc kết lại trong cái gọi là “sự hạnh phúc”: hạnh phúc cho chính mình và hạnh phúc cho nhân loại. Và để có hạnh phúc đó, họ không mưu cầu tích lũy giàu có cho bản thân, mà sẵn sàng chia sẻ tất cả để giải quyết nhiều vấn đề nóng của thế giới.
Cách đây một năm, tờ Wall Street Journal có bài phân tích các tỉ phú Trung Quốc trở nên e dè trong các hoạt động từ thiện trong khi thụ hưởng lối sống xa hoa hơn. Wall Street Journal từ đó cũng nhắc đến việc hai tỉ phú thế giới là Bill Gates và Warren Buffett đã thất bại hoàn toàn trong chuyến công du đến Trung Quốc để kêu gọi các tỉ phú nước này đóng góp tài sản nhằm cùng tham gia các hoạt động từ thiện quốc tế.
Một thực tế là các nhà giàu, tỉ phú Trung Quốc không hào phóng và tình trạng này xảy ra không ít ở các nước châu Á. Trung Quốc ban hành Luật Từ thiện để “kích cầu”, nhưng sự nhân ái có lẽ không đến từ luật. Wall Street Journal cũng dẫn luận nghiên cứu của học giả Edward Cunningham (Đại học Havard) cho rằng, chỉ có 1% sản lượng kinh tế đến từ đóng góp từ thiện, trong khi ở nước Mỹ, con số này là 5%.
NCĐT muốn dùng thuật ngữ “tỉ phú bền vững” trong khuôn khổ bài viết này để nói về những thứ lớn lao hơn, không chỉ là tích lũy tư bản và hưởng thụ. Quan điểm của chúng tôi về giá trị của một “tỉ phú bền vững” phải bao gồm 3 yếu tố: kinh doanh bền vững (tạo nên mô hình kinh doanh tăng trưởng bền vững), nhân sinh quan bền vững (quan điểm nhân văn sâu sắc về giá trị con người và đạo đức) và trách nhiệm xã hội bền vững (hướng đến sự hỗ trợ từ thiện lâu dài, không vì tư lợi thương hiệu cá nhân).
Những tỉ phú bền vững
Không có gì đáng bàn luận về yếu tố kinh doanh bền vững với những bộ óc siêu việt của các tỉ phú, được minh chứng bằng giá trị tài sản công ty hay những doanh nghiệp có lịch sử hàng trăm năm. Nhưng nhân sinh quan bền vững và trách nhiệm xã hội bền vững không phải tỉ phú nào cũng có, hoặc làm được. Hay nói khác đi, đồng tiền chưa phải là sự thành công của một tỉ phú bền vững. Hãy xem cách Bill Gates (giá trị tài sản 86 tỉ USD), Warren Buffett (75,6 tỉ USD) và Richard Branson (4,9 tỉ USD), là 3 tỉ phú hàng đầu thế giới, nghĩ về nhân sinh quan và trách nhiệm xã hội của họ như thế nào?
Theo kênh CNBC, cả 3 tỉ phú này xứng đáng là 3 tỉ phú giàu nhất thế giới và cũng có thể gọi là “tỉ phú của các tỉ phú”. Trong đó, Bill Gates có thể trở thành “tỉ phú ngàn tỉ” đầu tiên của thế giới. Nhưng CNBC khi xâu chuỗi các phát ngôn và quan điểm của những tỉ phú này thì nhận ra những sự giống nhau thú vị. Tất cả họ đều nghĩ rằng, sự thành công không phải làm ra được nhiều tiền cho cá nhân. Bill Gates dẫn lời Warren Buffett trong một cuộc phỏng vấn và nhấn mạnh rằng: “Warren Buffett luôn nói thước đo thành công là làm cho mọi người bên bạn cảm thấy hạnh phúc và thương yêu bạn”. Sau đó, chính Bill Gates cũng thể hiện cùng quan điểm: “Thật tuyệt vời để làm điều gì đó khác biệt, như sáng chế ra một thứ gì đó, chăm lo cho con cái và giúp đỡ nhân loại”. Vì thế, ông cũng đã từng cho đi một nửa tài sản dành cho các hoạt động từ thiện (trong cam kết mang tên “The Giving Pledge”), cũng như thành lập Quỹ The Bill and Melinda Gates Foundation với mục đích tương tự.
Trong khi đó, tỉ phú người Anh Richard Branson, Chủ tịch Tập đoàn Virgin, cũng có chung suy nghĩ. Ông nói: “Thật là rất sai lầm để nghĩ rằng tiền là thước đo thành công của nhà làm kinh doanh. Nó không phải và không nên như vậy!”. Năm 2016, Richard Branson cũng viết trên trang LinkedIn quan điểm: “Nhiều người đo lường sự thành công bằng cách họ kiếm được nhiều tiền ra sao, cũng như những người họ quen biết. Trong quan điểm của tôi, sự thành công thực sự nên là cá nhân bạn hạnh phúc như thế nào. Tôi không bao giờ đặt nặng mục tiêu kinh doanh để kiếm tiền. Mỗi sản phẩm của chúng tôi phải thực sự mang đến sự khác biệt rất tích cực trong cuộc sống của con người”. Và không chỉ làm cho con người hạnh phúc, tư duy của Richard Branson còn hướng đến môi trường thiên nhiên, nơi ươm mầm sống cho con người. Và ông tỏ ra xuất sắc trong lĩnh vực này.
Vậy cụ thể hơn, các tỉ phú bền vững đã làm gì cho xã hội? Tư duy bền vững của họ ra sao?
Trước khi nói đến các tỉ phú này, có thể nhắc lại những nhân vật làm thay đổi lịch sử thế giới. Thường người ta hay nghĩ đến những vị quân vương hay các thống soái vẽ lại bản đồ thế giới, hoặc những nhà tư tưởng, các khoa học gia mở ra hướng đi mới cho nhân loại là những vĩ nhân. Nhưng ít ai biết rằng, từ xưa đã có không ít doanh nhân góp phần không nhỏ vào những tiến bộ vĩ đại của nhân loại.
Đây là một số điển hình: Thời đại Phục Hưng đưa châu Âu thoát khỏi đêm trường Trung cổ đã được tạo dựng nền móng bởi gia đình tài phiệt Medici của nước Ý; Karl Marx hoàn tất bộ “Tư bản luận” nhờ sự giúp đỡ không ngừng nghỉ của người bạn Friedrich Engels; Quỹ giải thưởng Nobel danh giá bậc nhất dành cho hòa bình và khoa học là đến từ gia tài của triệu phú người Thụy Điển Alfred Nobel; Bệnh giun móc và sốt vàng da đã bị đẩy lùi nhờ khối tài sản của tỉ phú John D. Rockefeller; Một người cùng thời khác là tỉ phú Andrew Carnegie cũng để lại 3.000 thư viện khắp toàn cầu, cùng kính viễn vọng khổng lồ Hooker giúp loài người khám phá hàng loạt bí ẩn lớn của vũ trụ.
Lịch sử gọi tên
Ngày nay, khi thế giới đang ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn hơn bao giờ hết, từ bất bình đẳng và đói nghèo cho đến bệnh dịch và biến đổi khí hậu, rất nhiều doanh nhân lớn đã đứng ra chủ động tìm kiếm những giải pháp cho nhân loại, thông qua sự am hiểu, các mối quan hệ và tài sản riêng của mình. Dĩ nhiên, nó không phải là những hoạt động thông thường để đánh bóng tên tuổi cá nhân.
Ví dụ điển hình là đôi vợ chồng giàu nhất thế giới Bill Gates và Melinda Gates. Họ đã thành lập Quỹ The Bill and Melinda Gates Foundation từ năm 2000, hiến tặng cho quỹ này 28 tỉ USD, và kêu gọi những người bạn như tỉ phú Warren Buffett cùng nhau góp sức. Cho đến nay, Qũy đã góp phần rất lớn vào việc phát triển và phân phối các loại vaccine đẩy lùi bệnh sốt rét, sởi, bại liệt, lao và HIV/AIDS. Ngoài ra, họ còn đóng góp rất nhiều cho các hoạt động tài chính vi mô, phát triển các kỹ thuật nông nghiệp mới và cải thiện điều kiện vệ sinh cho người nghèo. Bill Gates từng nói: “Chắc chắn là bây giờ tôi có dư thừa thức ăn và quần áo rồi. Quá một mức nhất định thì tiền bạc chẳng mang lại gì thêm với tôi cả. Công dụng của tiền bạc lúc này là hoàn toàn dùng để xây dựng nên một tổ chức và mang đến các nguồn lực giúp đỡ những người nghèo khổ nhất thế giới”.
Dĩ nhiên, người bạn của Bill Gates là Warren Buffett cũng rất hào phóng với các mục tiêu từ thiện. Không cần phải nói thêm về ông khi tỉ phú này đã tặng đến 99% giá trị tài sản của mình cho hoạt động của Hội Gates do Bill Gates sáng lập.
Trong khi đó, tỉ phú người Anh Richard Branson lại dồn hầu hết tâm huyết vào việc bảo vệ các di sản thiên nhiên và khuyến khích phát triển bền vững. Ông thường xuyên đóng góp rất nhiều vào các hoạt động bảo tồn các loài thú quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng và có nhiều lần bơi cạnh cá mập để gây sự chú ý cho việc bảo vệ loài cá này. Tại Việt Nam, Richard Branson cũng mạnh mẽ phản đối việc sử dụng các sản phẩm như vi cá mập hay sừng tê giác, qua cuộc trao đổi với NCĐT cách đây 2 năm: “Các nghiên cứu khoa học cho thấy thuốc aspirin còn tốt cho sức khỏe của bạn hơn là sừng tê giác”. Ông cũng đã cùng với nhiều doanh nhân Việt Nam ký một bản cam kết không sử dụng các sản phẩm từ sừng tê giác. Ngoài ra, Branson còn treo một giải thưởng 25 triệu USD cho ai tìm được cách loại bỏ hiệu ứng nhà kính và thành lập Tổ chức Carbon War Room để khuyến khích các mô hình kinh doanh và kinh tế thân thiện với môi trường.
Trong số các tỉ phú làm từ thiện, có lẽ người hào phóng nhất không thể không nhắc đến là tỉ phú người Mỹ 85 tuổi Chuck Feeney, đồng sáng lập đế chế bán hàng miễn thuế DFS. Ông đã cho đi tới 8 tỉ USD, tương đương 99,999% số tài sản của mình, dựa theo triết lý “hãy cứ cho đi trong lúc còn đang sống” (giving while living). Chuck Feeney cũng có một câu nói rất nổi tiếng là “Vải liệm không có túi. Tôi sinh ra tay trắng thì khi trở về sẽ trắng tay”. Điều rất đáng quý là Feeney chỉ để dành lại cho mình vỏn vẹn 2 triệu USD và dù ông đã góp công xây dựng tới 1.000 công trình phúc lợi nhưng không hề cho phép một công trình nào được mang tên ông. Ông chỉ đóng góp nếu như người nhận không công bố danh tính của ông.
Năm 1997, sau khi đọc một bài báo kể chuyện về những khó khăn của tổ chức East Meets West Foundation khi hoạt động tại Việt Nam, Feeney đã ngay lập tức góp 100.000 USD cho tổ chức này. Từ đó tới nay, Feeney và Quỹ Atlantic Philanthropies của ông đã đóng góp tổng cộng 381,5 triệu USD cho các hoạt động y tế và giáo dục ở Việt Nam, góp phần xây dựng và nâng cấp gần 1.000 trung tâm y tế. Hoạt động từ thiện của Feeney cũng chính là nguồn cảm hứng cho Bill Gates và Warren Buffett trong các hoạt động của mình, không ngần ngại cho đi với mục tiêu để lại một di sản tốt đẹp hơn cho xã hội và nhân loại.
Cuộc sống và phong thái của một số những tỉ phú này còn khiến chúng ta ngưỡng mộ hơn khi sự tiết kiệm và giản dị vượt lên trên tất cả, trái ngược với trái tim hào phóng của họ dành cho nhân loại. Warren Buffett vẫn sống trong ngôi nhà cũ trị giá 30.000 USD và cho biết không có lý do gì để ở một biệt thự sang trọng hơn. Bill Gates duy trì thói quen mua hàng giảm giá, với thú vui đi bộ trong công viên và giữ lại các phiếu quà tặng. Người đàn ông huyền thoại Chuck Feeney còn ở nhà thuê và đeo đồng hồ chỉ 15 USD. Và còn rất nhiều những tỉ phú khác cũng đang hướng đến cuộc sống đơn giản nhưng đầy tốt đẹp cho nhân loại như: Carlos Slim Helu (nhà tài phiệt viễn thông Mexico); Mark Zuckerberg (sáng lập Facebook); Jim Walton (Chủ tịch Ngân hàng Arvest); Ingvar Kampard (ông chủ hãng nội thất IKEA); Lý Gia Thành (Chủ tịch Hòa Ký Hoàng Phố)…
Sau tích lũy là phúc lợi cộng đồng
Phải chăng, tất cả những điều trên sẽ là tấm gương rất đáng quý để các triệu phú, tỉ phú tự thân ngày nay của Việt Nam noi theo! Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Tư vấn Knight Frank của Anh, Việt Nam hiện có 200 người có tài sản trên 30 triệu USD trở lên, tăng 32 so với năm 2015 và 50 so với năm 2014. Nhóm siêu giàu này tăng mạnh, gấp 3,2 lần trong khoảng thời gian 10 năm (2006-2016). Việt Nam là nước có mức tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới về số lượng người siêu giàu. Tổ chức này còn dự báo nhóm những người siêu giàu Việt Nam sẽ tăng lên con số 540 vào năm 2060, trong khi số lượng triệu phú sẽ ở mức 38.600 người.
Tuy nhiên, một báo cáo khác cho thấy, đa số cá nhân trong danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam đều là kinh doanh trong ngành bất động sản. Thực tế là bất động sản đóng góp rất thấp vào tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2016, lĩnh vực bất động sản chỉ đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của GDP là 6,21%. Sự giàu có từ bất động sản này không dựa trên công nghệ, sáng tạo... mà chủ yếu dựa vào sự chênh lệch giá trong các cơn sốt đất, hưởng lợi trong lợi ích nhóm. Hay nói cách khác, sự giàu có tại Việt Nam còn chưa bền vững, có nhiều nguy cơ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất ổn xã hội...
Tại Việt Nam, khái niệm trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) gần đây trở nên phổ biến hơn trong doanh nghiệp, như một thước đo tiến tới những mô hình phát triển bền vững. Trong báo cáo phát triển của các công ty đều có những chỉ tiêu về CSR cho thấy sự thay đổi trong tư duy kinh doanh bền vững của nhiều doanh nghiệp. Phương châm sống “Hãy sống tốt và nghĩ tới cộng đồng” đưa nữ tỉ phú Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đến với nhiều hoạt động CSR như bảo trợ, tặng quà cho trẻ em mồ côi, tật nguyền, người già cơ nhỡ tại nhiều địa phương... Tỉ phú Phạm Nhật Vượng đóng góp hào phóng vào Quỹ Trái tim nhân ái do chính ông sáng lập, tài trợ hàng triệu đô la nhằm giúp các cộng đồng nghèo xây dựng nhà ở cũng như thực hiện các chương trình xã hội khác...
Andrew Carnegie, người sáng lập Học viện Carnegie, ủng hộ quan điểm cho rằng, cuộc sống của một người giàu cần trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là tích lũy của cải và giai đoạn thứ hai là cải thiện phúc lợi cộng đồng. Carnegie cho rằng: “Tiền bạc tạo ra trách nhiệm. Không sớm thì muộn, chúng ta rồi sẽ nhận ra rằng thế giới chỉ trở nên tốt đẹp hơn khi tiền bạc tạo ra từ những tiến bộ công nghệ quay lại làm tăng hiểu biết và những điều đẹp đẽ trong thế giới ấy”.
Có thể thấy, những người giàu có tại Việt Nam đang trong giai đoạn tích lũy của cải và họ đang đứng trước trách nhiệm phải tạo ra phúc lợi cho cộng đồng. Nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tìm mô hình phát triển, kéo theo sự gia tăng khoảng cách bất bình đẳng, xuống cấp của môi trường, dịch bệnh đe dọa cộng đồng, suy giảm động lực phát triển kinh tế... Ngoài ra, nhiều hệ lụy khác do tăng trưởng nóng cũng diễn ra đòi hỏi phải có sự đầu tư dài hạn trong hệ thống giáo dục, y tế... tạo ra phúc lợi cho các thế hệ tương lai. Trong bối cảnh này, những doanh nhân, tỉ phú có ảnh hưởng cần dành tiền của, sức sáng tạo và tầm nhìn kinh doanh để giải quyết các thách thức này của xã hội hiện đại. Qua đó, đồng tiền và sự giàu có của họ mới tạo ra những điều đẹp đẽ hơn cho số đông.
Tàng Long - Tuấn Minh
Theo nhipcaudautu.vn