Nhiều giải pháp xuất khẩu quả vải qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn
DN dệt may trong nước gặp khó trong việc tìm đơn hàng mới
Đề nghị rút giấy phép công ty vàng Bồng Miêu, Phước Sơn
Du lịch Phú Yên và mục tiêu 7 triệu lượt khách/năm
Xử lý rác thải: Trận chiến tổng lực
- Cập nhật : 24/05/2016
(tin kinh te)
Đài Loan đang nổi lên là hình mẫu tiêu biểu của thế giới về tái chế rác thải, sau khi đạt tỉ lệ tái chế là 55% vào năm 2015.
Càng gần, tiếng nhạc nghe càng rõ, theo sau là 2 chiếc xe chở rác màu vàng nhạt và 2 chiếc xe tải tái chế rác loại thùng hở (không mui). Khi “đoàn xe” rác có phát nhạc này tiến vào bãi đỗ, mọi người hối hả chạy tới kéo các túi rác, thùng rác cho lên xe.
Yeh Yu-hsuan, một kỹ sư 25 tuổi, cũng như mọi người, đổ rác vào chiếc xe tải có ghi dòng chữ “Rác tổng hợp”. Những lá rau cải thì được bỏ vào thùng tái chế màu xanh dành cho rác thải là thức ăn chưa chế biến. Còn thùng màu đỏ được dùng để đựng những thức ăn thừa, đã nấu chín. Các thùng khác đựng đồ nhựa, kính, kim loại và bóng đèn. Yeh cho biết anh không thấy phiền gì khi buổi tối chở rác đến điểm tập kết này. “Chúng tôi vừa mới ăn tối xong và tôi có thể chở tất cả mọi thứ trên chiếc xe máy của mình”, anh nói.
Từng được gọi là Garbage Island (hòn đảo rác), nhưng nay Đài Loan đã nổi lên là một hình mẫu tiêu biểu của thế giới về tái chế rác thải, khi cho biết tỉ lệ tái chế của mình là 55% vào năm 2015, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan (EPA). Nhờ đó, đã đưa hòn đảo có mật độ dân cư đông đúc với 23,5 triệu dân lên ngang hàng với những nước đứng đầu về tỉ lệ tái chế như Áo, Đức và Hàn Quốc. Tỉ lệ này cũng cao hơn nhiều so với tỉ lệ tái chế 35% dành cho Mỹ bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhưng với những bãi chôn rác dự kiến chạy hết công suất trong vòng 6 năm trong khi đất đai khan hiếm và đắt đỏ, vấn đề xử lý và tái chế rác càng trở nên cấp bách. Trong bối cảnh đó, “nền kinh tế tuần hoàn” - tức chính sách khuyến khích sử dụng các nguồn lực một cách tối ưu nhất - cũng đang được các cơ quan quản lý hướng tới. Các nhà chức trách Đài Loan cũng đã cam kết sẽ đẩy mạnh các chính sách vì môi trường.
Đài Loan dựa vào một chiến lược toàn diện, theo đó khai thác triệt để những chiếc xe chở rác phát nhạc từ lâu được sử dụng, cùng những túi rác thải có trả tiền. Chiến lược này cũng “huy động” cả những chú lợn vào cuộc; những chú lợn này sẽ giúp “tiêu thụ” loại rác thải là thực phẩm thừa, đã chế biến. Đồng thời, các nhà chức trách cũng nhờ tới vai trò của người dân để giúp bắt quả tang những đối tượng xả rác bừa bãi.
“Để chính sách này phát huy tác dụng, bạn phải làm sao cho nó thật thuận tiện cho mọi người. Bạn cần những sáng kiến và cả những mức phạt để cảnh cáo các đối tượng vi phạm”, Wu Sheng-chung, Tổng Giám đốc bộ phận xử lý rác thải của EPA, cho biết.
Một chìa khóa quan trọng khác làm nên thành công của chính sách xử lý rác là sự hiện diện của một quỹ do cơ quan quản lý điều hành. Quỹ được tài trợ bởi những nhà sản xuất và nhà kinh doanh các sản phẩm hoặc túi, bao bì tái chế có chọn lọc như các công ty nước giải khát sử dụng chai nhựa PET. Quỹ này trợ cấp cho hoạt động thu gom và tái chế của Đài Loan, với thành phần tham gia rất đa dạng từ những người bới rác kiếm sống cho đến các tập đoàn đa quốc gia như World Resources Co. có trụ sở đặt tại Mỹ.
Cách tiếp cận nói trên không phải là nơi đâu cũng áp dụng được. Đài Loan đã trở thành hình mẫu tái chế của thế giới, chủ yếu nhờ vào nỗ lực của 2 thành phố giàu có hơn là Đài Bắc với tỉ lệ tái chế 67% và “người láng giềng” Tân Đài Bắc, với tỉ lệ tái chế 63,5%. Còn ở các vùng nông thôn, vốn có ít nguồn lực hơn để tài trợ cho hoạt động tái chế thì việc thực thi chính sách rất hạn chế.
Số tiền mà Đài Bắc thu được từ việc bán các túi rác xanh không là bao so với ngân sách của chương trình tái chế nên chính quyền thành phố này buộc phải trợ cấp, theo Wu, EPA. “Rất khó để tất cả các chính quyền địa phương thực hiện chương trình này”, ông nói.
Hoạt động tái chế được coi trọng từ cuối thập niên 1990, khi phong trào bảo vệ môi trường trở nên mạnh mẽ trước tình trạng ô nhiễm công nghiệp. Hiện nay, luật yêu cầu người dân ở Đài Loan phải tách riêng rác thành 3 loại: rác tổng hợp (phần lớn rác tổng hợp được đem đi đốt), rác thải có thể tái chế và rác nhà bếp. Thành phố Đài Bắc thậm chí còn phân cụ thể rác thải thành rác thải thô, chưa chế biến (được nông dân dùng làm phân trộn) và rác thải đã chế biến, nấu chín (được dùng làm thức ăn cho lợn).
Những sáng kiến cá nhân đôi khi còn đi xa hơn. Tzu Chi Foundation, một tổ chức Phật giáo phi chính phủ, đang điều hành hơn 4.500 điểm thu gom rác thải trên khắp Đài Loan và huy động một lực lượng hùng hậu những người tình nguyện, trong đó có nhiều người lớn tuổi, để thu gom rác và phân loại rác.
Buổi sáng, hàng chục người đã về hưu tập kết tại trung tâm giáo dục và tái chế của tổ chức này ở khu vực Nội Hồ, thuộc thành phố Đài Bắc. Tại đây, những người phụ nữ lột miếng nhựa ra khỏi các chai PET và phân các chai này ra làm 2 loại: loại có màu và loại trong suốt. Một người đàn ông dùng búa đập vỡ những chiếc cassette và lấy ra các dải băng không tái chế được.
Gần đó, Kao Ah-yeh, 82 tuổi, đang ngồi trên đống túi nhựa và phân loại chúng. Bà tình nguyện làm việc ở đây được 8 năm. “Tôi làm việc này để cứu trái đất. Tôi có 5 đứa con. Làm điều này tốt cho con mình và cho những người khác”.
Jong Yan-leou, đứng đầu nỗ lực bảo vệ môi trường của Tzu Chi, cho biết tổ chức đã thu gom được 100.000 tấn rác vào năm 2015, chiếm khoảng 3% tổng lượng rác thải ra của Đài Loan; các chai PET được tái chế thành mền và quần áo để đem đến cứu trợ cho những khu vực bị thiên tai.
Sáng kiến của Yang Chao-ming, một nhà điều hành tour du lịch, cũng góp phần nhỏ làm sạch nơi ông ở. Khi Yang chuyển sang sống ở khu phức hợp căn hộ Dahu Park Homes, các cư dân ở đây đã phải đưa rác ra ngoài đến các xe tải chở rác. Thế là Yang đã giúp lập ra một khu vực bỏ rác trung tâm cho khu căn hộ này. Tại đây, từng thùng rác được dán nhãn cụ thể, với hơn 10 loại rác thải khác nhau.
Hầu hết các cư dân rất hoan nghênh sáng kiến này, nhưng một số vẫn không làm theo quy định, Yang cho biết. Khu căn hộ đã lắp 2 máy quay để bắt quả tang những người bỏ ra không đúng quy định. Đối với người vi phạm lần đầu, ban quản lý khu căn hộ chỉ nhắc nhở. Nhưng nếu “vi phạm lần thứ 2, chúng tôi chụp hình từ máy quay và đăng lên. Chúng tôi làm mờ khuôn mặt vì đảm bảo tính riêng tư, nhưng người vi phạm nhìn vào thì vẫn biết đó là mình”, Yang nói.
EPA cũng giấu kín máy quay để bắt quả tang những người vi phạm và kể từ năm 2012 đến nay, họ đã bắt được 5.600 trường hợp vi phạm, theo Tsai Ching-tsun, một nhà điều hành tại EPA. EPA còn dùng tới phân nửa số tiền phạt để thưởng cho những người cung cấp bằng chứng vi phạm. Theo một báo cáo của kênh truyền hình địa phương, một người bán hàng rong chợ đêm đã nhận được 21.460 USD tiền thưởng vì đã giúp bắt được 4.900 người quăng rác bừa bãi trong vòng 10 tháng.
Khánh Đoan
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)