Buôn vải thiều sang Trung Quốc: Vượt cửa khẩu giá gấp đôi
TP HCM chuyển dự án sân golf thành khu dân cư
Doanh nghiệp kêu trời vì cấp phép xây dựng
Gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt
Lập khu “nhạy cảm” chứ không cho phép mại dâm
- Cập nhật : 04/11/2015
(Xa hoi)
Ông Lê Văn Quý, phó chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM, đã khẳng định như vậy khi trao đổi về đề xuất lập khu “nhạy cảm” thí điểm tại TP.HCM.
Cơ quan chức năng kiểm tra hành chính một nhà hàng karaoke có dấu hiệu vi phạm trên đường Phạm Viết Chánh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Ông LÊ VĂN QUÝ nói:
- Nếu lập khu “nhạy cảm”, tập trung các ngành nghề trong một phạm vi nhất định, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm sẽ dễ dàng hơn. Các tổ chức, cá nhân được khuyến khích bằng giá thuê nhà, đất, ưu đãi về thuế, lãi suất cho vay... buộc phải tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật. Được ưu đãi rồi, tạo điều kiện kinh doanh rồi mà vi phạm thì sẽ có quy định xử phạt nặng hơn.
Ngoài việc xử lý hình sự, những người liên quan trực tiếp có thể bị ngừng, cấm kinh doanh có thời hạn, vĩnh viễn trong khu vực này sẽ khiến người kinh doanh chắc chắn vì lợi ích của chính họ mà phải nghiêm túc thực hiện.
Mục tiêu cao nhất đặt ra là làm sao kéo giảm tình trạng mại dâm và đảm bảo an toàn về sức khỏe con người, tránh lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội, cùng với đó là đảm bảo về an ninh trật tự.
* Việc lập khu “nhạy cảm” có phải nhằm hợp thức hóa mại dâm hay không, thưa ông?
- Không. Khu “nhạy cảm” sẽ chỉ là nơi tập trung các dịch vụ “nhạy cảm” chứ không có nghĩa cho phép mại dâm, kích dục trong khu vực này.
Thực tế cho thấy hầu hết quận, huyện trên địa bàn TP đều tồn tại các điểm kinh doanh nhạy cảm như karaoke, matxa, hớt tóc gội đầu thanh nữ... Đây là những điểm nóng, diễn biến phức tạp cả về an ninh trật tự lẫn nạn mại dâm, HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Do đó, theo quan điểm cá nhân tôi, nên tập trung lại cho dễ quản lý, giám sát, đảm bảo các quy định về an ninh trật tự, điều kiện kinh doanh, vệ sinh môi trường, sức khỏe người lao động và tránh các bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp.
* Nếu không cho phép mại dâm, lập khu vực “nhạy cảm” tập trung để làm gì?
- Các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm hiện nay có tiếp viên nữ là chủ yếu, ngoại trừ việc mại dâm, kích dục bị pháp luật cấm thì các hành vi tương đối nhạy cảm khác, ví dụ như ngồi gần khách hàng phục vụ đồ ăn, nước uống, nói chuyện, ca hát, đụng chạm tay chân... pháp luật không cấm.
Nếu chúng ta quản lý chặt, giám sát tốt thì hành động nhạy cảm chỉ dừng lại ở mức không vi phạm pháp luật như thế, còn không thì không thể quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý tốt được.
Nếu chúng ta cho phép thí điểm thành lập khu tập trung các ngành nghề kinh doanh “nhạy cảm” này, chứ không lập khu vực “nhạy cảm” ngay lập tức để tự do kinh doanh các ngành nghề này trên diện rộng, các cá nhân và tổ chức nếu muốn kinh doanh có thể đăng ký tham gia, đảm bảo chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Khi tập trung trong một phạm vi nhất định, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm sẽ dễ dàng hơn.
Sau thời gian thí điểm có thể tổng kết, xem xét cái được, cái mất để tính toán tới việc cho phép thực hiện mô hình tương tự trên cả nước hay không. Không chỉ cá nhân tôi có quan điểm này, mà nhiều người, trong đó có cả những người có trách nhiệm, cũng đồng tình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà họ chưa công khai quan điểm.
* Theo ông, khu vực nào tại TP.HCM phù hợp để thành lập khu vực “nhạy cảm”?
- Tôi cho rằng Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) là khu vực rất phù hợp để thí điểm mô hình này bởi chỉ có đường độc đạo ra vào trên bộ, dễ kiểm soát, quản lý về mọi mặt.
Hơn nữa, khu vực này gần trung tâm TP, lại tách biệt với đời sống của người dân, diện tích đủ lớn để xây dựng các mô hình thí điểm tập trung, mỗi ngành nghề nhạy cảm.
Ngoài ra, khu vực Cần Giờ cũng được nhiều người gợi ý, tuy nhiên địa điểm này quá xa, khó thu hút được khách hàng nên khả năng xây dựng mô hình thí điểm ở đây khó khả thi.
* Nếu được cơ quan thẩm quyền đồng ý, theo ông, nên làm thế nào?
- Nếu TP.HCM đồng tình với ý kiến của tôi, TP sẽ lập đề án cụ thể trình Quốc hội và Chính phủ.
Trong đề án cũng giống như đề án về giải quyết vấn đề người nghiện không nơi cư trú mới đây hay việc cưỡng bức chữa bệnh với người nghiện trước đó. Có thể di dời toàn bộ các hộ dân của khu vực để thực hiện đề án.
Trong trường hợp Quốc hội, Chính phủ không cho phép tiếp tục sau khi thử nghiệm, khu vực này cũng có thể phát triển rất nhiều mô hình khác, có lợi cho nền kinh tế, văn hóa, thể thao TP.
Đây chỉ là đề xuất ban đầu để các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu về một giải pháp tổng thể cho vấn nạn mại dâm, chứ chưa phải đề án được nghiên cứu đầy đủ nên nói chi tiết về từng việc là rất khó.
Mục đích của tôi là đưa ra gợi ý về giải pháp để đảm bảo kéo giảm mại dâm, hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS, bệnh xã hội và đảm bảo an toàn trật tự xã hội.
Ngoài giải pháp này ra, tôi chưa nhận thấy một giải pháp nào khả thi để đảm bảo thực hiện được mục tiêu kéo giảm mại dâm và đảm bảo các yếu tố khác.