Du học Úc là một trong những ước mơ hoàn toàn có thể hiện thực hóa bằng nhiều cách khác nhau. Khi nhắc đến du học Úc, mối quan tâm nào sẽ xuất hiện trong suy nghĩ của bạn đầu tiên. Liệu có phải là phương án du học sao cho tiết kiệm chi phí? Chọn trường nào miễn chứng minh tài chính? Hay cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp? Những khó khăn của bạn tưởng không dễ mà hóa ra dễ không tưởng với nhiều giải pháp tối ưu tại Triển lãm du học Úc, bậc Đại học và Sau Đại học tại Úc.
Báo động ô nhiễm không khí!
- Cập nhật : 04/06/2018
Ô nhiễm không khí đang có tác động lớn đến sức khỏe con người ở Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn
Nhiều thành phố tại Việt Nam, ô nhiễm không khí đã vượt chuẩn cho phép của WHO. Ảnh: Thiên Ân
Việc đầu tiên tôi làm mỗi buổi sáng thức dậy là kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí. Các bạn cũng có thể dễ dàng làm việc này qua ứng dụng Air Quality Index (AQI). Có nhiều ngày đáng báo động và đó là lý do chúng ta cần hành động ngay”, giảng viên Thu Thủy chia sẻ trong một buổi chiếu phim tài liệu về môi trường của Live & Learn.
Tuần đầu tiên của tháng 5 vừa qua kỷ niệm Tuần Nhận thức Chất lượng Không khí (Air Quality Awareness Week). Mười năm trước, Đại sứ quán Mỹ đã lắp đặt trạm quan trắc chất lượng không khí đầu tiên trên các tòa nhà lãnh sự và đại sứ của mình tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Những dữ liệu thu thập được đã tạo nên một trong những câu chuyện học thuật khoa học thành công nhất gần đây. Kể từ đó, đã có thêm 35 trạm quan trắc khác được lắp đặt tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ trên khắp toàn cầu và chương trình giám sát chất lượng không khí có thêm 50 đối tác khác.
Cơ sở dữ liệu chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bao gồm 4.300 thành phố trên 108 quốc gia toàn thế giới, mới cập nhật chỉ ra rằng khoảng 90% số người trên thế giới đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của WHO và có tới khoảng 7 triệu người tử vong mỗi năm do phơi nhiễm với các hạt bụi siêu nhỏ trong không khí.
Ô nhiễm không khí là tác nhân nguy hiểm của những bệnh không lây nhiễm, ước tính gây ra 1/4 ca chết vì bệnh tim, 1/4 ca đột quỵ, 43% ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 29% của các ca ung thư phổi.
Tất cả các khu vực trên thế giới ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nhưng người dân ở các thành phố thu nhập thấp lại bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực có mức ô nhiễm không khí cao nhất là phía Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Thực vậy, ô nhiễm không khí đang có tác động lớn đến sức khỏe con người ở Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tại thủ đô Hà Nội, người dân đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ hai trong số 35 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á. Theo dữ liệu mới của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID), 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO.
Trong khi đó, người dân tại TP.HCM tuy có điều kiện sống tốt hơn nhưng cũng đang hứng chịu mức độ ô nhiễm cao thứ 5 trong khu vực. Cụ thể, tại TP.HCM, trong quý I/2018, có 18 ngày, tương ứng với 1/5 số ngày có nồng độ bụi trung bình vượt quá Quy chuẩn Quốc gia, trong khi con số này ở Hà Nội là 49 ngày. Tuy nhiên, so với hướng dẫn nghiêm ngặt hơn của WHO thì số ngày vượt quá tiêu chuẩn lên đến 68 ngày, tương ứng 75% số ngày.
Mặc dù chất lượng không khí ở TP.HCM tốt hơn ở Hà Nội, nhưng so sánh dữ liệu Chỉ số chất lượng không khí (AQI) được ghi lại tại trạm đo của Lãnh sự quán Mỹ trong suốt 3 năm gần đây (2016-2018) cho thấy xu hướng chất lượng không khí đang ngày càng xấu đi ở TP.HCM. Ngược lại với Hà Nội, trong quý I những năm gần đây, số giờ có AQI ở mức không tốt cho sức khỏe tăng dần qua các năm.
Để đối phó với tình trạng này, khu vực nhà nước và tư nhân đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí, trong đó “Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý chất lượng không khí đến năm 2020”, kế hoạch đặt thêm 70 trạm quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội.
Hiện Hà Nội chỉ có 13 trạm quan trắc không khí và TP.HCM chỉ có 1 trạm công bố số liệu trực tuyến cho người dân. Việc phân tích chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM dựa trên dữ liệu quan trắc công khai trong suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, để có bức tranh đầy đủ về chất lượng không khí ở Việt Nam thì cần lắp đặt thêm nhiều trạm quan trắc nữa. Bà Nguyễn Thị Anh Thư, nghiên cứu viên GreenID, cho biết: “Chúng tôi cũng đang sử dụng nguồn dữ liệu hiện có để đưa ra những cảnh báo về hiện trạng chất lượng không khí để người dân có thể chủ động bảo vệ sức khỏe gia đình khi ô nhiễm ở mức cao.”
Các tác nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí là chất dạng hạt (particulate matter - P.M) bao gồm việc sử dụng năng lượng không hiệu quả ở hộ gia đình, công nghiệp, nông nghiệp, khu vực giao thông và những nhà máy nhiệt điện than, theo báo cáo của WHO. Tương tự tại Việt Nam, giao thông vận tải, công nghiệp và sản xuất năng lượng được cho là 3 nguồn gây ô nhiễm không khí hàng đầu tại các thành phố, theo kết quả khảo sát của GreenID.
“Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam khó có thể cải thiện khi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thêm khoảng 40 nhà máy điện than từ nay tới năm 2030”, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, khuyến cáo.
Bà Khanh kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua các biện pháp như thúc đẩy ban hành đạo luật không khí sạch đồng thời thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải của giao thông và các nhà máy nhiệt điện than.
Thái Dương
Theo Nhipcaudautu.vn