Vị trí mới của Việt Nam trên bảng xếp hạng môi trường thương mại toàn cầu là 73, theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Nền kinh tế đã cạn kiệt nguồn lực tăng trưởng
- Cập nhật : 02/09/2016
(Kinh te)
Đây là những báo động vừa là lời cảnh tỉnh của nhiều chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế được tổ chức mới đây tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thời gian qua, nói đổi mới nhưng chúng ta chưa thực sự đổi mới tư duy, chưa có quyết tâm chính trị đủ mạnh, còn chần chừ, do dự trong cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường, kết quả là thể chế kinh tế thị trường thiếu, không đồng bộ, méo mó.
Người kém thì không thể đổi mới
Trong khi đó, GS Võ Đại Lược cho rằng, yếu tố quyết định của chuyển đổi mô hình kinh tế Việt Nam phải trọng dụng nhân tài, mấy trăm thủ khoa mà tuyển được khoảng 10% làm được vài ba năm họ ra ngoài làm việc. Du học sinh Việt Nam ở các trường đại học danh tiếng thế giới, tại sao không ai về Việt Nam, họ ở lại nước ngoài là vì sao?
"Năng lực soạn thảo văn bản của ta còn kém. Chúng tôi trong tổ tư vấn của Chính phủ xem văn bản này thấy chán quá, nhưng không còn lựa chọn nào khác là vẫn phải ban hành. Hiện nay, Việt Nam đủ các loại văn bản, Nghị định mà thể chế kinh tế vẫn kém. Ở đây là người kém không thể đổi mới. Cơ chế hiện nay dung dưỡng cho chạy chức, chạy quyền. Chúng ta không thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực", ông Lược nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: 5 năm qua chúng ta đã chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng chưa hiệu quả chưa nhiều. Câu hỏi lớn nhất của tôi là lấy đâu ra nguồn lực tăng trưởng chất lượng và bền vững trong khi nguồn lực mô hình cũ đã cạn kiệt.
“Nói mãi đổi mới mô hình tăng trưởng mà không đổi mới được. Đừng có tăng trưởng theo chiều rộng bằng vốn, lao động giá rẻ và tài nguyên nữa. Chúng ta cần nhận thức là thế giới đang thay đổi từng ngày theo giá trị gia tăng, trình độ và công nghệ của con người. So sánh với các điều kiện ngoại lực, điều kiện nội lực đang yếu đi. Khu vực trong nước nhập khẩu cao, nhập siêu lớn. Hiệu suất đầu tư cao nhưng hiệu quả đầu tư vốn thấp. Khu vực kinh tế trong nước yếu trong cạnh tranh, kém trong hội nhập. Đây là nỗi đau của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Theo bà Lan, hiện tư duy phát triển ở nhiều cơ quan Nhà nước, Bộ, ban ngành còn coi kinh tế Nhà nước là chủ đạo. "Chưa thay đổi được tư duy thì chưa thể nghĩ đến thay đổi trong hành động. Ngay cả chi tiêu công, đầu tư công không được giám sát và quy trách nhiệm và còn được che chắn nữa", bà Lan nói.
"Các yếu kém của DN Việt Nam hiện nay, một phần do chính họ nhưng DN hoạt động trong môi trường không cạnh tranh thì làm sao có đất sống để cạnh tranh được với thế giới. Cần thay đổi cách tư duy: 5 năm tới, cần cải cách nhanh, quyết liệt còn nếu cứ "rải mành mành" thế này thì không thay đổi được", chuyên gia Lan nhấn mạnh.
Ví dụ về biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất nông nghiệp: "dưới sức ép của biến đổi khí hậu, nông nghiệp của Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ không thể theo cách cũ được, 4 năm rồi không có lũ rồi phải thay đổi cơ cấu cây trồng. Chúng ta đã đến chân tường rồi, sao không thay đổi đi", bà Lan khẳng khái nói.
Công nghiệp hóa rỗng ruột và đội ngũ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"
Theo GS Nguyễn Quang Thái: Hiện Nghi quyết của Việt Nam là nhất thế giới, nói và lặp lại Nghị quyết ở các Bộ, ngành và địa phương.
"Chúng ta phải thay đổi, nên gai góc hơn, chứ cứ nói mượt mà theo Nghị quyết thì không ổn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói cần là nói thẳng và đi thẳng vào vấn đề để đổi mới đất nước", GS Thái nói.
Vị GS nhấn mạnh: "Hiện công nghiệp hóa của mình là kiểu rỗng ruột, dịch vụ của mình kém thì năng lực cạnh tranh và chơi sòng phẳng thế nào?"
TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng: "Chúng ta phải đánh giá lại thực trạng nền kinh tế. Vấn đề là cái gì cũng muốn làm khi mà lực kém. Chỉ nói hay nhưng làm dở, chính sách luật pháp nhiều cái chưa chuẩn, ban hành ra thiếu tính thực tế".
Ông này ví dụ: Phạt người đi bộ đi dưới lòng đường, nhưng thử hỏi tại sao họ phải đi xuống lòng đường. Chẳng ai muốn bị phạt, bị xe đâm. Trong khi các gốc vấn đề là vỉa hè bị chiếm dụng, đường không có vỉa hè thì không giải quyết.
Theo TS Bá: Hiện nay, vấn đề phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hóa thế nào trong khi các nước phát triển xe chạy điện rồi, Việt Nam vẫn chưa có chiếc xe hoàn chỉnh, vẫn sử dụng xăng bẩn tiêu chuẩn Euro 2, trong khi thế giới sử dụng xăng sạch Euro 4, xăng sinh học.
"Đã đến lúc muốn giải quyết các vấn đề kinh tế thì phải giải quyết các vấn đề ngoài kinh tế, nếu không chỉ loay hoay mãi. Con người là yếu tố cần đổi mới đầu tiên. Cần phải "dỡ miếu đuổi hòa thượng" giảm bớt người hưởng lương ngân sách khiến nền kinh tế không chịu nổi, chi thường xuyên quá lớn khiến bà con nông dân phải còng lưng nuôi", ông Bá nói.